Báo Công An Đà Nẵng

Mỹ tính toán từng bước rút khỏi Afghanistan

Thứ ba, 17/12/2019 15:49

Hàng ngàn người chết, hàng ngàn tỷ USD tiêu tốn và không có chiến thắng rõ ràng nào ở chiến trường Afghanistan. Và giờ đây, Mỹ đang hướng đến một kế hoạch tìm lối ra khỏi cuộc chiến sa lầy đã 18 năm qua.

Tổng thống Mỹ Donald Trump có chuyến thăm bất ngờ đến căn cứ không quân Bagram ở Afghanistan vào tháng 11 và khẳng định thỏa thuận ngừng bắn với Taliban là cần thiết cho quốc gia Nam Á này.  Ảnh: AFP

CNN ngày 16-12 dẫn các nguồn tin cho biết, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thông báo sớm vào đầu tuần này về kế hoạch rút khoảng 4.000 binh sĩ khỏi Afghanistan.

Hiện có 13.000 binh sĩ Mỹ đang đồn trú ở Afghanistan. Hai nguồn tin cho biết một số binh sĩ sẽ sớm được tái triển khai, còn những người khác sẽ không được thay thế khi kết thúc nhiệm kỳ. Việc thông báo rút quân có thể diễn ra trong tuần này, nhưng “thời gian vẫn còn đang thay đổi”. Đây thực sự không phải là một động thái bất ngờ: Tổng thống Trump đã phát đi tín hiệu công khai, ông dự định sẽ rút vài ngàn quân khỏi đất nước. Nhưng nỗ lực mới nhất nhằm giảm bớt vai trò của quân đội Mỹ vào thời điểm này đang cho thấy chính xác kế hoạch rút quân thực tế của Washington.

Trả giá đắt

Các con số thực tế cho thấy điều đó. Kể từ năm 2001, Mỹ chi gần 133 tỷ USD cho việc tái thiết Afghanistan, một con số chỉ là một phần trong ước tính 2.000 tỷ USD cho các hoạt động quân sự mà nước này phải chi trả từ đó đến nay.

Tổn thất nhân lực cũng cao. Khoảng 2.300 lính Mỹ đã bị giết ở chiến trường Nam Á này và cái giá mà người Afghanistan phải trả đã cao hơn nhiều: hơn 58.000 binh sĩ và cảnh sát Afghanistan đã thiệt mạng trong cuộc xung đột, cùng với 38.000 dân thường. Ước tính có khoảng 42.000 quân nổi dậy chống chính phủ đã thiệt mạng. Tuy nhiên, những con số khổng lồ này lại không mang lại một chiến thắng rõ ràng. Trong khi đó, chính quyền trung ương ở Kabul vẫn ở vị thế bấp bênh. Nhóm Taliban - bị lật đổ trong cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu, vẫn kiểm soát và hoạt động mạnh mẽ ở Afghanistan. Các lực lượng chính phủ Afghanistan đang gánh chịu gánh nặng chiến đấu nặng nề.

Nỗi lo sợ sụp đổ

Một phần của vấn đề là kế hoạch của quân đội Mỹ khi thực hiện nhiệm vụ xây dựng và kiểm soát Afghanistan vượt xa phạm vi nhiệm vụ ban đầu: lật đổ Taliban và triệt phá nơi trú ẩn an toàn cho nhóm khủng bố Al-Qaeda, vốn đứng sau vụ tấn công khủng bố 11-9 ở Mỹ. Washington cũng biết rất ít về đất nước, tôn giáo sắc tộc phức tạp hoặc lịch sử đấu tranh phe phái ở Afghanistan. Và các chuyên gia cảnh báo rằng, việc Mỹ rút quân có thể khiến chính quyền Afghanistan sụp đổ.

Một quan chức chính quyền cấp cao đã xác nhận với CNN rằng, Mỹ có kế hoạch rút khoảng 4.000 quân khỏi Afghanistan - gần 1/3 trong số 12.000 - 13.000 lực lượng hiện diện ở đây. Nhưng theo các chuyên gia, việc rút quân của Mỹ đã diễn ra từ lâu. 1 thập kỷ trước - vào ngày 1-12-2009 - Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố tăng quân số hiện diện ở Afghanistan lên 100.000 vào giữa năm 2010. Afghanistan vào thời điểm đó được mô tả là một cuộc xung đột chính đáng đã bị lãng quên sau quyết định thảm khốc của Tổng thống George W. Bush trong cuộc chiến chống Iraq năm 2003. Trên thực tế, cả hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan bắt đầu như các hoạt động nhằm thay đổi chế độ, và sau đó bị biến thành các nhiệm vụ kết thúc mở hơn. Nhưng những cuộc chiến đó đã cho thấy việc kết thúc chiến tranh còn khó khăn hơn nhiều so với việc bắt đầu.

Khi năm 2019 sắp kết thúc, Mỹ nỗ lực gấp đôi để trở lại bàn hòa bình với Taliban. Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Taliban được khôi phục từ một tuần trước khi hai bên đều tìm kiếm một lộ trình nhằm giảm bạo lực hoặc chí ít là đạt được một lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, Washington hôm 12-12 tạm ngừng đàm phán sau một vụ tấn công của nhóm phiến quân gần một căn cứ không quân chủ chốt của Mỹ ở phía Bắc thủ đô Kabul, khiến 2 thường dân thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

KHẢ ANH