Báo Công An Đà Nẵng

Mỹ - Trung căng thẳng trước cuộc gặp cấp cao

Thứ sáu, 19/03/2021 13:30

Căng thẳng Mỹ-Trung hiện đang gia tăng trong bối cảnh quan chức cấp cao hai nước chuẩn bị có cuộc gặp tại Alaska ngày 18-3 (giờ Mỹ). Đây được coi là cuộc gặp cấp cao gây tranh cãi đầu tiên giữa hai nước dưới thời chính quyền tân Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan sẽ lần đầu có cuộc gặp trực tiếp với Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Vương Nghị tại Alaska.

Căng thẳng Mỹ- Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trước thềm cuộc gặp cấp cao hai nước.

Trừng phạt quan chức Trung Quốc

Ngay trước cuộc họp này, chính quyền Tổng thống Biden đã thông báo trừng phạt 24 quan chức Trung Quốc và Hồng Kông liên quan tới các thay đổi đối với luật bầu cử của Hồng Kông đồng thời cáo buộc Bắc Kinh tìm cách đơn phương cản trở hệ thống bầu cử của Hồng Kông. "Lệnh trừng phạt hôm nay nhắm vào 24 quan chức Trung Quốc đại lục và Hồng Kông có hành động làm giảm mức độ tự trị cao của Hồng Kông", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố.

Động thái mới nhất nâng số quan chức Trung Quốc đại lục và Hồng Kông bị Mỹ trừng phạt theo Đạo luật Tự trị Hồng Kông (HKAA) lên 34. "Các tổ chức tài chính nước ngoài cố ý thực hiện giao dịch quan trọng với các cá nhân được liệt kê trong báo cáo hôm nay sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt", tuyên bố của ông Blinken nêu thêm. Theo Ngoại trưởng Mỹ, việc thay đổi hệ thống bầu cử Hồng Kông "tiếp tục làm xói mòn mức độ tự trị cao đã cam kết với người dân Hồng Kông, phủ nhận tiếng nói của người Hồng Kông trong chính quyền, động thái bị Anh tuyên bố vi phạm Tuyên bố chung Trung - Anh".

Điều tra hàng loạt công ty Trung Quốc

Hôm 17-3, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, đã triệu tập nhiều công ty Trung Quốc chuyên cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông tại Mỹ để đánh giá về nguy cơ an ninh quốc gia đối với Washington mà các doanh nghiệp này gây ra.

Tuyên bố của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nêu rõ: “Bắc Kinh đã dính líu đến hành vi làm suy yếu lợi thế công nghệ của Mỹ và đe dọa các liên minh của chúng tôi”. Theo tuyên bố, các lệnh triệu tập nói trên nhằm mục đích thu thập thông tin để “cho phép chúng tôi đưa ra quyết định cho một hành động có thể để bảo vệ hiệu quả nhất cho sự an toàn của các công ty, người lao động và an ninh quốc gia Mỹ”. Tuy vậy, tuyên bố của Bộ trưởng Raimondo không nêu đích danh bất cứ công ty nào của Trung Quốc.

Mỹ “rắn” với Trung Quốc

 Động thái của Mỹ là một tín hiệu rõ ràng về các kế hoạch của chính quyền Biden nhằm gây sức ép đối với Trung Quốc về các hoạt động mà Washington cho rằng đã vi phạm các luật lệ và quy chuẩn quốc tế bất kể việc Bắc Kinh chỉ trích Washington đang can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.

Ngoài việc công bố danh sách trừng phạt, chính quyền Washington cũng đồng loạt gửi thông điệp cứng rắn và không nhượng bộ trước Bắc Kinh. Tại Tokyo (Nhật Bản) hôm 17-3, Ngoại trưởng Blinken tuyên bố Trung Quốc đang hành xử “ngang ngược và thô bạo” tại biển Hoa Đông và Biển Đông. Ông Blinken cho rằng tất cả những gì Trung Quốc đang làm thời gian qua đều nhằm “gia tăng căng thẳng chứ không tìm cách xoa dịu tình hình”, và Nhà Trắng sẽ nhanh chóng đưa ra quan điểm “rõ ràng nhất” về một số quan ngại liên quan các hành vi lâu nay của Bắc Kinh.

Cùng ngày, tại Seoul (Hàn Quốc), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn được nâng lên tầm quan trọng nhất từ trước đến nay, theo Yonhap. Trước “những thách thức chưa từng có tiền lệ” đến từ Triều Tiên và Trung Quốc như hiện nay, ông Austin cho rằng điều ưu tiên số 1 là duy trì năng lực sẵn sàng tác chiến của liên quân.

Không quá kỳ vọng từ cuộc gặp ở Alaska

Các quan chức Mỹ đã mô tả cuộc gặp cấp cao Mỹ- Trung tại Alaska là sự kiện chỉ diễn ra một lần duy nhất và ở đó, Mỹ sẽ thẳng thắn đương đầu với Trung Quốc về một loạt vấn đề an ninh, nhân quyền mà Bắc Kinh cần phải giải quyết trước khi có thể cải thiện quan hệ với Washington. Trong cuộc họp báo qua điện thoại trước hội đàm, một quan chức cấp cao Mỹ khẳng định chính quyền Tổng thống Joe Biden đang theo đuổi lập trường thống nhất và cứng rắn đối với Trung Quốc, không để Bắc Kinh dùng thủ đoạn để đưa các bộ ngành của Mỹ vào thế đối đầu nhau. Ngược lại, các quan chức Trung Quốc coi cuộc gặp như cơ hội để Washington và Bắc Kinh thiết lập lại mối quan hệ của họ với tư cách các cường quốc hàng đầu thế giới, xây dựng trật tự quốc tế mới.

Ngoại trưởng Blinken bác bỏ việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi cuộc gặp này là "một cuộc đối thoại chiến lược" và khẳng định rằng ở thời điểm này, Mỹ không có ý định đưa ra bất kỳ cam kết nào. Mục tiêu của cuộc hội đàm là nhằm trao đổi thẳng thắn về quan điểm hai bên, đặt ra các ưu tiên nếu muốn thay đổi tình hình hiện tại. Vì thế, Nhà Trắng không đặt quá nhiều kỳ vọng, và dự kiến cũng sẽ không có thông cáo chung sau khi kết thúc. Trong khi Trung Quốc kêu gọi Mỹ hãy có động thái điều chỉnh quan hệ song phương và muốn cuộc hội đàm tại Alaska mở đầu cho chuỗi đối thoại để khôi phục quan hệ, Washington khẳng định cuộc gặp chỉ diễn ra một lần. Phía Mỹ nhấn mạnh bất kỳ cuộc đối thoại nào trong tương lai cũng đều tùy thuộc vào việc Trung Quốc có cải thiện hành vi của mình hay không.

AN BÌNH