Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ: Liên minh thật khó chịu
(Cadn.com.vn) - Những chính sách, chiến lược ngoại giao khác biệt, đặc biệt là quan điểm về người Kurd ở Syria, là nguyên nhân khiến mối quan hệ giữa hai nước đồng minh Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng căng thẳng.
Hiếm khi có mối quan hệ nào giữa Mỹ và các đồng minh NATO lại căng thẳng như giữa Washington và Ankara.
Với đường biên giới trên đất liền nối dài Syria và Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò chiến lược trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố IS của Mỹ. Vì thế, chính quyền Tổng thống Barack Obama từ lâu gia tăng sức ép yêu cầu Ankara cho phép Washington sử dụng căn cứ không quân tại đây để tấn công IS trong một thời gian dài. Đổi lại, Mỹ sẽ làm ngơ để Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd vì đối với Ankara, người Kurd là mối quan tâm lớn nhất, hơn cả IS.
Lực lượng người Kurd nổi lên như là một đồng minh quan trọng của liên minh do Mỹ dẫn đầu trong cuộc chiến chống IS. |
Bất đồng quan điểm
Lực lượng dân quân người Kurd tại Iraq, được gọi là Peshmerga, chính là lực lượng chủ chốt đẩy lùi sự tấn công của IS trong thời gian qua. Vì vậy, trong suốt quá trình hoạt động, người Kurd nhận được hỗ trợ vật chất đáng kể từ Washington.
Trong khi đó, Ankara lo ngại, các nhóm này đang hợp tác với chính quyền của Tổng thống Assad - đồng minh thân cận của Nga và cũng là đối thủ mà Ankara muốn lật đổ. Vì vậy, ngay từ đầu, Ankara hậu thuẫn phe đối lập tại Syria chiến đấu chống lại chính quyền Assad. Ở một khía cạnh khác, Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với rất nhiều khủng hoảng, phải kể đến đó là mối đe dọa khủng bố khắp biên giới và làn sóng người tị nạn từ Syria. Đó chính là một trong những lý do tại sao Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ ý tưởng thành lập “vùng an toàn” bên trong Syria, khu vực có thể được Mỹ bảo vệ trên không cũng như trên mặt đất. Thế nhưng, ý tưởng này lại vấp phải sự phản đối của Mỹ.
Sau cuộc phỏng vấn với Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhà báo Jeffrey Goldberg của tạp chí The Atlantic gói gọn cái nhìn của ông Obama về người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ trong 3 từ “đáng thất vọng”. Goldberg khẳng định, trước đây, ông Obama coi Tổng thống Erdogan là “nhà lãnh đạo Hồi giáo ôn hòa, người sẽ khắc phục sự rạn nứt giữa phương Đông và phương Tây”. Nhưng giờ đây, Tổng thống Mỹ cho rằng, ông ta là “một kẻ thua cuộc và một nhà lãnh đạo độc tài”, khi đã từ chối sử dụng quân đội để đảm bảo sự ổn định an ninh ở Syria”.
Trong khi đó, ông Erdogan đầu tháng này lên án chính quyền Obama vì hỗ trợ cho người Kurd ở Syria và nhấn mạnh, việc Washington không am hiểu được bản chất thực sự của mọi vấn đề cốt lõi đã biến Syria thành “một biển máu”.
Cần sự thay đổi?
Việc người Kurd thành lập một khu vực tự trị tại Syria càng làm gia tăng mối lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, Ankara còn bị nghi ngờ đã tiếp tay cho lực lượng khủng bố IS khi ra sức tấn công chiến binh người Kurd, và đang phải đối mặt với sự hỗn loạn ở biên giới giáp Iraq và Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang đối mặt với những rạn nứt trong mối quan hệ đồng minh với Mỹ, một mối quan hệ “thù địch khủng khiếp” với Moscow, và trạng thái cô lập khi “nghỉ chơi” với các quốc gia trong khu vực như Israel. Dường như, đã đến lúc Ankara cần phải thiết lập lại chính sách đối ngoại của mình và Washington có thể giúp được điều này. Tuy nhiên, riêng về vấn đề Syria, sự khác biệt giữa hai quốc gia vẫn tồn tại và khó có thể đạt được thỏa hiệp trong tương lai.
Tuệ Khanh
(Theo BBC)