Báo Công An Đà Nẵng

Mỹ quyết tâm tái tập trung Châu Á

Thứ năm, 09/04/2015 08:40

(Cadn.com.vn) - Chuyến công du đầu tiên của Bộ trưởng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đến Châu Á lần này cho thấy rõ chiến lược tái cân bằng Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ đã “bước sang giai đoạn mới”.

Ngày 8-4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter có cuộc hội đàm với người đồng cấp Nhật Gen Nakatani trong chặng dừng chân đầu tiên của chuyến công du Châu Á, với mục tiêu thúc đẩy chiến lược tái tập trung Châu Á- Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter (phải) trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Gen Nakatani (trái) hôm 8-4. Ảnh: AFP

Không quân sự hóa những tranh chấp

Trước khi đến Nhật, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cam kết sẽ sử dụng sức ảnh hưởng trong nỗ lực thực hiện chính sách tái cân bằng Châu Á-Thái Bình Dương của Tổng thống Barack Obama. “Cá nhân tôi cam kết sẽ giám sát các giai đoạn tiếp theo của chính sách tái cân bằng”, ông tuyên bố.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Nakatani sau cuộc hội đàm ở Tokyo, ông Carter cảnh báo cứng rắn phản đối việc quân sự hóa những tranh chấp lãnh thổ tại khu vực mà Trung Quốc đang tranh chấp với một số quốc gia ở biển Đông và biển Hoa Đông. “Chúng tôi giữ lập trường phản đối mạnh mẽ việc quân sự hóa những tranh chấp này”, ông nói.

Ông chủ Lầu Năm Góc chỉ trích và bày tỏ quan ngại về các hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc ở biển Đông. Theo ông, Mỹ hối thúc Trung Quốc hạn chế những hoạt động như vậy và tự kiềm chế nhằm tăng cường lòng tin trong khu vực. Nhưng khi được hỏi liệu các cuộc tập trận được tăng cường giữa Mỹ và Philippines có phải là sự phản ứng đối với những động thái trên của Trung Quốc hay không, ông Carter không nói rõ mà tuyên bố, “Washington và Manila có nhiều lợi ích chung ở khu vực, mong muốn đảm bảo không có sự thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hay những tranh chấp lãnh thổ đó bị quân sự hóa”.

Asia One dẫn lời các chuyên gia cho rằng, điều ông Carter cần lúc này là Nhật Bản và Hàn Quốc – hai đồng minh chiến lược quan trọng nhất của Mỹ ở Châu Á -  sẽ phải vượt qua những căng thẳng trong quá khứ và tình hình chính trị hiện nay, nhấn mạnh sự cần thiết đối phó với mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, để giữ vững thế kiềng 3 chân Mỹ-Nhật-Hàn.

Vị thế quan trọng của Nhật Bản

Trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Nakatani, ông Carter  khẳng định, liên minh an ninh giữa 2 nước đang chặt chẽ hơn bao giờ hết, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết đoán trong các tranh chấp lãnh thổ ở khu vực.

Ông Carter cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc di chuyển căn cứ quân sự Futenma của Mỹ ở Ginowan, tỉnh Okinawa, đến khu vực Henoko ở Nago. “Đó là cơ sở quan trọng trong cam kết của chúng tôi nhằm gia tăng sự hiện diện tại Nhật”, ông Carter nói. Theo ông, đó là giải pháp duy nhất để Mỹ tiếp tục có căn cứ quân sự tại Nhật. Vị tướng này cũng đánh giá cao những nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe, Tổng Thư ký nội các Suga và Bộ trưởng Quốc phòng Nakatani về vấn đề tái định cư tại khu vực này quanh việc chuyển căn cứ quân sự.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi lên nhậm chức, ông Carter đến Nhật – đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở Châu Á, động thái cho thấy vị thế của Tokyo trong chiến lược tái xoay trục của Nhà Trắng. Đặc biệt, chuyến công du của ông Carter diễn ra đồng thời với việc Mỹ-Nhật lần đầu tiên cập nhật các nguyên tắc chỉ đạo hợp tác quốc phòng song phương kể từ năm 1997. Theo tài liệu điều chỉnh lần này, 2 đồng minh này sẽ mở rộng phạm vi hợp tác sao cho phù hợp với nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe: nới lỏng những hạn chế trong bản hiến pháp hòa bình của Nhật Bản đối với quân đội.

Theo kế hoạch, Thủ tướng Abe sẽ đệ trình bản sửa đổi lên Quốc hội trong vài tháng tới để được xem xét thông qua.

Khả Anh