Báo Công An Đà Nẵng

Mỹ nỗ lực kết thúc bê bối nghe lén

Thứ tư, 30/10/2013 12:42

(Cadn.com.vn) - Phải đối mặt với một loạt bê bối tiết lộ về hoạt động gián điệp của Cơ quan Tình báo Quốc gia (NSA), Nhà Trắng đang tìm cách nỗ lực kết thúc việc nghe trộm nhằm vào các nhà lãnh đạo nước ngoài thân thiện.

Trong bối cảnh “thù trong, giặc ngoài”, khi đối mặt với sự phẫn nộ ở Châu Âu và làn sóng biểu tình phản đối trong nước, Nhà Trắng tuyên bố sẽ xem xét lại các chương trình thu thập thông tin tình báo, có thể là sẽ thu hẹp và kiềm chế các hoạt động.

NSA đang xem xét giới hạn chương trình nghe lén mà họ cho là
nhằm bảo vệ an ninh quốc gia. Ảnh: Reuters

Giới hạn nghe lén

“Chúng ta thu thập thông tin không chỉ bởi vì chúng ta có thể mà còn vì chúng ta nên, cần những thông tin đó để bảo đảm an ninh”, AP ngày 29-10 dẫn lời phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho biết. Theo ông Carney, các dữ liệu tình báo của Mỹ hiện đang được nhiều thành phần trong chính quyền xem xét, nhằm giúp “giải quyết thỏa đáng” vấn đề an ninh của Mỹ cũng như của các đồng minh và mối quan ngại quyền riêng tư của cả công dân Mỹ và các nước trên thế giới”.

Trong một tuyên bố, Chủ tịch Ủy ban Tình báo của Thượng viện Mỹ Dianne Feinstein cho biết đã được Nhà Trắng thông báo sẽ không tiếp tục hoạt động do thám các đồng minh đồng thời kêu gọi cuộc “tổng rà soát tất cả các chương trình thông minh”. Báo cáo rò rỉ mới từ cựu chuyên gia phân tích hệ thống NSA Edward Snowden chỉ ra rằng, NSA nghe lén Thủ tướng Đức và 34 nhà lãnh đạo khác. “Bộ sưu tập” của NSA điểm tên các đồng minh Mỹ, trong đó có Pháp, Tây Ban Nha, Mexico và Đức... Nói vấn đề này, bà Feinstein tuyên bố “hoàn toàn phản đối” việc làm của NSA. Theo bà, “trừ khi Mỹ tham gia vào hoạt động quân sự chống lại một quốc gia hoặc có tình huống khẩn cấp buộc phải thực hiện kiểu do thám như vậy, tôi không tin rằng Mỹ nên thu thập các cuộc điện đàm hoặc thư điện tử của các vị tổng thống và thủ tướng của các nước bạn bè”.

Tuy nhiên, các quan chức Nhà Trắng cho biết, tuyên bố của bà Feinstein không chính xác, và nói thêm rằng, một số thay đổi không xác định đã được thực hiện và nhiều thay đổi nữa đang được xem xét, bao gồm chấm dứt việc thu thập thông tin các quốc gia thân thiện. Hiện vẫn chưa có một quyết định cuối cùng về vấn đề này.

Châu Âu đáp trả

Tổng thống Barack Obama vấp phải chỉ trích dữ dội về các cáo buộc “làm ngơ” cho NSA nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel, rình mò ở Pháp, Italia, Tây Ban Nha và những nơi khác. Những lời buộc tội gây gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và một số đồng minh truyền thống gần nhất.

Tin tặc đột nhập tài khoản Tổng thống Obama

Tin tặc Quân đội điện tử Syria (SEA) ngày 29-10 thông báo đã thâm nhập và quản lý được các tài khoản trên mạng xã hội của Tổng thống Mỹ Barack Obama, cũng như trang mạng mà ông Obama thực hiện chiến dịch tranh cử tổng thống. Theo RIA Novosti, các trang Twitter và Facebook của Tổng thống Mỹ xuất hiện thông tin với đường dẫn tới địa chỉ các đoạn  băng “nói lên sự thật về Syria”.

Đức hôm 29-10 cảnh cáo Mỹ có thể mất quyền truy cập một công cụ thực thi luật pháp quan trọng được dùng để theo dõi dòng tiền của những kẻ khủng bố. Bộ trưởng Tư pháp Đức Sabine Leutheusser-Schnarrenberger cho biết, bà tin rằng, Washington đang sử dụng công cụ này để thu thập thông tin tình báo kinh tế và họ có thể bị đình chỉ sử dụng công cụ này (hệ thống giao dịch tài chính liên ngân hàng quốc tế - SWIFT). Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố sẵn sàng xem xét ý tưởng đình chỉ thỏa thuận SWIFT nói trên. Các quan chức Liên minh Châu Âu (EU), những người đang có mặt ở Washington để gặp gỡ các nghị sĩ Mỹ trước các cuộc đàm phán với Nhà Trắng cho biết, việc Mỹ giám sát người dân Châu Âu có thể ảnh hưởng đến đàm phán về Hiệp định Thương mại FTA giữa Mỹ và EU.

Khi căng thẳng với các đồng minh Châu Âu leo thang, các quan chức cấp cao tình báo Mỹ chính thức giải mật hàng chục tài liệu tối mật trong một nỗ lực rõ ràng chứng minh rằng, NSA hành động một cách hợp pháp khi thu thập hàng triệu hồ sơ điện thoại của người dân Mỹ và các nước.

Khả Anh