Mỹ sẽ thay đổi chính sách về Triều Tiên?
Ngày 12-12 (giờ Mỹ) Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đề xuất khởi động các cuộc đàm phán với Triều Tiên mà không cần điều kiện tiên quyết, động thái dường như thay đổi hoàn toàn lập trường của Washington, vốn yêu cầu Bình Nhưỡng trước hết phải giải giáp hạt nhân.
Một vụ thử tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: AP |
Giới chuyên gia nhận định những tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ có thể báo hiệu sự thay đổi rõ rệt trong lập trường đối phó với Bình Nhưỡng của Washington, cũng như mở ra cánh cửa cơ hội xoa dịu những căng thẳng liên quan tới các chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này.
Sẵn sàng đối thoại
Phát biểu tại cơ quan nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương có trụ sở ở thủ đô Washington, ông Tillerson cho biết: "Chúng tôi sẵn sàng đối thoại bất cứ lúc nào Triều Tiên muốn đối thoại. Chúng tôi sẵn sàng có cuộc gặp đầu tiên mà không có điều kiện tiên quyết nào. Hãy cùng gặp mặt", "Hãy gặp nhau và hãy nói về thời tiết", Ngoại trưởng Mỹ đề nghị. Tuy nhiên, ông Tillerson cũng đặt ra điều kiện rằng cần có "khoảng thời gian yên tĩnh" để các cuộc thảo luận sơ bộ có thể diễn ra. "Sẽ là điều khó khăn khi thảo luận nếu giữa chừng các vị quyết định thử tên lửa nữa", ông nói. "Chúng tôi cần khoảng thời gian yên tĩnh".
Hôm 12-12, Đại sứ Triều Tiên tại LHQ Ja Song-nam cho biết, Bình Nhưỡng sẽ đàm phán với Mỹ nếu các điều kiện được đáp ứng, tuy nhiên, không nói điều kiện đó là gì. Các chuyên gia cho rằng, Bình Nhưỡng đang tìm cách để Washington chấp nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân, vấn đề có thể là điều kiện để đối thoại. Ngay sau phát biểu của ông Tillerson, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tiếp tục khẳng định tham vọng trở thành một "cường quốc hạt nhân và quân sự mạnh nhất trên thế giới".
Thay đổi chính sách?
Đề nghị của Ngoại trưởng Mỹ cho thấy sự đảo ngược chính sách ngoại giao của Mỹ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng liên quan đến những tiến bộ về hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, cũng như những cuộc khẩu chiến gay gắt giữa hai bên.
Giới chuyên gia ngay lập tức đặt câu hỏi, phải chăng tuyên bố này báo hiệu sự thay đổi lập trường của chính quyền Tổng thống Donald Trump, vốn luôn cho rằng đàm phán chỉ xảy ra một khi tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn thành? Và phải chăng, điều này sẽ góp phần chấm dứt những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, vốn luôn trong tình trạng "quá nóng" trong những tháng vừa qua.
Nhà nghiên cứu James Kim thuộc Viện Nghiên cứu chính sách Asan nhận định: "Rõ ràng tuyên bố này khác hẳn lập trường trước đây của Mỹ và dường như trong một chừng mực nào đó nước này đang tiến tới đòi hỏi của Bình Nhưỡng. Tôi nghĩ đây là điều bất thường".
Tuy nhiên, vẫn không rõ liệu có thể xem những tuyên bố này là lập trường chính thức của chính quyền Tổng thống Donald Trump hay không. Hiện chưa rõ liệu ông Tillerson, người mà ảnh hưởng trong chính quyền dường như đã suy giảm, có giành được sự ủng hộ hoàn toàn của Tổng thống Trump để tìm kiếm một sự cởi mở về ngoại giao như vậy hay không. Theo ông Yang Moo-jin, Giáo sư Trường Đại học Nghiên cứu Triều Tiên, Mỹ nên có những hành động "tiếp theo" để củng cố sự nghiêm túc trong phát ngôn của Ngoại trưởng Tillerson.
Theo các chuyên gia, bóng hiện đang trên sân Triều Tiên và cần phải xem nước này sẽ phản ứng như thế nào. Ông Park Jeong-jin, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Viễn Đông, nhấn mạnh: "Tôi nghĩ thông điệp này sẽ có một tác động tích cực, thuyết phục Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán. Một điều chắc chắn là nó sẽ mở ra cơ hội cuộc đàm phán". Tuy nhiên, tình hình có thể sẽ xấu đi nếu Triều Tiên phớt lờ và đáp trả bằng cách tăng cường hành động khiêu khích khiến Washington khó khăn hơn trong việc xoay chuyển chính sách tương lai và đẩy căng thẳng vượt ngoài tầm kiểm soát.
Không có gì mới
Một số nhà phân tích lại nhìn nhận, những phát biểu này không có gì mới trong cách tiếp cận "cây gậy và củ cà rốt" mà không riêng chính quyền Tổng thống Trump, mà cả những chính quyền tiền nhiệm vẫn luôn cho thấy trong vấn đề Triều Tiên.
Không khó để nhận ra, bản thân Ngoại trưởng Mỹ Tillerson dù tuyên bố nước này sẵn sàng đàm phán vô điều kiện với Triều Tiên, song mặt khác vẫn cho thấy tính nước đôi trong lập trường của Mỹ khi không quên khẳng định lại lập trường lâu dài của nước này là "không dung thứ" cho một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Và Mỹ sẵn sàng thảo luận, nhưng Triều Tiên phải ngồi vào bàn đàm phán với tâm thế sẵn sàng lựa chọn thay đổi. "Triều Tiên phải trở lại bàn đàm phán với tâm thế sẵn sàng lựa chọn thay đổi. Trong lúc này, sự sẵn sàng của chúng tôi về mặt quân sự cũng rất mạnh mẽ. Tôi đã nói nhiều lần rằng, tôi sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao cho đến khi quả bom đầu tiên rơi xuống…", ông Tillerson nói.
Dẫu vậy, theo Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách vấn đề chính trị Jeffrey Feltman, người vừa có chuyến thăm Triều Tiên mới đây, đối thoại không phải là điều không thể vào thời điểm hiện nay. Bởi tham vọng hạt nhân của Triều Tiên dù có lớn đến mức nào cũng không thể khiến nước này bỏ qua tầm quan trọng của những nỗ lực nhằm tránh một cuộc chiến tranh với Mỹ.
AN BÌNH