Báo Công An Đà Nẵng

Mỹ - Trung trong cuộc chiến “ngoại giao vaccine” Covid-19

Thứ sáu, 29/01/2021 13:14

Pfizer hay Sinopharm? Mỹ và Trung Quốc đang tranh giành ảnh hưởng để có được các đơn đặt hàng vaccine ngừa Covid-19 từ các nước trên thế giới.

Vaccine Pfizer của Mỹ (trên) và vaccine Sinopharm của Trung Quốc.

Gần đây, Chính phủ Israel đã công bố tài liệu cho thấy mức độ hợp tác của họ với hãng dược phẩm khổng lồ Pfizer của Mỹ trong chiến dịch tiêm chủng, với hơn 1/4 trong số 9 triệu dân đã được tiêm chủng ngừa Covid-19. Để đổi lại việc chuyển giao vaccine nhanh chóng, Israel – sở hữu cơ sở dữ liệu y tế số hóa khổng lồ - đang cung cấp cho Pfizer dữ liệu về hiệu quả và tác dụng phụ tiềm ẩn của vaccine dựa trên các chỉ số như tuổi và tiền sử bệnh.

Sự hợp tác sâu rộng này không có gì ngạc nhiên khi Israel là đồng minh chiến lược chính của Washington tại khu vực. Nhà nước Do Thái này cũng đã đặt mua hàng triệu liều vaccine do công ty Moderna của Mỹ phát triển. Đây là loại vaccine Covid-19 ít được đặt hàng nhất trong khu vực cho đến nay.

Các quốc gia khác tại Trung Đông, trong đó có Saudi Arabia, Qatar, Kuwait và Oman, cũng đang phụ thuộc nặng nề vào vaccine Pfizer do công ty Mỹ phối hợp với BioNTech của Đức sản xuất. Mặc khác, Iraq, Jordan, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain lại giảm thiểu rủi ro bằng cách đặt mua vaccine của cả Pfizer và Sinopharm - loại vaccine do Trung Quốc sản xuất đã được UAE đánh giá “hoàn toàn an toàn”.

Trung Quốc quyết liệt hơn

Theo ông Yahia Zoubir, chuyên gia về quan hệ giữa Trung Quốc và thế giới Arab, quyết định lựa chọn mua vaccine loại nào phụ thuộc vào các yếu tố như giá cả và yêu cầu trữ lạnh. Vaccine của Pfizer cần bảo quản ở nhiệt độ siêu lạnh âm 70 độ C nhưng của Sinopharm chỉ cần từ 2-8 độ C. Tuy nhiên, vị giáo sư tại Trường Kinh doanh Kedge (Pháp) này nhận định yếu tố chính trị cũng giữ vai trò quan trọng. Theo ông Zoubir, kể từ khi bùng phát đại dịch, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “tự đóng cửa”, trong khi Trung Quốc lại triển khai ngoại giao y tế. “Người Trung Quốc đã tích cực hơn và hợp tác hơn”, ông Zoubir nhận xét.

Bắc Kinh đã xuất khẩu hàng triệu chiếc khẩu trang và trang phục bảo hộ cho Trung Đông, Bắc Phi cùng nhiều nơi khác, cũng như là cung cấp máy thở cho nhiều quốc gia. Theo chuyên gia trên, y tế đang trở thành một phần trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, cho phép quốc gia này mở rộng quan hệ đối tác tại Trung Đông – khu vực chiếm giữ đếm 1/2 lượng dầu nhập khẩu của Bắc Kinh.

Tại Châu Phi, vaccine của Sinopharm của Trung Quốc nằm trong đơn đặt hàng Ai Cập và Morocco, vốn là các đồng minh của Mỹ. Giới phân tích cho rằng sự hợp tác trên là nhằm đảm bảo các trung tâm sản xuất và phân phối vaccine của Trung Quốc cho khu vực và Châu Phi được thành lập trên lãnh thổ của họ.  Ông Steven Cook, thành viên cấp cao chuyên nghiên cứu về Trung Đông và châu Phi tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại, đánh giá: “Rõ ràng rằng uy tín của Bắc Kinh đang tăng lên tại khu vực mà từ lâu đã là một trong những địa điểm thống trị của Mỹ”. Tuy nhiên, theo lập luận của ông Cook, cho đến nay, Mỹ hầu như vắng bóng trong cuộc đua “ngoại giao vaccine”. Nguyên nhân chủ yếu là do chương trình nghị sự “Nước Mỹ trên hết” của ông Donald Trump.

Mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã thực hiện chuyến thăm chính thức 5 nước Châu Phi từ ngày 4 đến 9-1 gồm Nigeria, CH Congo, Botswana, Tanzania và Seychelles. Chuyến đi được cho là không chỉ giúp tăng cường hợp tác và kinh tế song phương, mà còn thúc đẩy chiến dịch ngoại giao vaccine để gia tăng “quyền lực mềm” tại những khu vực chiến lược. Ngay sau Châu Phi, ông Vương Nghị tiếp tục chuyến thăm Đông Nam Á. Ngoại trưởng Trung Quốc cam kết cung cấp 300.000 liều vaccine cho Myanmar.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh các nước ASEAN đang chuẩn bị tiến hành chiến dịch tiêm chủng vaccine đại trà. Theo truyền thông địa phương, nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Indonesia, Thái Lan hay Philippines đều đặt hàng vaccine ngừa Covid-19 từ Trung Quốc. Theo đó, Indonesia bắt đầu chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn dự kiến bắt đầu từ 13-1 tới và Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ là một trong những người đầu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19 Sinovac của Trung Quốc.

Tại Philippines, nước này đã đàm phán để sở hữu 25 triệu liều vaccine Sinovac, dự kiến bàn giao vào tháng 3-2021. Thái Lan cũng sẽ nhận được khoảng 2 triệu liều vaccine Sinovac trong khoảng từ tháng 2 đến 4-2021. Giới chuyên gia nhận định, việc Trung Quốc cung cấp vaccine cho các quốc gia ASEAN có thể thúc đẩy hình ảnh của nước này tại khu vực mà Trung Quốc nhấn mạnh có vị trí địa chiến lược quan trọng. Mặc dù Trung Quốc khẳng định kế hoạch này nằm trong cam kết chia sẻ vaccine với thế giới, nhưng giới chuyên gia nhận định không khó để thấy mục tiêu của Trung Quốc trong việc sử dụng ngoại giao vaccine trong chính sách đối ngoại. Chuyên gia phân tích Yanzhong Huang thuộc Hội đồng quan hệ đối ngoại nhận định: “Trước hết, Trung Quốc muốn cải thiện hình ảnh của nước này trên toàn cầu. Thứ 2, Trung Quốc muốn quảng bá vaccine do nước này sản xuất trên thị trường các nước và thứ 3 dùng vaccine như một công cụ ngoại giao đối với các quốc gia mà nước này có lợi ích chiến lược”.

Nhiều nước cũng vào cuộc

Cũng tham gia vào cuộc đua này là Anh với vaccine AstraZeneca do Đại học Oxford điều chế. AstraZeneca đã được nhiều quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi đặt hàng. Trong khi đó, Nga cũng đang đẩy mạnh quảng bá vaccine Sputnik V với khu vực này. Algeria, đồng minh lâu năm của Moscow, đã mua vaccine Sinopharm và Sputnik V. Hai loại vaccine trên có giá rẻ hơn vaccine do phương Tây sản xuất.

Tại thành phố Ramallah của Chính quyền Palestine, nơi đã cắt quan hệ với Mỹ dưới thời Tổng thống Trump, người dân đang chờ đợi vaccine Sputnik V được chuyển đến, trong khi có khoảng 2,5 triệu người Israel đã được tiêm ít nhất 1 liều Pfizer.

Là nước bất đồng sâu sắc với Israel, Iran đã từ chối mua vaccine của phương Tây. Nước Cộng hòa Hồi giáo này cho biết sẽ sử dụng vaccine của Ấn Độ, Trung Quốc hoặc Nga, kết hợp tự điều chế loại riêng.

AN BÌNH