Mỹ sẵn sàng tuần tra trên biển Đông
(Cadn.com.vn) - Việc Mỹ tuyên bố sẵn sàng tuần tra ở biển Đông có thể làm leo thang căng thẳng giữa Washington với Bắc Kinh - mối quan hệ vốn đang trên đà nồng ấm hơn sau chuyến thăm gần đây của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Mỹ hồi tháng 9.
Các quan chức Mỹ và đồng minh tại Châu Á hôm 13-10 cho biết, Lầu Năm Góc đã thông báo cho các đồng minh ở Châu Á về việc thực hiện các cuộc tuần tra hải quân “tự do đi lại” quanh khu vực các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở biển Đông.
Bộ trưởng quốc phòng Ashton Carter và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp những người đồng cấp Australia, một trong những đồng minh thân cận của Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương, hôm 13-10 ở Boston, nhằm thảo luận về việc tuần tra này.
Việc Trung Quốc tiếp tục xây đảo nhân tạo trái phép ở biển Đông |
Thách thức tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc
Theo tờ Sydney Morning Herald, các cuộc tuần tra sẽ diễn ra trong khu vực 12 hải lý (21km) của ít nhất một trong số các đảo nhân tạo mà Trung Quốc cải tạo trái phép từ các bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Giới phân tích cũng nhận định, động thái rõ ràng nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền vô lý của Bắc Kinh tại khu vực đang tranh chấp này bất chấp việc nó có thể khiến mối quan hệ Washington - Bắc Kinh thêm căng thẳng.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu hết biển Đông, trong đó khu vực 12 hải lý quanh các hòn đảo mà Bắc Kinh cải tạo trái phép đặc biệt nổi sóng vì những hành động không tuân theo luật pháp quốc tế của chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình. Washington lâu nay vẫn lo ngại các hoạt động mạnh mẽ của Bắc Kinh ở biển Đông sẽ “gây đe dọa tự do hàng hải và trật tự hòa bình thế giới”. Tuy nhiên, Mỹ vẫn tự kiềm chế không có hành động thách thức mạnh mẽ và trực tiếp đối với tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc ở biển Đông, ít nhất kể từ năm 2012. Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề Châu Á David B. Shear thừa nhận, dù Mỹ thực hiện các cuộc tuần tra tự do đi lại, nhưng chưa đi vào khu vực 12 hải lý các đảo mà Trung Quốc cải tạo trái phép. Hồi tháng 5, máy bay trinh sát P8-A Poseidon của Mỹ bay gần 3 trong số 5 đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép, nhưng không đi quanh vùng lãnh hải 12 hải lý.
Hôm 8-10, Trung Quốc bày tỏ “quan ngại” về việc Mỹ chuẩn bị điều tàu chiến đến tuần tra ở biển Đông. Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó còn ngang ngược ra tuyên bố, “Bắc Kinh sẽ không tha thứ cho các hành vi xâm phạm lãnh hải và không phận của Trung Quốc bởi bất cứ nước nào với lý do duy trì tự do hàng hải và hàng không”. Bất chấp bị cộng đồng quốc tế chỉ trích, Trung Quốc vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục hoạt động xây dựng trên các bãi đá ngầm tranh chấp ở biển Đông.
Các đồng minh của Mỹ nói gì?
Giới chuyên gia cho rằng, tân Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull dù sẽ ủng hộ động thái này của Mỹ nhưng sẽ không cứng rắn như người tiền nhiệm Tony Abbott. Hugh White, nhà phân tích quốc phòng, cho biết, dù ông Turnbull gọi các đảo Trung Quốc xây dựng trái phép là “phản tác dụng” trước khi nhậm chức hồi tháng trước, nhưng ông có thể vẫn thận trọng hơn trong chính sách đối với Bắc Kinh.
Trong khi đó, tại Manila, các quan chức Philippines cho biết, vài ngày trước đó, họ được Mỹ thông báo về quyết định này. Bộ Ngoại giao Philippines hôm 13-10 ra tuyên bố ủng hộ kế hoạch của Mỹ. Theo bộ trên, kế hoạch của Mỹ “phù hợp với luật pháp quốc tế và một trật tự dựa trên các luật định đối với khu vực”. Chủ tịch Ủy ban an ninh quốc phòng Philippines, Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes IV tuyên bố hoan nghênh sự thay đổi chính sách này của Lầu Năm Góc. Theo thượng nghị sĩ này, các cuộc tuần tra là cần thiết, để từ đó có thể khai thông thế bế tắc và biết các phản ứng của Trung Quốc
Bản thân ông Trillanes cũng cho rằng, việc Mỹ tuần tra sẽ không làm gia tăng căng thẳng tại khu vực vì Washington biết cách giải được bài toán khó ở biển Đông mà không làm leo thang căng thẳng ngoài mong muốn.
Khả Anh