Mỹ quan ngại hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông
(Cadn.com.vn) - Bất chấp áp lực từ ASEAN và Mỹ, Trung Quốc vẫn không cho thấy dấu hiệu của bất kỳ sự thỏa hiệp nào.
Trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị hôm 5-8 bên lề các cuộc họp liên quan đến 10 nước ASEAN, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bày tỏ mối quan ngại về những hoạt động cải tạo đất, xây dựng trên hòn đảo nhân tạo của Bắc Kinh ở biển Đông cũng như hành động quân sự hóa vùng biển này.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 5-8 |
Theo Reuters, trả lời báo giới sau cuộc hội đàm ở Kuala Lumpur, một quan chức ngoại giao Mỹ cho biết, ông Kerry nói với ông Vương rằng, Washington dù không có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông nhưng muốn nhìn thấy vấn đề này được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. Thủ lĩnh ngoại giao Mỹ cũng tái khẳng định mối quan tâm của Washington trong việc “quân sự hóa” vùng biển tranh chấp.
“Ngoại trưởng Kerry nhắc lại những lo ngại về những căng thẳng leo thang do các tuyên bố chủ quyền chồng chéo ở biển Đông, các hoạt động bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa quy mô lớn của Trung Quốc tại đây”, quan chức này nói. Ngoại trưởng Mỹ cũng khuyến khích Trung Quốc, cùng với các bên tranh chấp khác, ngăn chặn những hành động gây rối để tạo ra không gian cho các biện pháp ngoại giao phát triển.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bày tỏ hy vọng, Trung Quốc và các nước láng giềng nhỏ hơn có thể đạt được một giải pháp hiệu quả cho những tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông. Ông Kerry nhấn mạnh, Mỹ muốn duy trì sự ổn định trên biển Đông và đảm bảo an ninh cho các tuyến vận tải biển cũng như các ngư trường tại đây.
Trong khi đó, phát biểu ngắn gọn với các phóng viên sau cuộc hội đàm với ông Kerry, Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết, Trung Quốc sẽ theo đuổi “các cuộc thảo luận hòa bình” để giải quyết tranh chấp biển Đông. Ông không nói rõ “các cuộc thảo luận hòa bình” ở đây là như thế nào nhưng cho biết, Trung Quốc đã ngừng hoạt động xây dựng trên vùng biển này và nhấn mạnh, các nước có thể điều máy bay đến kiểm tra.
Hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc gần như xây dựng xong đường băng dài 3.000m tại một trong 7 hòn đảo mới cải tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đường băng này được cho là đủ dài để chứa hầu hết các máy bay quân sự của Trung Quốc, qua đó từng bước giúp Bắc Kinh đi vào trái tim của biển Đông, vốn là khu vực mà nhiều nước ASEAN khác cũng tuyên bố chủ quyền.
Căng thẳng biển Đông vì thế trở thành trọng tâm trên bàn các hội nghị của ASEAN lần này, nhất là tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) sẽ diễn ra vào hôm nay (6-8) với sự tham gia của 27 quốc gia, trong đó có cả Mỹ, Trung Quốc và Liên minh Châu Âu (EU).
Bất chấp áp lực từ ASEAN và Mỹ, Trung Quốc vẫn không có dấu hiệu cho thấy sẽ tiến đến bất kỳ sự thỏa hiệp nào. Bắc Kinh thậm chí cáo buộc Mỹ “quân sự hóa” biển Đông bằng cách diễn tập quân sự chung với một số nước trong khu vực và tuần tra quanh khu vực này. Trung Quốc liên tiếp nói rằng, họ không muốn tranh chấp biển Đông được nêu ra tại ARF, nhưng bị bác bỏ.
Trong một tuyên bố, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Minoru Kiuchi bày tỏ quan ngại sâu sắc về các hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng và tăng căng thẳng ở biển Đông của Trung Quốc, bao gồm việc cải tạo đất quy mô lớn, xây dựng các tiền đồn và việc sử dụng chúng cho các mục đích quân sự. “Trên biển Đông, tôi nghĩ, chúng ta có thể tiến gần đến một bộ quy tắc”, Jakkrit Srivali, Tổng Giám đốc bộ phận ASEAN tại Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết.
Vấn đề biển Đông đang đe dọa sẽ làm nóng diễn đàn ARF. Và giới phân tích cho rằng, để giải bài toán này, các bên cần nhanh chóng tiến đến việc ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Khả Anh
Trung Quốc nhờ Mỹ hỗ trợ chống khủng bố Tân Cương Trung Quốc kêu gọi Mỹ hỗ trợ trong cuộc chiến chống phiến quân Phong trào Hồi giáo Đông Thổ (ETIM) ở khu tự trị Tân Cương, khi cho rằng, những phần tử này cũng là mối đe dọa đối với Washington. Theo Reuters, tuyên bố này được đưa ra tại cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trình Quốc Bình và Đại sứ phụ trách chống khủng bố của Mỹ Tina Kaidanow. Bắc Kinh đang rất lo ngại khi ETIM chiêu mộ các đối tượng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và huấn luyện họ cùng với các phần tử cực đoan ở Syria và Iraq với âm mưu trở lại Trung Quốc để phát động thánh chiến. |