Báo Công An Đà Nẵng

Mỹ quan ngại hộ chiếu "đường lưỡi bò"

Thứ ba, 27/11/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Mỹ và Indonesia ngày 27-11 bày tỏ quan ngại quanh hộ chiếu "đường lưỡi bò" của Trung Quốc.

Không chứng thực hộ chiếu "đường lưỡi bò"

Chính quyền Washington ngày 27-11 khẳng định, không chứng thực hộ chiếu mới "gây tranh cãi" của Trung Quốc, trong đó có in "đường lưỡi bò", bản đồ tuyên bố chủ quyền lãnh thổ hoàn toàn vô lý của Trung Quốc tại biển Đông.

Khi được hỏi liệu một công dân Trung Quốc mang hộ chiếu mới có in bản đồ gây tranh cãi và được hải quan Mỹ đóng dấu nhập cảnh, thì điều đó có bị coi là sự công nhận của Mỹ với bản đồ đó không, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland khẳng định là "không". Chuyên gia ngoại giao này tuyên bố: "Không, việc này không được chứng thực. Trên cương vị của mình, dù không đòi chủ quyền ở biển Đông, nhưng Mỹ luôn khẳng định, các bên tranh chấp lãnh hải cần tiếp tục đàm phán đa phương, giữa các nước ASEAN và Trung Quốc. Tất nhiên, hình ảnh trên hộ chiếu không thể thay đổi điều đó".

Không những vậy, Nhà Trắng cũng đặc biệt quan ngại về vấn đề hộ chiếu mang hình "đường lưỡi bò" gần như ôm trọn biển Đông này của Bắc Kinh, nhất là khi hộ chiếu đó bắt đầu bị các nước khác từ chối. Câu chuyện hộ chiếu này trong những ngày qua vốn gây ra quan ngại ngoại giao lớn trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương - nơi Mỹ đang chú trọng tái cân bằng chính sách ngoại giao.

Mỹ tuyên bố không công nhận hộ chiếu "đường lưỡi bò" của Trung Quốc. Ảnh: AP 

Mỹ quan ngại cũng có lý do bởi thật sự họ đang muốn từng bước "hất cẳng" Trung Quốc ở Châu Á-Thái Bình Dương và tìm vị thế cho mình ở khu vực này. Bởi không phải tình cờ khi mà chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Obama sau khi tái đắc cử là đến khu vực này. Ông Tom Donilon, Cố vấn An ninh quốc gia của tổng thống từng nói, ngay từ khi bắt đầu nắm quyền, Tổng thống Obama xác định những quyền lợi quan trọng về an ninh quốc gia mà Mỹ cần đeo đuổi. Nhà Trắng tái cân bằng chính sách ngoại giao để tăng cường sự chú ý đến khu vực giàu tài nguyên này.

Theo lời cố vấn Donilon, cách tiếp cận của Washington được dựa trên một kế hoạch đơn giản: Mỹ là một cường quốc Thái Bình Dương, có những quyền lợi không thể tách rời khỏi trật tự kinh tế, an ninh, và chính trị của Châu Á; và do đó, sự thành công của Mỹ trong thế kỷ XXI gắn liền với sự thành công của châu lục này.

Biện pháp đối phó

Chính phủ Philippines đang nghiêm túc nghiên cứu khả năng áp đặt các hạn chế đối với hộ chiếu mới của Trung Quốc.

"Chúng tôi đang thảo luận vấn đề này. Chúng tôi đang xem xét một số lựa chọn hành động phản đối như thế nào. Chúng ta hãy chờ kết quả", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) Raul Hernandez cho biết hôm 27-11. Theo ông Hernandez, nhiệm vụ khẩn cấp của DFA bây giờ là xem xét vấn đề này và sau đó đưa ra các khuyến nghị.

Trong khi đó, Indonesia - nước vốn không tuyên bố chủ quyền ở biển Đông cũng cho rằng, động thái đưa các vùng lãnh thổ tranh chấp vào bản đồ in trong hộ chiếu mới là không bình thường và gây tranh chấp. Ngoại trưởng Indonesia Natalegawa nêu rõ: "Những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tìm kiếm sự công nhận gián tiếp thông qua chính sách hộ chiếu là không bình thường và sẽ không đạt được mục tiêu, thậm chí còn gây ra tranh chấp. Những tranh chấp này tốt nhất cần được được giải quyết thông qua đối thoại". Theo quan điểm của Indonesia, hành động của Trung Quốc "không thể thay thế cho đối thoại hay đàm phán, nên chắc chắn sẽ không đạt được mục mục tiêu".

Hộ chiếu "đường lưỡi bò" của Trung Quốc thật sự gây làn sóng phản đối mạnh mẽ từ Việt Nam, Philippines và Ấn Độ. Ngoại trưởng Albert del Rosario thậm chí kháng nghị với Đại sứ quán Trung Quốc và tố cáo Bắc Kinh vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).

Khả Anh