Mỹ-Trung lại bùng nổ cuộc chiến về nguồn gốc đại dịch COVID-19
Những tranh cãi xung quanh nguồn gốc virus gây đại dịch COVID-19 đang phủ bóng lên mối quan hệ Mỹ -Trung. Washingon đã tuyên bố điều tra đến cùng giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, động thái khiến Bắc Kinh nổi giận.
Chợ bán buôn hải sản Huanan ở Vũ Hán liên quan đến các ca nhiễm COVID-19 đầu tiên. Ảnh: Getty |
Trong thông cáo được phát đi tối 26-5 (sáng 27-5, giờ Việt Nam), Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã chính thức lên tiếng phản đối việc chính quyền Tổng thống Joe Biden ra lệnh cộng đồng tình báo Mỹ hoàn tất báo cáo điều tra về nguồn gốc đại dịch COVID-19, trong đó có giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Đại sứ quán Trung Quốc khẳng định, việc chính trị hóa điều tra nguồn gốc COVID-19 sẽ không chỉ gây khó khăn cho việc tìm hiểu nguyên nhân xuất hiện virus SARS-CoV-2, mà còn tạo điều kiện cho "virus chính trị" lây lan, hủy hoại nghiêm trọng các nỗ lực hợp tác quốc tế chống đại dịch. Bắc Kinh gọi giả thiết virus SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm là thuyết âm mưu đồng thời kêu gọi điều tra các phòng thí nghiệm bí mật trên toàn thế giới.
Thậm chí, tờ Global Times của Trung Quốc yêu cầu điều tra một phòng thí nghiệm sinh học Mỹ ở Fort Detrick, bang Maryland. "Nếu họ coi khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là một trong những hướng điều tra đúng, vậy thì Viện Virus học Vũ Hán không nên là cơ sở duy nhất cần phải được điều tra" - theo tờ Global Times. Theo tờ báo này, kể từ năm 2019, phòng thí nghiệm sinh học ở Fort Detrick đã có nhiều dấu hiệu cần được để ý đến và nên được đưa vào nhóm mục tiêu được điều tra đầu tiên.
Tranh cãi gay gắt nổ ra sau khi Mỹ tuyên bố sẽ điều tra đến cùng nguồn gốc dịch bệnh sau khi có báo cáo về việc một số nhà nghiên cứu Trung Quốc đã bị bệnh từ trước khi nước này ghi nhận các ca COVID-19 đầu tiên vào tháng 12-2019. Trong tuyên bố cho thấy rõ quyết tâm này, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 26-5 cho biết ông đã trực tiếp chỉ đạo cộng đồng tình báo Mỹ nỗ lực gấp đôi để điều tra nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 và phải có kết quả trong vòng 90 ngày.
COVID-19 được phát hiện đầu tiên ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào cuối năm 2019. Hơn 168 triệu ca nhiễm và gần 3,5 triệu ca tử vong được báo cáo trên toàn thế giới. Các nhà chức trách ghi nhận các ca nhiễm đầu tiên liên quan đến một chợ hải sản ở Vũ Hán, và các nhà khoa học tin rằng, virus này lần đầu tiên truyền sang người từ động vật. Nhưng truyền thông Mỹ gần đây đưa tin là chứng cứ cho thấy, virus này có thể xuất hiện từ một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc ngày càng nhiều. Bắc Kinh lên án những thông tin này này, phản pháo rằng, virus có thể đến từ một phòng thí nghiệm của Mỹ.
Hồi tháng 3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố một báo cáo viết chung với các nhà khoa học Trung Quốc về nguồn gốc của COVID-19, nói rằng khả năng virus đến từ một phòng thí nghiệm "cực kỳ khó xảy ra" dù cũng thừa nhận rằng cần phải nghiên cứu thêm. Và kết luận ban đầu này gây nhiều tranh cãi.
Chính quyền ông Biden trong tuyên bố hôm 26-5 cũng cũng thừa nhận cộng đồng tình báo Mỹ có ý kiến khác nhau về nguồn gốc Covid-19, trong đó có 2 giả thuyết quan trọng: rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán hoặc bị truyền từ động vật qua người. Điều đó đánh dấu một thay đổi lớn so với thái độ chế nhạo thuyết virus đến từ phòng thí nghiệm của nhiều người trong giới truyền thông và các chính trị gia vào năm ngoái, khi Tổng thống lúc đó là ông Donald Trump, Ngoại trưởng Mike Pompeo, Thượng nghị sĩ Tom Cotton và những người khác đưa ra ý tưởng này.
Giới phân tích cho rằng, nếu Mỹ tìm thấy bằng chứng thuyết phục về một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm, thì điều này có nghĩa là không chỉ một số nhân vật nổi tiếng phải đánh giá lại sự tin tưởng của họ vào những "kết luận" có thẩm quyền mà cựu Tổng thống Trump cũng có thể đòi được minh oan. Nó cũng có thể gây căng thẳng thực sự cho quan hệ Mỹ-Trung trong nhiều năm tới.
KHẢ ANH