Mỹ tiếp tục tranh cãi việc dùng robot diệt kẻ bắn tỉa ở Dallas
(Cadn.com.vn) - Việc sử dụng robot mang bom để tiêu diệt nghi phạm giết chết 5 cảnh sát ở Dallas, Mỹ đã làm dấy lên những cuộc tranh cãi gay gắt trong cộng đồng xã hội vì đó là lần đầu tiên cảnh sát sử dụng robot như vũ khí chống lại cái ác như vậy.
Sau khi nổ súng giết 5 cảnh sát hôm 7-7, kẻ bắn tỉa Micah Xavier Johnson đã bị lực lượng an ninh bao vây tại một gara ở trung tâm Dallas. Qua nhiều giờ đấu súng rồi thương lượng, cảnh sát cuối cùng đã quyết định sử dụng một robot mang bom để tiếp cận và tiêu diệt nghi phạm này. Việc cảnh sát sử dụng một robot để tiêu diệt nghi phạm có vũ trang là động thái chưa từng có tiền lệ ở Mỹ. Vụ việc làm dấy lên một cuộc tranh luận đạo đức về cách lực lượng hành pháp Mỹ sử dụng công nghệ chống lại cái ác.
Kế hoạch bất đắc dĩ
Cảnh sát trưởng Dallas David Brown ra lệnh cho đội đặc nhiệm SWAT hành động sau cuộc đấu súng kéo dài 45 phút và 2 giờ đàm phán với kẻ bắn tỉa Micah Xavier Johnson.
Trong thời gian đó, Cảnh sát trưởng Brown liên tục cập nhật thông tin vụ việc đang diễn ra cho người dân, đồng thời ấp ủ một kế hoạch ít ai ngờ đến. Ông Brown thực hiện cuộc gọi cuối cùng và sau đó ra lệnh thực hiện kế hoạch mà các chuyên gia nói rằng chưa bao giờ diễn ra: Sử dụng một robot và 450g thuốc nổ C-4 để tiêu diệt nghi phạm có vũ trang nguy hiểm này. “Chúng tôi đã không còn lựa chọn nào khác ngoài cách dùng một robot dò bom mang vật liệu nổ sau đó kích hoạt thiết bị khi nó tiếp cận đối tượng. Những phương án khác có thể đặt các sĩ quan của chúng tôi vào tình thế nguy hiểm”, Cảnh sát trưởng Brown cho biết.
Một trường hợp duy nhất có thể coi là tiền đề ở nước Mỹ là vào năm 2011, khi cảnh sát bang Tennessee đặt lựu đạn khói trong một con robot và sau đó bất ngờ nó bị phát nổ (tức là vụ việc không nằm trong kế hoạch) trong một ngôi nhà di động.
Vai trò của Remotec Andros và C-4
Robot này hiện được xác định là Remotec Andros do hãng Northrop Grumman chế tạo, có giá 151.000 USD. Trong khi chi tiết cụ thể về hành động của robot này không được tiết lộ, giới chuyên gia có thể phân tích một số khả năng của nó.
Nó có bánh xe, trọng lượng 220kg, gồm rất nhiều bộ cảm ứng và một cánh tay trang bị móc. Nó có khả năng đi qua mương, qua địa hình gồ ghề, leo cầu thang và có thể đi qua khe hở rộng 60cm và vượt chướng ngại vật cao 40cm. Đây là loại robot chuyên chở bom điều khiển từ xa được trang bị cho lực lượng cảnh sát, quân đội ở nhiều nước trên thế giới. Nhưng đây là lần đầu tiên loại robot này được cảnh sát Mỹ sử dụng để giải quyết một vụ đọ súng ở trong nước. Trước đó, robot chỉ được các đội phá bom mìn sử dụng, hoặc được đội SWAT dùng để theo dõi.
Trong khi đó, thuốc nổ C-4 có khả năng gây sát thương cao. “450g C-4 là rất nhiều, nếu phát nổ có thể phá hủy một tòa nhà”, chuyên gia về thuốc nổ Matt Barnett nói đồng thời cho biết thêm, “số lượng này có thể gây thương vong lớn trong một không gian khép kín hơn bên ngoài”. Giới truyền thông Mỹ không được biết chi tiết các bước quan trọng để vụ nổ xảy ra như đúng kế hoạch, nhưng hiện trường cho thấy, khi vụ nổ xảy ra, nó gây chấn động khu vực rộng lớn ở Dallas.
Hình ảnh robot được sử dụng tiêu diệt kẻ bắn tỉa ở Dallas. |
Vẫn còn nhiều tranh cãi
Việc cảnh sát Dallas sử dụng robot để tiêu diệt kẻ bắn tỉa trên là một trong nhiều minh chứng của việc sử dụng robot rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực từ các hoạt động đời thường hằng ngày cho đến lực lượng quân đội và thực thi pháp luật. Đây sẽ là bước tiến mở ra khởi đầu của việc sử dụng những robot sát thủ như vậy trên chiến trường.
Lợi ích của việc sử dụng robot cho mục đích tiêu diệt các nghi phạm có vũ trang là rất dễ sử dụng, có vẻ an toàn và ít gây thiệt hại về người hơn so với các phương pháp khác. Nhưng điều này cũng làm dấy lên một số rủi ro của việc lạm dụng robot trong các hoạt động đảm bảo an ninh ở Mỹ. Theo các chuyên gia quân sự, robot mặt đất ít khi được sử dụng để tiêu diệt kẻ thù. Vì vậy, nhiều người lo ngại, liệu lực lượng cảnh sát Mỹ có đang bị “quân sự hóa” khi họ được phép sử dụng các loại thiết bị vốn được chế tạo để phục vụ trên chiến trường như robot hay máy bay không người lái (UAV) để giảm thiểu thương vong cho binh sĩ.
Họ còn bày tỏ nghi vấn nếu robot có khả năng giết người được sử dụng trong tình huống này ở Dallas thì liệu chúng có trở thành một phần thường trực trong ngành cảnh sát hay không?
Tuệ Khanh
(Theo CNN)