Báo Công An Đà Nẵng

Mỹ - Trung đấu khẩu ở Shangri-La

Thứ hai, 01/06/2015 08:51

(Cadn.com.vn) - Căng thẳng đang gia tăng ở biển Đông chưa thể lắng dịu trên bàn Đối thoại Shangri-La sau khi Trung Quốc vẫn lớn tiếng biện hộ cho những hành động phi pháp của họ ở khu vực này, bất chấp những cảnh báo của Mỹ.

31-5 là ngày họp cuối cùng của Diễn đàn an ninh Châu Á thường niên lần thứ 14 - Đối thoại Shangri-La phiên họp vốn tập trung vào việc giải bài toán căng thẳng ở biển Đông.

Tuy nhiên, những tuyên bố đầy thách thức, những lời biện hộ vô lý của Trung Quốc đã phủ bóng đen u ám lên diễn đàn lần này, và khiến vấn đề biển Đông thêm phức tạp.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (ảnh trái) và Đô đốc Tôn Kiến Quốc của Trung Quốc
tại bàn Đối thoại Shangri-La 2015. Ảnh: AP

TRUNG QUỐC TIẾP TỤC BIỆN HỘ VỀ BIỂN ĐÔNG

Tại bàn Đối thoại Shangri-La hôm 31-5, phía Trung Quốc lớn tiếng bác bỏ yêu cầu của Mỹ về việc ngừng các hoạt động cải tạo ở biển Đông.

Đô đốc Tôn Kiến Quốc, đại diện Trung Quốc cũng bác bỏ những chỉ trích cũng như những quan ngại của đại diện các nước tham dự Đối thoại Shangri-La về việc những hoạt động của Bắc Kinh trên biển Đông gây ra những căng thẳng trong khu vực. Ông Tôn trắng trợn nói rằng, họ đang thực hiện tuyên bố chủ quyền và hỗ trợ phần còn lại của thế giới chứ không đe dọa an ninh và thông thương hàng hải.

Shangri-La đối thoại để xây dựng lòng tin

Đối thoại Shangri-La năm 2015 kết thúc vào chiều 31-5, bằng thông điệp chung trong đó kêu gọi đối thoại để xây dựng lòng tin và sự minh bạch.

Theo AFP, tại phiên thảo luận cuối cùng về “Các thách thức an ninh toàn cầu và Châu Á - Thái Bình Dương”, Bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà Singapore Ng Eng Hen tiếp tục nhấn mạnh, Châu Á đang ngày càng khẳng định là khu vực phát triển nhanh nhất trên toàn cầu cả về thương mại, tài chính và quốc phòng. Tuy nhiên, châu lục này cũng đối mặt nhiều thách thức như chủ nghĩa khủng bố cực đoan, nạn buôn người xuyên biên giới, an ninh mạng...

“Trung Quốc xây dựng trên một số đảo và rạn san hô ở vùng biển Đông chủ yếu nhằm cải thiện các chức năng của các đảo cũng như điều kiện sống của quân nhân đóng quân ở đó”, Đô đốc Tôn tuyên bố. Ông này còn biện hộ rằng, “ngoài việc đáp ứng các nhu cầu quốc phòng cần thiết, hoạt động cải tạo này là nhằm thực hiện tốt hơn trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc về tìm kiếm cứu nạn hàng hải, phòng chống thiên tai và cứu trợ, nghiên cứu khoa học, quan trắc khí tượng...”.

