Báo Công An Đà Nẵng

Mỹ tuyên bố đã tiêu diệt thủ lĩnh IS

Thứ hai, 28/10/2019 11:50

Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh của nhóm phiến quân Hồi giáo IS, “đầu não” của những cuộc thánh chiến toàn cầu và trở thành đối tượng bị truy nã gắt gao nhất thế giới, đã bị tiêu diệt sau một cuộc đột kích quân sự của Mỹ ở Syria.

Abu Bakr al-Baghdadi. Ảnh: AFP

Tối 27-10, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, al-Baghdadi đã thiệt mạng trong một chiến dịch suốt đêm của các lực lượng Mỹ tại Syria, coi đây là một chiến thắng quan trọng. Trong tuyên bố của mình, Tổng thống Trump cho biết al-Baghdadi đã chết sau khi cho nổ một chiếc áo cài bom tự sát. Thành công của chiến dịch này được đánh giá là động lực lớn đối với ông Trump trong bối cảnh ông hứng chịu chỉ trích vì ra lệnh rút quân khỏi Đông Bắc Syria, một động thái được cho là sẽ tạo điều kiện cho IS lấy lại sức mạnh. Đó cũng là một chiến thắng mang tính biểu tượng cho các nỗ lực chống khủng bố của phương Tây. Tuy nhiên, theo giới phân tích, cái chết của y sẽ không có tác động thực tế nào đối với các cuộc tấn công có thể xảy ra trong tương lai.

Thành tích của liên minh quốc tế?

Đài quan sát nhân quyền Syria (SOHR), nhóm chuyên giám sát cuộc chiến tại Syria, cho biết, cuộc tấn công do một phi đội gồm 8 máy bay trực thăng kèm theo một máy bay chiến đấu thuộc liên minh quốc tế thực hiện, nhằm vào các vị trí của nhóm Hurras al-Deen, một nhóm có liên kết với Al-Qeada, trong khu vực Barisha, phía bắc thành phố Idlib, sau nửa đêm ngày 26-10. Các thành viên của IS được cho là đang ẩn náu trong khu vực.

SOHR cho biết, các máy bay trực thăng tấn công dữ dội các vị trí của IS trong khoảng 120 phút. Các chiến binh thánh chiến đáp trả bằng cách bắn vào máy bay bằng vũ khí hạng nặng. Theo SOHR, 9 người thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng trực thăng liên minh. SOHR nói thêm rằng, số người chết có thể sẽ tăng lên do số người bị thương là rất lớn.

Sự hiện diện của al-Baghdadi tại ngôi làng nằm cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vài ki-lô-mét là điều gây bất ngờ, ngay cả khi một số thủ lĩnh IS được cho là đã trốn đến Idlib sau khi để mất lãnh thổ cuối cùng ở Syria vào tay lực lượng người Kurd, đồng minh của Mỹ, hồi tháng 3. Các khu vực xung quanh phần lớn được kiểm soát bởi đối thủ của IS – nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) có liên kết với Al-Qeada. Tuy nhiên, các đoạn băng chưa được xác minh được các nhóm phiến quân tại Syria phát trực tuyến cho thấy báo cáo của SOHR rằng cuộc tấn công xảy ra ở Barisha là đúng.

Chiến thuật khác biệt

Al-Baghdadi đã nắm quyền IS trong 5 năm qua, bằng các hình phạt chặt đầu ghê rợn, thu hút hàng trăm ngàn tín đồ gia nhập một “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng tại Iraq và Syria. Những lời hô hào của y là công cụ truyền cảm hứng cho các cuộc tấn công khủng bố ở Châu Âu và Mỹ. Tránh xa các vụ không tặc và các cuộc tấn công gây thương vong hàng loạt như cách mà Al-Qeada đã làm, al-Baghdadi và các chi  IS khác ủng hộ các hành động bạo lực quy mô nhỏ mà lực lượng thực thi pháp luật khó có thể ngăn chặn và đối phó. Chúng khuyến khích các chiến binh thánh chiến hành động bằng bất kỳ vũ khí nào mà chúng có. Tại Mỹ, nhiều kẻ cực đoan đã cam kết trung thành với al-Baghdadi trên các phương tiện truyền thông xã hội, trong đó có một phụ nữ cùng chồng thực hiện vụ thảm sát nhằm vào một bữa tiệc ở San Bernardino, California hồi năm 2015.

Với số tiền treo thưởng 25 triệu USD cho cái đầu của mình, al-Baghdadi hiếm khi xuất hiện trong những năm gần đây. Y chỉ công bố các bản ghi âm kêu gọi thánh chiến. Tháng trước, y kêu gọi các thành viên của nhóm cực đoan làm tất cả những gì có thể để giải phóng các tù nhân và phụ nữ IS bị giam giữ trong các nhà tù và trại. Đây là tuyên bố công khai đầu tiên của y kể từ tháng 4-2018, khi y xuất hiện trong một đoạn băng lần đầu tiên sau 5 năm. Năm 2014, al-Baghdadi là nhân vật mặc áo đen giảng đạo trên bục giảng của Nhà thờ Hồi giáo al-Nuri ở Mosul, sự xuất hiện công khai duy nhất của y. Y kêu gọi người Hồi giáo trên khắp thế giới thề trung thành với và tuân theo sự lãnh đạo của y.

Quá trình cực đoan hóa

Al-Baghdadi sinh năm 1971 tại Samarra, Iraq và được nhận nuôi từ khi còn rất nhỏ. Vì chống Mỹ. Theo các trang mạng có liên quan tới IS, vì hoạt động chống Mỹ nên y bị lực lượng Mỹ giam giữ tại Iraq và bị đưa đến nhà tù Bucca vào tháng 2-2004. 10 tháng sau, y được thả ra và sau đó, y gia nhập nhánh Al-Qeada ở Iraq do Abu Musab al-Zarqawi lãnh đạo. Sau đó, y nắm quyền kiểm soát nhóm, được biết đến vào thời điểm đó với cái tên Nhà nước Hồi giáo Iraq.

Sau khi cuộc nội chiến ở Syria nổ ra vào năm 2011, al-Baghdadi bắt đầu theo đuổi kế hoạch thành lập một “Nhà nước Hồi giáo” theo phong cách trung cổ. Y sáp nhập một nhóm thánh chiến khác được gọi là Mặt trận Al-Nusra, một phần của lực lượng nổi dậy chống Tổng thống Syria Bashar Assad, với một nhóm mới được gọi là Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant. Lãnh đạo trung tâm của Al-Qeada từ chối tiếp quản chúng và sa thải al-Baghdadi.

Các tay súng chiến đấu của al-Baghdadi đã chiếm được một dải lãnh thổ tiếp giáp trên khắp Iraq và Syria, bao gồm các thành phố quan trọng, và vào tháng 6-2014, y tuyên bố thành lập nhà nước của riêng mình. Al-Baghdadi trở thành lãnh đạo tối cao của IS. Dưới sự lãnh đạo của y, nhóm trở nên nổi tiếng với những vụ thảm sát rùng rợn và chặt đầu, và còn ghê gớm hơn khi chúng cho đăng trực tiếp lên trên các trang mạng thánh chiến.

Trong những năm qua, al-Baghdadi nhiều lần được cho là đã bị tiêu diệt, nhưng không được xác nhận. Năm 2017, các quan chức Nga cho biết có "khả năng cao" y đã bị giết trong một cuộc không kích của Nga ở ngoại ô Raqqa, nhưng các quan chức Mỹ sau đó cho rằng y vẫn còn sống.

AN BÌNH