Báo Công An Đà Nẵng

Mỹ ra đòn với Huawei

Thứ tư, 30/01/2019 09:38

Một bản cáo trạng của Mỹ cáo buộc Huawei ăn cắp bí mật thương mại từ T-Mobile (TMUS) và trao thưởng hậu hĩnh cho các nhân viên thu thập thông tin bí mật về các đối thủ cạnh tranh.

Một gian hàng của Huawei tại triển lãm công nghệ 2019 ở Las Vegas, Mỹ. Ảnh: Reuters

Không nằm ngoài dự đoán, Bộ Tư pháp Mỹ ngày 29-1 công bố một loạt cáo buộc nhằm vào tập đoàn viễn thông Huawei, đánh dấu leo thang căng thẳng trong cuộc chiến chống lại gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc và có thể làm phức tạp các nỗ lực đàm phán chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.

Những cáo buộc mới lần này đang gia tăng áp lực với Huawei - tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Chính phủ Mỹ hiện đang tìm cách ngăn các doanh nghiệp nước này mua thiết bị của Huawei và gây áp lực với các nước đồng minh có hành động tương tự.

Hàng loạt cáo buộc

Theo CNN, bộ trên đã công bố hai bản cáo trạng chống lại Huawei, trong đó nêu chi tiết một loạt các cáo buộc hình sự.

Một bản cáo trạng cáo buộc Huawei ăn cắp bí mật thương mại từ T-Mobile (TMUS) và trao thưởng hậu hĩnh cho các nhân viên thu thập thông tin bí mật về các đối thủ cạnh tranh. Trong đó có đến 10 tội danh liên bang đối với 2 chi nhánh của Huawei liên quan đến việc đánh cắp công nghệ robot của Tập đoàn T-Mobile, được gọi là “Tappy”. Thực tế, Huawei cũng đang chế tạo robot thử nghiệm trên điện thoại tại Trung Quốc. Các công tố viên liên bang tuyên bố, tập đoàn này liên tục chỉ đạo nhân viên thu thập thông tin chi tiết về cách Tappy làm việc - vi phạm các thỏa thuận bảo mật và không tiết lộ thông tin mà họ có với T-Mobile. Các nhân viên được cho là đã yêu cầu gửi thông tin như ảnh, số sê-ri và các thông số khác. Một nhân viên đã bị bắt khi đánh cắp một trong những cánh tay của robot, theo tài liệu của tòa án.

Bản cáo trạng thứ hai cho rằng, tập đoàn này đã phớt lờ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Đó là 13 cáo buộc nhằm vào Giám đốc tài chính (CFO) Huawei, bà Mạnh Vãn Chu cùng 3 chi nhánh có liên quan những hành vi vi phạm các biện pháp trừng phạt Iran của Mỹ. Theo cáo trạng, mọi việc nở rộ vào giữa năm 2007 trong thời điểm mà người sáng lập của Huawei, Nhậm Chính Phi nói với Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) rằng, tập đoàn này không vi phạm bất kỳ luật xuất khẩu nào của Mỹ và khẳng định không giao dịch trực tiếp với bất kỳ Cty Iran nào. Huawei và bà Mạnh Vãn Chu cũng tuyên bố, chi nhánh Skycom đang hoạt động kinh doanh ở Iran là một Cty riêng biệt, nhưng thực tế nó là một Cty con của Huawei.

Giám đốc FBI Christopher Wray nêu rõ: “Cả hai nhóm tội danh cho thấy những hành động trắng trợn và kéo dài của Huawei nhằm lợi dụng các định chế tài chính và doanh nghiệp Mỹ, đồng thời đe dọa tới thị trường toàn cầu công bằng và tự do”.

Trung Quốc phản ứng gay gắt

Trong một tuyên bố, Huawei cho biết thật sự “rất thất vọng” trước động thái của Washington. “Huawei phủ nhận cáo buộc các Cty con hoặc Cty liên kết đã vi phạm luật pháp Mỹ được nêu trong mỗi bản cáo trạng, không biết về bất kỳ hành vi sai trái nào của bà Mạnh và tin rằng tòa án Mỹ cuối cùng sẽ có kết luận tương tự”, tập đoàn này ra tuyên bố nêu rõ.

Chính phủ Trung Quốc cũng phản ứng rất gay gắt, bày tỏ sự quan ngại sâu sắc sau khi Mỹ công bố các tội danh hình sự đối với Huawei và bà Mạnh Vãn Chu. Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Mỹ dừng ngay hành động “đàn áp vô căn cứ” các Cty Trung Quốc và dỡ bỏ lệnh bắt giữ đối với bà Mạnh. Tuyên bố của bộ này nêu rõ, Bắc Kinh sẽ kiên quyết bảo vệ các lợi ích hợp pháp của các Cty Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Công nghiệp và công nghệ thông tin (MIIT) của Trung Quốc Wen Ku cũng nhấn mạnh, bản cáo trạng của chính phủ Mỹ đối với Huawei là không công bằng và trái đạo đức.

Bắc Kinh tiếp tục đề nghị Mỹ rút lại yêu cầu Canada dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu sang Washington để đối mặt với cáo buộc lừa dối các ngân hàng về khả năng giao dịch với Iran.

KHẢ ANH