Mỹ tăng cường hiện diện tại Philippines
(Cadn.com.vn) - Ngày mai (14-8), Washington và Manila bắt đầu đàm phán quân sự, cho phép binh sĩ Mỹ hiện diện nhiều hơn ở Philippines trong bối cảnh tranh chấp biển đảo giữa quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc leo thang.
Theo AP, các cuộc đàm phán giữa Manila và Washington diễn ra theo thỏa thuận cho phép tăng cường luân chuyển lực lượng Mỹ và tái bố trí các khí tài chiến đấu.
Kế hoạch này phù hợp với việc tái bố trí lực lượng Mỹ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc, Philippines đang bế tắc trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông. Việc tăng cường hiện diện của Mỹ đồng nghĩa với cả những chiến dịch triển khai tàu sân bay, chiến hạm, cung cấp vật tư và triển khai binh sĩ cứu trợ hàng hải và nhân đạo cho Manila.
Từ năm 2002, hàng trăm binh lính Mỹ đã có mặt tại miền Nam Philippines với nhiệm vụ huấn luyện chống khủng bố cũng như tổ chức các cuộc diễn tập chiến đấu hàng năm với quân đội nước chủ nhà nhằm đối phó với quân nổi dậy Hồi giáo và các chiến binh liên kết với Al-Qaeda. Nhưng trọng tâm của quân đội Philippines đang chuyển sang các mối đe dọa từ bên ngoài, nhất là tranh chấp ở biển Đông với Trung Quốc.
Binh sĩ Mỹ-Philippines tập trận chung tại San Antonio. Ảnh: AP |
Ngoại trưởng Albert del Rosario cho biết, Philippines đang uốn mình trong nỗ lực viện đến ngoại giao để giải quyết các tranh chấp, nhưng nhấn mạnh chính phủ sẽ làm tất cả để bảo vệ lãnh thổ của mình. “Chúng ta luôn kiên định mục tiêu hòa bình. Nhưng chúng ta cũng sẵn sàng khai thác mọi nguồn lực, kêu gọi tất cả các liên minh, làm những gì cần thiết, để bảo vệ đất nước và đảm bảo an toàn cho người dân”, ông Rosario nói.
Cũng theo ông Rosario, khi một quân đội “đang lâm bệnh” của Philippines đang nỗ lực hiện đại hóa, sự hiện diện quân sự lớn hơn của Mỹ sẽ giúp Manila có thêm sức mạnh chống lại bất kỳ sự xâm nhập nào từ bên ngoài. Một nhà thương thuyết lần này của Manila, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Pio Lorenzo Batino nhận định, Philippines muốn sử dụng thiết bị quân sự triển khai tạm thời của Mỹ để đảm bảo an ninh hàng hải, nhận thức về lĩnh vực hàng hải và hỗ trợ nhân đạo.
Tuy nhiên, sự hiện diện của quân đội nước ngoài là một vấn đề nhạy cảm ở Philippines, cựu thuộc địa của Mỹ. Thượng viện Philippines từng bỏ phiếu vào năm 1991 đóng cửa căn cứ chính của Mỹ ở Subic và Clark, gần Manila. Vào năm 1999, Thượng viện phê chuẩn một hiệp ước với Mỹ cho phép Washington “làm ăn” tạm thời tại đây. Động thái này mở đường cho hàng trăm binh sĩ Mỹ được gửi đến, tham gia các buổi diễn tập chiến đấu với quân đội Philippines ở phía Nam.
Trước một số lời chỉ trích về kế hoạch “tăng quân Mỹ” này, Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin ngày 12-8 đã phải “đăng đàn” giải thích trước giới báo chí. Ông cho rằng, việc quân đội Mỹ hiện diện đông hơn ở nước này sẽ tuân theo quy định của Hiến pháp, trong đó cấm sự hiện diện các căn cứ quân sự nước ngoài, và sự hiện diện này sẽ không mang tính cố định. Các Bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Philippines tuyên bố sẽ đảm bảo việc tăng cường sự hiện diện của binh sĩ Mỹ ở nước này sẽ không phải là vĩnh viễn mà chỉ mang ý nghĩa giúp Philippines hiện đại hóa quân đội để chống lại “mối đe dọa từ bên ngoài” – ám chỉ Trung Quốc.
Căng thẳng lãnh thổ âm ỉ ở lòng biển Đông kể từ khi Trung Quốc có những hành động quyết đoán trong việc đòi chủ quyền ở vùng biển giàu tài nguyên và là tuyến hàng hải quan trọng này. Mỹ tuyên bố “đứng sang một bên” trong tranh chấp này. Tuy nhiên, Washington ủng hộ những quyết định của Manila như việc kiện Bắc Kinh lên trọng tài của LHQ về tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” vô lý của Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ trích Philippines làm leo thang tranh chấp và cảnh báo chống lại bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài. Nhưng khổ nỗi, nỗ lực tăng cường phòng thủ bên ngoài của Manila lại khớp với chiến lược “tái tập trung Châu Á-Thái Bình Dương” của Washington.
Trước tình hình, cả hai bên Mỹ và Philippines đều hy vọng, các cuộc đàm phán sẽ “đơm hoa kết trái” trong năm nay.
Khả Anh