Mỹ sắp rời đi, Afghanistan nguy cơ rơi vào nội chiến
Quyết định của Tổng thống Joe Biden rút toàn bộ lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan đã dấy lên nhiều lo ngại quốc gia Nam Á này sẽ rơi vào nội chiến trong bối cảnh Taliban đang dần mở rộng hoạt động tấn công trên khắp đất nước và giành nhiều lợi thế.
Binh sĩ Mỹ trở về căn cứ Fort Drum hồi năm 2020 sau 9 tháng triển khai ở Afghanistan. Ảnh: Getty |
Nhà Trắng hôm 3-7 tuyên bố Mỹ sẽ hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan vào cuối tháng 8, thay vì ngay trong tháng 7 như nhiều hãng thông tấn đưa tin trước đó. Hiện nay, toàn bộ binh sĩ Mỹ và NATO đã rời khỏi căn cứ không quân Bagram, gần thủ đô Kabul, đánh dấu việc sắp hoàn tất kế hoạch rút toàn bộ binh sĩ nước ngoài khỏi Afghanistan. Các lực lượng an ninh và quốc phòng Afghanistan (ANDSF) đã kiểm soát toàn bộ căn cứ quân sự trên sau 2 thập kỷ các lực lượng nước ngoài hiện diện tại đây.
Từ ngày 1-5, Mỹ đã bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan, sau khi Tổng thống Joe Biden ra lệnh tất cả binh sĩ Mỹ rời khỏi nước này trước ngày 11-9. Theo kế hoạch, khoảng 3.500 binh sĩ Mỹ và 7.000 binh sĩ NATO sẽ rút khỏi Afghanistan vào mốc thời gian trên. Các lực lượng liên minh được cho là đã chuyển giao gần hết 9 căn cứ quân sự trên khắp lãnh thổ Afghanistan cho lực lượng nước sở tại.
Việc Mỹ nhanh chóng rút quân làm bùng lên những lo ngại có thể tạo ra khoảng trống ở Afghanistan mà những tay súng nổi dậy sẽ nhanh chóng lấp đầy và nguy cơ đẩy quốc gia Nam Á này vào nội chiến thảm khốc. Trong một tuyên bố mới đây, Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Afghanistan đưa ra đánh giá cực kỳ bi quan về tình hình an ninh ở nước này, khi Mỹ chuẩn bị khép lại “cuộc chiến mãi mãi”. Tướng Austin S. Miller nói rằng, tình trạng ngày càng nhiều quận huyện trên khắp Afghanistan rơi vào tay Taliban rất đáng lo ngại. Ông cảnh báo việc các đội dân quân đang hỗ trợ lực lượng an ninh của nước này có thể dẫn đất nước đến nội chiến. “Một cuộc nội chiến chắc chắn là con đường có thể hình dung ra nếu tình hình tiếp tục như hiện nay, và đó sẽ là nỗi lo của thế giới”, AP dẫn lời ông Miller nói.
Hiện thực tế cho thấy, Taliban đang giành được quyền kiểm soát một số khu vực với tốc độ rất nhanh, trong đó có nhiều địa bàn ở miền bắc, nơi sinh sống của các nhóm thiểu số Afghanistan. Miền bắc cũng là thành trì truyền thống của nhiều cựu thủ lĩnh Mujahideen từng đóng vai trò áp đảo ở Afghanistan từ khi Taliban bị lật đổ năm 2001. Taliban ra tuyên bố nói rằng, hàng trăm thành viên của lực lượng an ninh Afghanistan đã đầu hàng, hầu hết trở về nhà sau khi bị ghi hình đã nhận tiền của Taliban. Từ tháng 5, Taliban chiếm thêm hơn 50 trong tổng số 370 quận huyện, bao vây nhiều thành phố và đang tiến về thủ đô Kabul.
Việc rút quân của Mỹ còn châm ngòi một cuộc đua trong khu vực, với nhiều bên khác nhau từ Trung Quốc tới Thổ Nhĩ Kỳ, từ Nga tới Ấn Độ - tất cả đều đang tìm cách tận dụng khoảng trống quyền lực ngoại giao ở Kabul. Afghanistan lâu nay vốn chịu ảnh hưởng bởi các nước láng giềng lớn mạnh hơn như Pakistan và Iran. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang muốn đặt mình vào vai trò an ninh chính sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan.
Theo nhà phân tích Jason Campbell thuộc Rand Corp, Trung Quốc, nước có chung đường biên giới với Afghanistan, lâu nay cũng xem quốc gia Nam Á này là một đối tác kinh tế, một hành lang sinh lợi cho sáng kiến Vành đai - Con đường. Tuy nhiên, an ninh bất ổn ở Afghanistan lại là vấn đề đau đầu đối với đầu tư của Trung Quốc. Các chuyên gia nói rằng, Trung Quốc được hưởng lợi nhiều từ sự hiện diện của Mỹ ở Afghanistan khi không phải quá lo ngại về những mối đe dọa an ninh ở biên giới phía tây nam. Và khi quân Mỹ rời đi, lo ngại cho Bắc Kinh là rất lớn vì trái ngược với mục tiêu của Mỹ là bảo vệ an ninh và xây dựng nhà nước ở Afghanistan, Trung Quốc chỉ coi Afghanistan là một cơ hội kinh tế.
Giới chuyên gia lo ngại, chính khoảng trống quyền lực mà Mỹ và NATO để lại sẽ bị nới rộng bằng các cuộc đối đầu kiểu nội chiến giữa Taliban và chính phủ Afghanistan cho dù các cường quốc khu vực có đổ xô đến đây.
KHẢ ANH