Báo Công An Đà Nẵng

Mỹ tiếp tục “chặt chân” của Trung Quốc ở Biển Đông

Thứ sáu, 28/08/2020 11:09

Mỹ ngày 26-8 (giờ địa phương) bất ngờ công bố các biện pháp trừng phạt và hạn chế đối với hàng loạt Cty Trung Quốc và các quan chức liên quan vì tham gia xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp và quân sự hóa trái phép các thực thể trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.

Các siêu hàng không mẫu hạm USS Nimitz và USS Ronald Reagan tuần tra ở vùng biển Châu Á hồi tháng 7. Ảnh: AFP

Trừng phạt 24 Cty nhà nước Trung Quốc

Loạt Cty bị trừng phạt lần này là 24 Cty nhà nước bao gồm các Cty con của Tập đoàn Kiến thiết giao thông Trung Quốc (CCCC); các Cty viễn thông khác của Trung Quốc, vốn bị Mỹ xác định là "công cụ trong chiến thuật săn mồi" của Bắc Kinh và một đơn vị của Tập đoàn đóng tàu của nước này.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết, các Cty này đã “tạo điều kiện cho Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn đang tranh chấp ở Biển Đông”. “Kể từ năm 2013, Bắc Kinh sử dụng các doanh nghiệp nhà nước của mình để nạo vét và cải tạo hơn 1.200 ha trên các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, gây mất ổn định khu vực, chà đạp lên quyền chủ quyền của các nước láng giềng, và tàn phá môi trường đáng kể”, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết trong một tuyên bố. Điểm đáng chú ý là 24 Cty Trung Quốc bị đưa vào chung danh sách trừng phạt với Huawei và các Cty công nghệ khác.

Gọi những Cty bị trừng phạt là công cụ trong “chiến thuật săn mồi” của Trung Quốc, phía Mỹ kêu gọi các nước xem xét lại mối quan hệ và đánh giá rủi ro khi giao dịch với các Cty này. Trong 24 cái tên được công bố, nổi bật nhất là CCCC. Theo phía Washington, CCCC và các Cty con đi đầu trong hoạt động bồi đắp và quân sự hóa trái phép thực thể nhân tạo trên Biển Đông. Năm 2009, CCCC bị Ngân hàng Thế giới (WB) đưa vào danh sách đen vì gian lận trong đấu thầu đối với một hợp đồng đường cao tốc ở Philippines. Tại Malaysia, dự án đường sắt cao tốc phía đông do CCCC làm tổng thầu bị nghi ngờ thổi giá và hối lộ dẫn tới đàm phán lại vào phút chót...

 “Việc các Cty này bị áp lệnh trừng phạt như vậy đồng nghĩa sẽ đặt dấu chấm hết cho việc họ mua các công nghệ và mọi sản phẩm khác xuất xứ Mỹ, từ chất bán dẫn đến cả bàn chải đánh răng”, NYTimes khẳng định. Theo tuyên bố của Nhà Trắng, các Cty này sẽ bị ngăn chặn tiếp cận những công nghệ và sản phẩm từ Mỹ hoặc có yếu tố Mỹ. Lãnh đạo các Cty cùng gia đình của họ sẽ không được cấp visa đến Mỹ. Trong cuộc họp báo ngày 26-8, đại diện Bộ Thương mại Mỹ khẳng định, mọi hợp đồng mua bán sản phẩm có yếu tố Mỹ với 24 Cty Trung Quốc vừa bị trừng phạt phải nhận được sự đồng ý của Washington. Mỹ sẽ siết chặt giám sát để đảm bảo rằng người dùng cuối cùng không phải là các Cty này, kể cả khi các hàng hóa này được sản xuất ở nước ngoài hay người đứng tên mua là một Cty khác.

“24 Cty đã được đưa vào "danh sách thực thể" của Bộ Thương mại, cho phép bộ này chặn xuất khẩu hàng hóa và nguyên liệu từ Mỹ sang cho họ”, Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh, nêu tên các Cty nhưng không nêu chi tiết tên các cá nhân có liên quan.

Mới là bước đầu?

Đây là lần đầu tiên Mỹ trừng phạt các Cty liên quan tranh chấp Biển Đông và cũng là động thái mới nhất của nền kinh tế số 1 thế giới nhằm vào các Cty có thể hỗ trợ các hoạt động quân sự của Trung Quốc. Động thái này diễn ra trước cuộc bầu cử ngày 3-11, trong đó cả Tổng thống Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đều chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc. Chính quyền của ông Trump hồi tháng 7 lần đầu tiên có tuyên bố rõ ràng về lập trường về vấn đề Biển Đông, cáo buộc Bắc Kinh quân sự hóa và tuyên bố chủ quyền phi pháp ở khu vực đang tranh chấp... Các tàu chiến Mỹ đã đi qua khu vực này để khẳng định quyền tự do tiếp cận các tuyến đường thủy quốc tế, làm dấy lên lo ngại về các cuộc đụng độ giữa hai ông lớn này.

Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington lên án các biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ là “hoàn toàn vô lý”, đồng thời kêu gọi Washington thay đổi quyết định này. Tuy nhiên, Washington nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt ngày 26-8 chỉ là bước đầu, ám chỉ về việc sẽ còn nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn nữa. “Washington sẽ tiếp tục hành động cho tới khi Trung Quốc chấm dứt các hành vi cưỡng ép trên Biển Đông, hướng tới lợi ích chung và cư xử một cách thân thiện, tôn trọng các nước láng giềng”, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố. Giới phân tích cho rằng, việc danh sách trừng phạt không có Tập đoàn Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) cho thấy, khả năng các Cty dầu khí và khảo sát Trung Quốc đã quấy rối hoạt động dầu khí của nước khác trên Biển Đông sẽ bị trừng phạt vào lúc khác.

CNOOC chính là tập đoàn sở hữu giàn khoan HD-981 đã xâm phạm vùng biển của Việt Nam năm 2014.

KHẢ ANH