Báo Công An Đà Nẵng

Mỹ trước "bóng ma" khủng hoảng tài chính lịch sử

Thứ bảy, 09/10/2021 12:45

Các nghị sĩ Quốc hội Mỹ lại một lần nữa mắc kẹt trong tình trạng bấp bênh "bên miệng hố" về vấn đề hạn mức nợ quốc gia - mức giới hạn đối với khoản tiền mà chính phủ có thể vay, động thái làm dấy lên lo ngại nước này có thể rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính lịch sử do nợ công.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen (giữa) cảnh báo rằng một "cuộc khủng hoảng tài chính lịch sử" có thể sẽ khiến Mỹ "suy yếu triền miên".

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen hồi tuần trước cảnh báo Quốc hội rằng, Mỹ sẽ đạt tới ngưỡng kịch trần vào ngày 18-10, tức là chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần nữa. Đảng Cộng hòa đang thách thức đảng Dân chủ tự xử lý vấn đề trong khi đảng Dân chủ cáo buộc đảng đối thủ đang hành động đầy sơ suất.

Vấn đề nợ trần đang khiến bùng lên lo sợ về nguy cơ vỡ nợ đối với khoản nợ quốc gia. Tuy nhiên, BBC dẫn lời các chuyên gia cho rằng, khó có khả năng xảy ra tình trạng vỡ nợ, và trong lịch sử Mỹ thì điều đó chưa từng xảy ra, nhưng nếu có, nó sẽ tạo ra những thảm họa cho nền kinh tế số 1 thế giới và cả nền kinh tế toàn cầu. Những bế tắc trong vấn đề hạn mức nợ không phải là điều gì mới mẻ trong nền chính trị Mỹ, nhưng vào lúc nền kinh tế còn đang lờ đờ, chưa phục hồi từ đại dịch COVID-19, thì việc có tâm lý hoảng hốt trong các thị trường tài chính vào lúc hạn chót đang đến gần là điều dễ hiểu.

Chính phủ Mỹ hiện chi tiêu nhiều hơn so với khoản thu được từ tiền thuế, do đó phải vay mượn để bù đắp cho khoản thiếu hụt. Việc vay mượn thực hiện thông qua Bộ Tài chính, với việc phát hành trái phiếu. Trái phiếu chính phủ Mỹ được coi là những khoản đầu tư an toàn nhất, đáng tin cậy nhất. Vào năm 1939, Quốc hội đã thiết lập tổng hạn mức, tức là "mức hạn trần" mà chính phủ có thể vay từ mọi khoản cộng lại tối đa là bao nhiêu. Mức hạn trần đã được dỡ bỏ hơn 100 lần, nhằm cho phép chính phủ được đi vay thêm. Quốc hội thường hành động dựa trên sự nhất trí lưỡng đảng về vấn đề này, và chuyện nâng hạn mức vay nợ hiếm khi là điều làm bùng nổ đối đầu chính trị.

Tuy nhiên, giữa lúc sự chia rẽ đảng phái đang căng thẳng như hiện nay, thì các nghị sĩ đã sử dụng việc biểu quyết về hạn mức vay nợ để gây tác động tới các vấn đề khác. Trong cuộc đối đầu hồi năm 2013, là lần cuối cùng Mỹ rơi vào nguy cơ vượt quá mức vay nợ, đảng Cộng hòa đã chặn đường đối với các kế hoạch chi tiêu của Tổng thống Barack Obama của đảng Dân chủ.

Nhưng lịch sử cho thấy, cuối cùng thì các nghị sĩ sẽ nhân nhượng vào vào phút chót. Năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử, vào thời điểm trong nửa cuối tháng 10 tới, Mỹ  có thể sẽ vi phạm nghĩa vụ thanh toán nợ - khoản hiện đang ở mức 28.000 tỷ USD. Việc đó, nếu xảy ra, sẽ gây trì hoãn, hoặc cần phải có sự điều chỉnh chi trả đối với mọi chương trình hiện hành của chính phủ, đồng thời làm ảnh hưởng tới ngân khoản liên bang dành cho các tiểu bang riêng lẻ.

Tập đoàn Goldman Sachs ước tính Bộ Tài chính có thể cần phải tạm ngừng hơn 40% các khoản chi trả và các khoản hỗ trợ tài chính dự kiến dành cho các hộ gia đình tại Mỹ. Lầu Năm Góc hôm 7-10 cũng đã ra thông cáo quan ngại rằng nhân viên của Bộ Quốc phòng cũng có thể không được trả lương đầy đủ, đúng hạn.

Việc vi phạm nghĩa vụ thanh toán cũng có thể gây ra việc tăng lãi suất và hủy hoại uy tín tín dụng của nước này, khiến Mỹ trở thành một nơi đắt đỏ hơn để sống, và làm tổn hại nền kinh tế. Nó cũng có thể gây ra những hỗn loạn cho thị trường chứng khoán.

Trong một bài viết đăng trên tạp chí Wall Street Journal hồi tháng trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Yellen cảnh báo rằng một "cuộc khủng hoảng tài chính lịch sử" có thể sẽ khiến Mỹ "suy yếu triền miên" nếu như hạn mức vay nợ không được nâng lên. Việc không nâng hạn mức nợ lên hoặc không tạm dừng chi tiêu cũng sẽ đe dọa tới sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu, vốn đã chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng 100 năm mới xảy ra một lần.

KHẢ ANH