Mỹ-Trung trong cuộc chiến chống khủng bố
(Cadn.com.vn) - Cách tiếp cận với thế giới của Mỹ và Trung Quốc là hoàn toàn khác nhau. Washington thích quan hệ đối tác đa quốc gia nằm dưới sự hỗ trợ an ninh của chính họ. Trong khi đó, Bắc Kinh ủng hộ hệ thống các mối quan hệ song phương và theo đuổi quyền bá chủ trong khu vực Đông Á.
Tuy nhiên, cả hai đều nhận ra rằng, chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa xuyên biên giới. Nhưng tại sao họ vẫn chưa hợp tác? Nhiều người cho rằng, nguyên nhân là chính trị, chứ không phải chiến lược.
Nhiều mối đe dọa chung...
Nhóm Abu Sayyaf ở Philippines không phải là mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ, hoặc ngay cả chính phủ Manila, nhưng các hành động bạo lực của nhóm có thể phá vỡ ổn định chính trị của một địa phương cụ thể, tạo nơi trú ẩn an toàn cho một loạt các nhóm bất hợp pháp khác. Hoạt động buôn ma túy, bắt cóc và cướp biển… của các nhóm này trở thành vấn đề khu vực và có thể ảnh hưởng đến lợi ích của các quốc gia xa xôi như Mỹ. Đó là bài học Washington rút ra sau vụ 11-9 và Trung Quốc, sau một loạt các cuộc tấn công của các nhóm cực đoan, cũng trở nên cảnh giác hơn.
Hiệu ứng domino mà chủ nghĩa khủng bố tạo ra là đặc biệt nghiêm trọng tại Trung Đông và Nam Á. Chẳng hạn như Yemen, nơi Al-Qaeda tại bán đảo Arab (AQAP) lợi dụng nhà nước yếu kém để gây bất ổn; Syria, nơi cuộc nội chiến ngày càng khốc liệt bởi giao tranh giữa Hezbollah và Mặt trận Al-Nusra; và Iraq, nơi mà Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS) đang tấn công mạnh mẽ.
Còn Nam Á là khu vực mà hầu hết các quốc gia có nền kinh tế kém phát triển và khác biệt giáo phái. Tổ chức khủng bố lợi dụng môi trường này để hoạt động ở Sri Lanka, Bangladesh, Nepal, và thậm chí tại Ấn Độ.
Tuy nhiên, khu vực Afghanistan-Pakistan là nơi các tổ chức khủng bố mạnh mẽ nhất và bạo lực nhất đang hoạt động. Phong trào Hồi giáo Uzbekistan hoạt động dọc theo biên giới phía bắc Afghanistan và đang mở rộng việc buôn bán ma túy.
Sau khi Taliban bị mất quyền lực vào năm 2001, Afghanistan lại rơi vào một cuộc nổi dậy khác. Trong khi dấu chân của Al-Qaeda gần như biến mất khỏi khu vực Afghanistan-Pakistan, các nhóm khác nổi lên, chẳng hạn như Mạng lưới Haqqani có liên quan với Taliban.
Lực lượng chống khủng bố của Trung Quốc. Ảnh: Diplomat |
... tại sao vẫn không hợp tác?
Kể từ sau vụ 11-9-2001, việc chống lại chủ nghĩa khủng bố trở thành mục tiêu cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Mục tiêu đó dẫn đến cuộc xâm lược Afghanistan hất cẳng Taliban, và chiến dịch chống Al-Qaeda trên toàn thế giới. Cho đến nay, đây vẫn là ưu tiên của chính quyền Obama trong bối cảnh ISIS ngày càng tăng sức ảnh hưởng.
Đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố gần đây trở thành một ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc. Căng thẳng từ lâu đã tồn tại giữa chính quyền Bắc Kinh và các nhóm dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ, như mồi thuốc súng chờ chực nổ bất kỳ lúc nào.
Cuộc tấn công tại Quảng trường Thiên An Môn hồi năm ngoái và vụ tấn công đường sắt Côn Minh hồi tháng 3 là những bước dạo đầu nguy hiểm. Rõ ràng, cả Mỹ-Trung đều xem việc chống lại khủng bố là một nhiệm vụ cần thiết. Nhưng liệu cả hai sử dụng lợi ích chung này như là một nền tảng cho sự hợp tác? Nếu nghĩ đơn giản, họ cần phải làm điều đó, nhưng thực tế, điều này đã không xảy ra.
Nhà Trắng cho rằng, Bắc Kinh không minh bạch khi nói đến vấn đề thực thi pháp luật hoặc vấn đề quân sự. Mặt khác, Washington không cho rằng, các cuộc tấn công ở Trung Quốc là bằng chứng của chủ nghĩa khủng bố. Một lý do quan trọng khác là căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington gia tăng trong vài năm qua, đặc biệt là liên quan đến chủ quyền lãnh thổ ở biển Đông và biển Hoa Đông với chiến lược tái xoay trục Châu Á-Thái Bình Dương của Nhà Trắng và nhiều vấn đề khác.
Tuy nhiên, yếu tố có tính quyết định nhất chính là quan điểm về vai trò của Trung Quốc trên trường quốc tế. Chính sách đối ngoại của Bắc Kinh từ lâu gắn với tư tưởng không can thiệp. Hợp tác với Mỹ về hoạt động chống khủng bố, đặc biệt là trong khu vực Afghanistan-Pakistan, sẽ buộc Bắc Kinh phải từ bỏ một phần nguyên tắc cốt lõi và gánh vác nhiều trách nhiệm hơn. Các quan chức ngoại giao và an ninh của Trung Quốc không muốn đi vào con đường này.
An Bình
(Theo Diplomat)