Báo Công An Đà Nẵng

Mỹ thắt chặt an ninh trước ngày ông Biden nhậm chức

Thứ tư, 13/01/2021 17:42

Ngày 11-1, Nhà Trắng thông báo, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho phép ban bố tình trạng khẩn cấp đối với thủ đô Washington, có hiệu lực tới ngày 24-1. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh giới chức và người dân địa phương lo ngại về nguy cơ xảy ra bạo lực trong ngày tổ chức lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden ngày 20-1 tới đây.

Lực lượng Vệ binh Quốc gia tham gia bảo vệ trước điện Capitol. Ảnh: Staff

Mỹ mời Nga tham dự lễ nhậm chức của ông Biden

Đại sứ quan Nga tại Washington ngày 12-1 cho biết phía Mỹ đã mời đại diện Nga tới dự lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden vào ngày 20-1 tới. Dẫn lời người đại diện của đại sứ quán Nga tại Washington, đài Sputnik đưa tin: “Thư mời đã được gửi tới. Chúng tôi đang lên kế hoạch tham dự ở cấp đại sứ”.

Đệ nhất phu nhân Mỹ kêu gọi hàn gắn

Trong bài viết cá nhân trên webiste của Nhà Trắng, Đệ nhất phu nhân Mỹ kêu gọi hàn gắn các rạn nứt, lên án bạo lực, nói về tự do báo chí, đồng thời phần nào thể hiện sự không hài lòng về việc bị nhiều người bình luận, chỉ trích trong sự kiện này.

Trong phần đầu bài viết, bà Melania gửi lời chia buồn đến gia đình có người thân thiệt mạng trong vụ biểu tình ngày 6-1, trong đó có hai cảnh sát Quốc hội Brian Sicknick và Howard Liebengood. Phu nhân Tổng thống Mỹ cho biết, cá nhân bà cảm thấy thất vọng, đau buồn trước những gì xảy ra hồi tuần trước. Bà cũng khẳng định, thật đáng hổ thẹn cho những người muốn qua thảm kịch này để chĩa mũi dùi tấn công, phát tán những cáo buộc sai lệch về bà. Bởi đây là thời điểm cho hàn gắn quốc gia, đoàn kết công dân, chứ không phải là lúc để tận dụng cơ hội vì mục đích cá nhân, theo đuổi một nghị trình nào đó. Đề cập đến kết quả bầu cử vừa qua, bà Melania lấy làm vui mừng khi cử tri có nhiệt huyết, hào hứng tham gia bỏ phiếu. Nhưng theo bà, không được phép để nhiệt huyết này biến thành bạo lực, con đường phía trước phải là hợp tác cùng nhau, tìm kiếm tương đồng. Trong bài viết, phu nhân Tổng thống Mỹ cực lực lên án bạo lực xảy ra ở điện Capitol hôm 6-1, vì bạo lực là điều không bao giờ chấp nhận được, khẳng định quốc gia cần phải được hàn gắn theo cách thức dân sự.

Tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Washington tạo điều kiện để Bộ An ninh Nội địa và Cơ quan Liên bang đặc trách tình huống khẩn cấp (FEMA) phối hợp với giới chức địa phương khi cần thiết. Cũng trong ngày 11-1, quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Chad Wolf, người vừa thông báo từ chức, tuyên bố, kể từ ngày 13-1, Cơ quan Mật vụ nước này (USSS) sẽ bắt đầu triển khai các hoạt động bố trí lực lượng an ninh đặc biệt để bảo vệ lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Biden. Hoạt động này được triển khai sớm hơn gần một tuần so với kế hoạch ban đầu là ngày 19-1. Theo quan chức này, các cơ quan liên bang, bang và địa phương “sẽ tiếp tục điều phối các kế hoạch và nguồn lực tại chỗ để phục vụ sự kiện quan trọng này”.

Hôm 11-1, Thị trưởng Washington Muriel Bowser đã hối thúc người dân Mỹ tránh tới thành phố này trong ngày ông Biden nhậm chức vào tuần tới, cũng như không tham gia vào các sự kiện như cuộc bạo loạn ở Tòa nhà Quốc hội tuần trước. Phát biểu tại một buổi họp báo hôm 11-1, bà Bowser nhấn mạnh bà lo ngại sẽ có nhiều cuộc bạo loạn xảy ra ở thành phố này trước thềm ông Biden nhậm chức. "Chủ nghĩa Trump sẽ không chết ngày 20-1", bà Bowser nhận định.

