Mỹ trấn an các đồng minh, cảnh báo Nga
(Cadn.com.vn) - Mỹ dường như sẵn sàng cho một cuộc đối đầu kéo dài với Nga khi tuyên bố sẽ triển khai quân đội, vũ khí cho các nước NATO chống lại “các mối đe dọa” từ Moscow.
Ngày 23-6 (giờ Việt Nam), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cam kết sẽ điều quân đội và vũ khí hạng nặng cho lực lượng đặc nhiệm sẵn sàng chiến đấu của NATO, động thái rõ ràng vừa trấn an các đồng minh phương Tây vừa gửi lời cảnh báo mạnh mẽ đến Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Berlin trong chuyến thăm 5 ngày ở Châu Âu, chủ yếu bàn về cái mà ông gọi là “các mối đe dọa từ Nga”. Ảnh: Washington Post |
Theo AFP, cam kết này, được đưa ra sau cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng Đức-Na Uy- Hà Lan, sẽ không bao gồm các lực lượng mặt đất quy mô lớn, nhưng có thể bao gồm lực lượng thông tin tình báo và giám sát, hậu cần, máy bay vận tải và vũ khí. “Một nước Đức tích cực hơn và một NATO thích nghi hơn sẽ đảm bảo rằng, Tổng thống Putin có thể quay đồng hồ trở lại ở Nga, nhưng không thể làm điều đó ở Châu Âu”, ông Carter nói trong bài phát biểu tại Berlin - điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du kéo dài 5 ngày đến Châu Âu.
Tuyên bố đầy mạnh mẽ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa thông báo chuẩn bị bổ sung 40 tên lửa liên lục địa mới cho kho vũ khí hạt nhân. Tuyên bố của Tổng thống Putin cùng với quyết định gia hạn trừng phạt chống lại Moscow của Liên minh Châu Âu (EU) đưa ra hôm 22-6 khiến quan hệ Nga-phương Tây tiếp tục xuống mức thấp kỷ lục. Steve Sestanovich, thành viên cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết, NATO và Mỹ rõ ràng đang muốn nhắn nhủ rằng: “Nga không nên làm bất cứ điều gì ngu ngốc mặc dù hiện có rất ít quân nhân Mỹ đóng quân vĩnh viễn ở Châu Âu”.
Mặc dù cho rằng, cuộc đối đầu của Mỹ và các đồng minh thuộc NATO với Nga có thể còn tiếp diễn, thậm chí sau khi Tổng thống Vladimir Putin rời nhiệm sở, ông chủ Lầu Năm Góc vẫn nói về khả năng “Tổng thống Putin thay đổi cách hành xử”. “Mỹ hy vọng Nga sẽ thay đổi song không thể hoàn toàn tin tưởng”, ông Carter nói đồng thời cáo buộc chính sách hiện nay của Nga mang nặng tư tưởng của quá khứ.
Chuyến đi Châu Âu của ông Carter lần này bao gồm các nước Đức, Estonia và Bỉ, nhưng phần lớn sẽ tập trung vào việc đối phó với Nga – quốc gia mà Mỹ cáo buộc đã tham chiến ở đông Ukraine. “Nga sẽ là trọng tâm của chuyến đi”, ông Carter nói với các phóng viên. Mặc dù vậy, ông Carter nói rằng, Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với Nga về lĩnh vực mà hai nước nhìn thấy một lợi ích chung, như bàn đàm phán hạt nhân P5+1 với Iran và những nỗ lực chống IS. “Chúng tôi không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh. Chúng tôi không tìm cách biến Nga thành kẻ thù”, ông Carter nói.
Trong tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng NATO sẽ nhóm họp tại Brussels (Bỉ) để xem xét tài liệu mật mà Bộ Tư lệnh liên minh này đã soạn thảo, trong đó dự kiến tập trung phân tích tính thực tiễn về tiềm năng hạt nhân của Moscow. Trong khi nhiều đồng minh NATO lo lắng, Nga sẽ xâm lược các nước trong liên minh quân sự này, Giám đốc Viện Kennan tại Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson, ông Matthew Rojansky, cho rằng, Moscow khó có thể hành động như vậy.
Hiện chưa có quyết định sẽ có bao nhiêu quân được hỗ trợ cho các lực lượng đặc nhiệm hoặc quốc gia nào họ sẽ đến. Washington tuyên bố, không có lực lượng binh sĩ hoặc vũ khí được triển khai ngay lập tức, nhưng sẽ được điều đến nếu có yêu cầu. Theo nhà phân tích quân sự Boris Zilberman, thông báo này là “bước quan trọng đầu tiên”. Nhưng giới phân tích cho rằng, câu hỏi đặt ra là Lầu Năm Góc sẽ phản ứng như thế nào trong trường hợp xảy ra mối đe dọa từ Nga.
Khả Anh