Mỹ trấn an Nhật-Hàn
(Cadn.com.vn) - Ông chủ mới của Lầu Năm Góc sẽ nhấn mạnh các cam kết đảm bảo an ninh với các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản trong chuyến công du đầu tiên đến Châu Á lần này.
Vấn đề triển khai THAAD nằm trong trọng tâm chuyến công du Châu Á lần này |
Ngày 1-2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis rời Washington, bắt đầu chuyến công du đầu tiên trên cương vị mới đến Hàn Quốc và Nhật Bản. Mối quan tâm của ông chủ mới của Lầu Năm Góc là trấn an các đồng minh Châu Á trong bối cảnh bùng nổ những lo ngại về chương trình hạt nhân-tên lửa Triều Tiên cũng như căng thẳng gia tăng trong mối quan hệ với Trung Quốc.
Đây là chuyến công du đầu tiên của tướng James Mattis kể từ khi ông trở thành Bộ trưởng Quốc phòng của chính quyền Tổng thống Donald Trump và cũng là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của một bộ trưởng trong nội các của ông Trump. Theo các nguồn tin, ban đầu tướng Mattis dự kiến sẽ đến Trung Đông nhưng đã đổi hướng đến Châu Á với mục đích tái khẳng định quan hệ với hai đồng minh Hàn-Nhật, nơi có gần 80.000 lính Mỹ đồn trú. Tướng Mattis cũng muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực đang phát triển này trong chính sách của Lầu Năm Góc.
Thật sự, sự tái khẳng định này của Mỹ có thể là rất quan trọng, đặc biệt là sau khi ông Trump, nhà lãnh đạo mà trong chiến dịch tranh cử đã đặt câu hỏi về những vấn đề chi phí, cái được và mất, trong vấn đề bảo đảm chiếc ô hạt nhân an ninh cho Seoul và Tokyo. Ông Trump khi đó cho rằng, Hàn – Nhật được hưởng lợi từ chiếc ô an ninh của Mỹ mà không chia sẻ chi phí đầy đủ. Ông chủ Nhà Trắng hiện nay cũng làm mất lòng Seoul và cả Tokyo bằng tuyên bố sẽ kéo Washington ra Hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
“Đó là một thông điệp trấn an”, một quan chức chính quyền Trump nói. Theo Reuters, Tổng thống Trump điện đàm liên tục với các nhà lãnh đạo Nhật, Hàn trong những ngày gần đây và sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng Shinzo Abe tại Washington vào ngày 10-2 tới.
Trên thực tế, chuyến thăm của tướng Mattis đến khu vực Châu Á lần này diễn ra giữa lúc lo ngại Triều Tiên có thể sẵn sàng thử nghiệm một tên lửa đạn đạo mới, động thái được xem là thử thách đầu tiên cho chính quyền của Tổng thống Trump. Chuyến thăm của tướng Mattis cho thấy, Washington coi các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh tại Bán đảo Triều Tiên và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Theo giới quan sát, Seoul có thể mong đợi tướng Mattis sẽ đẩy nhanh kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) để đối phó với các mối đe dọa của Triều Tiên. Tuy nhiên, một quan chức quân đội Hàn Quốc cho rằng, chuyến thăm đầu tiên của ông chủ mới của Lầu Năm Góc chỉ đơn giản mang thông điệp trấn an và nhằm “phá băng” cho cả hai.
Tại Tokyo, vào ngày 3-2, tướng Mattis sẽ gặp Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada – nhân vật nhiều lần khẳng định, Tokyo đã chia sẻ công bằng các chi phí cho quân đội Mỹ đóng quân ở nước này và nhấn mạnh, cả Mỹ và Nhật đều được lợi từ liên minh này. Chi tiêu quốc phòng Nhật Bản vẫn còn ở mức gần 1% GDP, thua xa Trung Quốc – quốc gia đang vướng vào tranh chấp ở biển Hoa Đông với Tokyo, xung quanh chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Ngoài vấn đề biển Hoa Đông, trong chuyến đi lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng muốn trấn an các nước trước những lo ngại ngày càng tăng về động thái quân sự của Trung Quốc ở biển Đông. Căng thẳng Mỹ-Trung leo thang hồi tuần trước khi Nhà Trắng tuyên bố sẽ bảo vệ “lãnh thổ quốc tế” ở biển Đông đến cùng.
Khả Anh
Tổng thống Mỹ đề cử vị trí Thẩm phán Tòa án Tối cao Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 31-1 (giờ địa phương) đề cử thẩm phán tòa phúc thẩm Neil Gorsuch, 49 tuổi, cho vị trí Thẩm phán Tòa án Tối cao – chiếc ghế bị bỏ trống trong gần 1 năm qua. Theo CNN, ông Gorsuch là nhân vật theo đường lối bảo thủ. Và đề cử trên sẽ giúp khôi phục tỷ lệ đa số quan chức theo đường lối bảo thủ trong Tòa án Tối cao. Đề cử này giúp định hình những phán quyết về các vấn đề mang tính quyết định như phá thai, kiểm soát súng, án tử hình... T.V |