Báo Công An Đà Nẵng

Mỹ tiếp tục trấn an Afghanistan

Thứ năm, 28/09/2017 09:41

6 quả tên lửa đã rơi xuống gần sân bay quốc tế Kabul vào sáng 27-9, ngay sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đến thủ đô Kabul của Afghanistan để tiến hành các cuộc đàm phán.

Cảnh sát bảo vệ bên ngoài sân bay Kabul sau vụ 6 tên lửa phát nổ
khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Afghanistan.  
 Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đặt chân đến Afghanistan hôm 27-9, trở thành quan chức đầu tiên trong nội các của Tổng thống Donald Trump đến quốc gia Nam Á này kể từ khi Washington thông báo chiến lược mới, tiếp tục cuộc chiến lâu dài nhất này.

Theo AFP, trong dấu hiệu cho thấy sự bất ổn an ninh đáng lo ngại ở nước này, 6 tên lửa đã rơi xuống gần sân bay quốc tế Kabul vào sáng 27-9 sau khi Bộ trưởng Mattis đến Afghanistan. Vụ tấn công bằng tên lửa không gây ra thương vong. Nhóm cực đoan IS đã thừa nhận đứng sau vụ việc trên. Hãng tin AMAQ của nhóm này cho biết, “những người xâm nhập” đã sử dụng tên lửa SPG-9 và súng cối để tấn công.

Ông Mattis đến Kabul từ New Delhi, nơi ông gặp người đồng cấp Ấn Độ Nirmala Sitharaman, người đã nói Ấn Độ sẽ không triển khai quân đến Afghanistan như một phần trong chiến lược của Tổng thống Trump. Chuyến thăm cấp cao không báo trước này diễn ra trong bối cảnh lực lượng an ninh Afghanistan đang phải vật lộn để đánh bại Taliban, vốn đang hứng chịu những cuộc tấn công mạnh mẽ nhất kể từ khi quân đội Mỹ tiến đánh vào cuối năm 2014.

Ông Mattis, cùng với Tổng Thư ký Tổ chức NATO Jens Stoltenberg, gặp Tổng thống Ashraf Ghani và các quan chức hàng đầu khác để thảo luận về sứ mệnh “đào tạo và trợ giúp” của NATO nhằm tăng cường sức mạnh cho quân đội Afghanistan để có thể tự bảo vệ đất nước này. “Các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào quan hệ đối tác giữa NATO và Afghanistan, bao gồm cả nhiệm vụ hỗ trợ quyết liệt của liên minh quân sự này cho Lực lượng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Afghanistan”, một tuyên bố nêu rõ.

Trong nhiều tháng qua, Tổng thống Mỹ tuyên bố, tình hình ở Afghanistan là bế tắc, bất chấp nhiều năm hỗ trợ của các đối tác dành cho Kabul với tổng chi phí cho chiến đấu và tái thiết là hơn 1.000 tỷ USD. Cuộc chiến Afghanistan sẽ bước vào năm thứ 16 vào tháng 10 tới. Và Mỹ đang thúc giục các đối tác của NATO tăng số lượng binh sĩ đến quốc gia Nam Á này giúp các lực lượng Afghanistan giành được chiến thắng trong cuộc chiến chống Taliban và các nhóm Hồi giáo cực đoan.

Taliban, vốn hồi phục mạnh mẽ hơn rất nhiều so với thời điểm sau khi bị lật đổ năm 2001, đã thề sẽ biến Afghanistan thành “nghĩa địa” cho các lực lượng nước ngoài. Trên thực tế, Taliban đã mở các cuộc tấn công nguy hiểm vì chúng vẫn duy trì sự kiểm soát trên các vùng rộng lớn của đất nước. Theo báo cáo của Cơ quan giám sát SIGAR của Mỹ, tính đến tháng 2, chỉ có khoảng 60% trong tổng số 407 quận của Afghanistan được báo cáo là nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ.

Theo kế hoạch của Tổng thống Trump, Mỹ đang gửi thêm hơn 3.000 quân đến Afghanistan, nâng số binh sĩ của Lầu Năm Góc ở chiến trường này lên đến con số 11.000 người. Nhiệm vụ chính của lực lượng này là huấn luyện và tư vấn cho các lực lượng an ninh của Afghanistan. Trong khi đó, các đồng minh NATO có khoảng 5.000 quân được triển khai trên khắp quốc gia Nam Á này.

Các chuyên gia quân sự đã đặt câu hỏi về việc liệu số binh sĩ Mỹ này có thể hoàn thành nhiệm vụ của những lực lượng trước đây – vốn có số lượng khoảng 100.000 vào thời điểm chiến đấu – hay không. Hồi đầu năm nay, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã ra lệnh tăng gấp đôi Lực lượng Đặc nhiệm - một lực lượng chiến đấu tinh nhuệ chống lại quân nổi dậy của Afghanistan - từ con số 17.000 người - trong kế hoạch 4 năm nhằm mục đích tăng cường sức mạnh cho lực lượng không quân Afghanistan.

 Bởi lẽ, dù hoan nghênh cam kết mở rộng và tăng quân đến Afghanistan của Tổng thống Trump, giới chức Kabul cũng ý thức rằng, sẽ mất rất nhiều thời gian để cải thiện khả năng chiến đấu cho các lực lượng của họ.

KHẢ ANH