Mỹ - Thổ nhùng nhằng ở Syria
(Cadn.com.vn) - Mỹ đang nỗ lực kéo Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) thuộc phe đối lập ở Syria tập trung nỗ lực chống nhóm Hồi giáo cực đoan IS thay vì cứ tiếp tục đụng độ nhau.
Nhiều tòa nhà bị hư hỏng nặng sau khi trúng bom tại khu vực Bab al-Nairab, Syria hôm 28-8. Ảnh: Reuters |
Mỹ hôm 30-8 kêu gọi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng người Kurd ở Syria ngừng chiến, vì lo ngại những cuộc xung đột mới nhất này gây cản trở nỗ lực đánh bại IS và đe dọa làm chệch hướng chiến lược chiến tranh của Mỹ ở Syria.
“Chúng tôi kêu gọi cả hai bên ngừng chiến, tiếp tục tập trung vào cuộc chiến nhắm mục tiêu IS”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nói tại cuộc họp báo của Lầu Năm Góc. Những tuyên bố lần này đánh dấu chỉ trích đầu tiên của Mỹ nhằm vào đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi Ankara khởi động chiến dịch xuyên biên giới “Lá chắn sông Euphrates” dưới sự hậu thuẫn của Washington nhằm ngăn lực lượng người Kurd bành trướng lãnh thổ kiểm soát và chống IS.
Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan tuyên bố sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quân sự cho đến khi IS và các chiến binh người Kurd ở Syria không còn đặt ra mối đe dọa an ninh cho Ankara. Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay vẫn luôn xem các chiến binh người Kurd là mối đe dọa an ninh hàng đầu. Ankara mới đây cáo buộc các chiến binh YPG tấn công tên lửa khiến một binh sĩ của họ thiệt mạng.
Tuy nhiên, việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã đụng độ đẫm máu với các chiến binh PYD – lực lượng mà Nhà Trắng xem là đồng minh đáng tin cậy nhất và có hiệu quả trong cuộc chiến chống IS ở Syria đẩy quan hệ hai nước vào “bẫy căng thẳng” và đặt Washington vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Rõ ràng, Mỹ đang đau đầu khi phải lựa chọn giữa hai đồng minh và buộc phải tính đến khả năng chuyển nguồn lực từ cuộc chiến chống IS.
Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Ben Rhodes nhận định, mục tiêu xa hơn Thổ Nhĩ Kỳ là liên minh Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) vốn được xem là tổ chức đầu não của PYD. Ankara muốn làm suy yếu những nhánh liên minh của người Kurd để tạo nên “mặt trận” chống IS. Giới phân tích cho rằng, các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ một lần cho thấy những bất đồng âm ỉ giữa các đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến ở Syria, nơi đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của nhóm IS. Nó cũng đặt ra câu hỏi về việc liệu Ankara có cố gắng ngăn chặn SDF đến cùng hay không trong bối cảnh Washington đang rất cần lực lượng này.
Bộ trưởng Carter cố xua tan những lo ngại này khi tuyên bố hiện không có bất kỳ sự thay đổi nào trong chiến lược của Mỹ về vấn đề Syria, nhấn mạnh cả SDF và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là đồng minh quan trọng của Washington. Lầu Năm Góc hy vọng các lực lượng Mỹ hậu thuẫn cuối cùng có thể chiếm lại thành phố Raqqa ở của Syria từ tay IS. Trong động thái ve vuốt Ankara, ông chủ Lầu Năm Góc cũng ca ngợi những tiến bộ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại IS trong tuần qua, đặc biệt là việc chiếm giữ lại thị trấn chiến lược Jarablus.
Có thể, kịch bản tốt nhất nhằm tháo ngòi nổ căng thẳng là Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận sự bảo đảm của Mỹ rằng, YPG đang dần dần rút về phía đông sông Euphrates khi trên thực tế Ankara lâu nay vẫn yêu cầu YPG rút lui dần như vậy. Nhưng Mỹ xem ra cũng rất khó gỡ rối mối tơ vò này. Thực tế, Washington đang chứng kiến hậu quả của một chiến lược phụ thuộc quá nhiều vào các chiến binh người Kurd để đánh bại IS, bất chấp sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ. Các chuyên gia cảnh báo, Ankara đã đi quá xa và khó quay đầu trở lại.
Khả Anh