Điều 10.000 Vệ binh Quốc gia

Lực lượng Vệ binh Quốc gia sẽ tăng quân số lên ít nhất 10.000 binh sĩ tại thủ đô Washington từ ngày 16-1 nhằm thắt chặt an ninh trước ngày Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức. Tư lệnh Vệ binh Quốc gia, Tướng Daniel Hokanson phát biểu hôm 11-1 cho biết, số lượng binh sĩ có thể tăng lên đến 15.000 người trong trường hợp cần thiết. Theo đó, Lầu Năm Góc đã cho phép tăng quân số lên 15.000 nghìn người để đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai nhằm bảo đảm an ninh cho lễ nhậm chức của ông Biden vào ngày 20-1 tới.

Quyết định tăng cường quân số trên được căn cứ theo đề nghị của Cơ quan Mật vụ, Cảnh sát Quốc hội Mỹ và Cảnh sát thành phố Washington nhằm hỗ trợ công tác an ninh, hậu cần và liên lạc. Tướng Hokanson cho biết thêm: “Như thường lệ, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là bảo vệ nhân dân và tài sản. Lực lượng Vệ binh Quốc gia mong muốn hợp tác với các cơ quan cấp thành phố và liên bang để đảm bảo lễ tuyên thệ của Tổng thống đắc cử Joe Biden diễn ra trong hòa bình vào ngày 20-1 này”. Hiện tại có khoảng 6.200 nhân viên an ninh được huy động từ 6 bang lân cận và thủ đô Washington làm nhiệm vụ tại khu vực trụ sở Quốc hội Mỹ.

FBI cảnh báo biểu tình vũ trang tại 50 bang

Trong khi đó, Cục Tình báo Liên bang Mỹ (FBI) đã nhận được thông tin cho biết "những cuộc biểu tình có vũ trang" đang được lên kế hoạch tại tất cả 50 bang và thủ đô Washington của Mỹ trước thềm lễ nhậm chức của ông Biden. Thậm chí, khi các nhà điều tra liên bang tiếp tục theo dõi những kẻ tình nghi trong cuộc bạo loạn ngày 6-1, thông tin thu thập được dấy lên mối lo ngại rằng việc bao vây Tòa nhà Quốc hội có lẽ chỉ là khởi đầu của các hành động bạo lực từ những người ủng hộ Tổng thống Trump. "Các cuộc biểu tình có vũ trang đang được lên kế hoạch tại tất cả 50 bang từ ngày 16-1 cho tới ít nhất là ngày 20-1 và tại Tòa nhà Quốc hội từ ngày 17 đến 20-1", FBI khẳng định.

Cơ quan này cũng cho biết có những mối đe dọa về một cuộc "nổi dậy" nếu ông Trump bị bãi miễn theo Tu chính án thứ 25 trước Ngày Nhậm chức của ông Biden. "Ngày 8-1, FBI nhận được thông tin về một nhóm kêu gọi những người khác cùng họ tham gia gây náo loạn các cơ quan của địa phương, bang và liên bang nếu Tổng thống Trump bị bãi miễn trước ngày ông Biden nhậm chức. Nhóm này cũng lên kế hoạch gây náo loạn các văn phòng chính phủ tại thủ đô Washington và các bang, bất kể bang đó xác nhận số phiếu đại cử tri cho ông Biden hay ông Trump ngày 20-1", thông báo của FBI cho hay.

FBI cũng theo dõi các báo cáo về "những mối đe dọa khác nhau nhằm gây tổn hại đến Tổng thống đắc cử Biden trước thềm nhậm chức. Các báo cáo khác cũng cho thấy những mối đe dọa nhằm vào Phó Tổng thống đắc cử Harris và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi". Trong một thông báo riêng, FBI cho biết cơ quan này đã có những "nỗ lực tập trung vào việc xác định, điều tra và ngăn chặn các cá nhân có ý định kích động bạo lực và tham gia vào các hành vi phạm tội", đồng thời khẳng định FBI không nhắm đến những người biểu tình hòa bình mà là những người đe dọa an toàn của các công dân khác bằng các hành động bạo lực và phá hủy tài sản".

AN BÌNH