Trả lời những câu hỏi của đại biểu các nước, trọng tâm xoay quanh vấn đề biển Đông, ông Tôn khẳng định, Bắc Kinh vẫn luôn kiềm chế. Và theo cái nhìn phiến diện của ông, “tình hình ở biển Đông vẫn hoàn toàn ổn định, hòa bình và chưa bao giờ có vấn đề gì về tự do hàng hải”. “Các hoạt động cải tạo đất ở biển Đông của Trung Quốc là hòa bình và hợp pháp, các nước bên ngoài hãy ngừng hành động gây mất đoàn kết về vấn đề này”, trưởng đoàn Trung Quốc lớn tiếng nói. Nói về khả năng thiết lập Vùng Xác định Phòng không (ADIZ) trên biển Đông, đại diện quân đội Trung Quốc cho rằng, đây là việc làm nhằm đảm bảo an ninh của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc thường xuyên “nói không đi đôi với làm” đang khiến cộng đồng quốc tế nghi ngại. Vì vậy, tại bàn đối thoại lần này, các nước kêu gọi Bắc Kinh cần hiện thực hóa những tuyên bố của mình như: tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và tiến tới ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

MỸ LO TRUNG QUỐC “ĐÃ LỖI NHỊP”

Những tuyên bố đầy thách thức của Đô đốc Tôn được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt ngay lập tức tất cả các hoạt động cải tạo ở biển Đông và tỏ ý lo ngại khi cách cư xử của Bắc Kinh đã “lỗi nhịp” với các chuẩn mực quốc tế.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng cảnh báo hoạt động xây dựng đảo của Bắc Kinh làm xói mòn an ninh Châu Á - Thái Bình Dương và kêu gọi thúc đẩy nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ. “Chỉ trong 18 tháng qua, Trung Quốc khai hoang thêm 800ha hơn diện tích khai hoang của tất cả các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền cộng lại. Chúng ta không rõ liệu Trung Quốc sẽ tiến xa tới mức nào nữa”, ông Ashton Carter nói.

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh:

Tin Trung Quốc đưa pháo ra đảo ở biển Đông là dấu hiệu xấu

Phát biểu bên lề Đối thoại Shangri-La, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, nếu thông tin Trung Quốc triển khai 2 khẩu pháo tự hành ra đảo tự tạo ở biển Đông là đúng, đây thật sự là sự phát triển đáng lo ngại.

“Nếu việc này thực sự xảy ra, đó là dấu hiệu rất xấu cho tình hình đang rất phức tạp ở biển Đông”, tướng Nguyễn Chí Vịnh nói trong cuộc phỏng vấn với Reuters. Mặc dù Lầu Năm Góc cho biết, các loại pháo của Trung Quốc không gây đe dọa an ninh trực tiếp, song động thái này khiến giới phân tích quan ngại, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình sử dụng các đảo nhân tạo ở biển Đông vào mục đích quân sự.

Phát biểu tại Shangri-La, ông Carter đồng thời tuyên bố phản đối bất kỳ hành động quân sự nào ở biển Đông, ám chỉ thông tin cách đây khoảng 1 tháng về việc Trung Quốc triển khai 2 khẩu pháo tự hành trên một hòn đảo nhân tạo do họ bồi đắp ở biển Đông, song sau đó đã cho rút. Theo ông, điều này sẽ làm thúc đẩy “nguy cơ tính toán sai lầm hoặc xung đột”. Trước đại biểu các nước, ông Carter tuyên bố, máy bay và tàu chiến Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra tại nơi mà Washington coi là hải phận quốc tế ở biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Kevin Andrews khi trả lời phỏng vấn bên lề cuộc họp, cũng khẳng định, Canberra cũng sẽ làm như vậy.

Trung Quốc khẳng định chủ quyền trên gần như toàn bộ biển Đông, tuyến đường vận chuyển quan trọng của thế giới và là nơi được cho là có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt rất lớn. Hành động của Bắc Kinh đang thực sự khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Theo giới phân tích, mục tiêu của các công trình xây dựng đảo trên quy mô lớn của Trung Quốc trước hết là để khẳng định chủ quyền, sau đó là biến các đảo mà họ chiếm giữ thành các căn cứ quân sự tiền tiêu giúp Bắc Kinh kiểm soát biển Đông.

Vì vậy, tại diễn đàn năm nay, đại diện từ các nước kêu gọi tất cả các bên kiềm chế trong xử lý tranh chấp ở biển Đông, đặc biệt là kêu gọi Trung Quốc cần ký COC với 10 nước ASEAN càng sớm càng tốt.

Khả Anh