Mỹ và các đồng minh vẫn bất đồng về Nga
Cuộc gặp của Thủ tướng Đức Olaf Scholz với Tổng thống Mỹ Joe Biden đã làm lộ rõ thực tế rằng, Berlin và Washington vẫn chưa cùng quan điểm khi nói đến Nga.
Một đoàn xe bọc thép của Nga di chuyển dọc theo đường cao tốc ở Crimea hồi tháng 1. Ảnh: AP
Những chia rẽ rõ ràng
Trong chuyến công du mới đây tới Washington, Thủ tướng Olaf Scholz đã tìm cách nhấn mạnh cam kết của Đức với tư cách là đồng minh trong cuộc khủng hoảng Ukraine-Nga đang leo thang. Giáo sư Gerhard Mangott tại Đại học Innsbruck lưu ý, mặc dù thể hiện một mặt trận thống nhất, nhưng tuyên bố của hai nước cũng cho thấy sự chia rẽ trong cách tiếp cận đối với Nga.
Ông Scholz đã gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng hôm 6-2, cuộc gặp mà Giáo sư Mangott mô tả là nỗ lực nhằm chứng tỏ rằng Đức là đồng minh đáng tin cậy khi đối phó với Moscow. "Nhưng rồi, điều thực sự đáng chú ý là sau khi ông Biden xác nhận rằng Nord Stream 2 sẽ bị đóng cửa nếu Nga tấn công Ukraine, ông Scholz cũng không muốn nói rõ điều đó", giáo sư này nhấn mạnh. Điều đó cho thấy không rõ liệu Đức có thực sự sẵn sàng đóng cửa dự án đường ống gây tranh cãi này hay không.
Theo ông Mangott, điều đáng chú ý là Đức và Mỹ đã không tuyên bố rõ ràng những biện pháp trừng phạt nào sẽ được áp dụng trong trường hợp Nga tấn công Ukraine và dường như có sự mất đoàn kết không chỉ giữa Đức và Mỹ, mà còn cả các đồng minh NATO khác. Pháp cũng có lập trường khác với các quan điểm chung của NATO và Mỹ khi đề cập đến cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 6-2 tại Moscow. Trước cuộc hội đàm, ông Macron đã đề nghị "Phần Lan hóa" Ukraine. "'Phần Lan hóa" có nghĩa là Ukraine sẽ hoàn toàn tự do về chính trị trong nước, nhưng sẽ bị hạn chế trong các lựa chọn chính sách đối ngoại của mình. Ý tưởng này cho thấy ông Macron có thể không cùng quan điểm với Mỹ và các đồng minh NATO khác về vấn đề trên. Tổng thống Macron gần đây cũng nói với truyền thông Pháp rằng việc Nga nêu quan ngại về an ninh của nước này là hợp pháp, một điều đã bị Mỹ và NATO bác bỏ.
Thông điệp của Tổng thống Putin
Reuters dẫn lời các chuyên gia phân tích cho biết, đằng sau sự giận dữ với NATO và những lời cảnh báo cứng rắn với phương Tây, có những dấu hiệu cho thấy, Tổng thống Putin muốn tránh leo thang trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Hôm 8-2, Tổng thống Putin lần thứ hai trong vòng một tuần qua lên tiếng cảnh báo các nước châu Âu có thể bị cuốn vào một cuộc chiến với Nga - một cuộc chiến mà không có bên nào thắng - nếu Ukraine gia nhập NATO và tìm cách chiếm lại bán đảo Crimea. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron vào lúc nửa đêm sau cuộc hội đàm hơn 5 giờ đồng hồ, chủ nhân Điện Kremlin vẫn khẳng định rằng, cơ hội đối thoại vẫn còn, một số đề xuất của Mỹ và NATO vẫn có thể trao đổi thêm. Ông cho biết, Nga "sẵn sàng làm mọi thứ để tìm ra những vấn đề có thể thỏa hiệp phù hợp cho tất cả các bên".
Các chuyên gia phân tích về Nga nói rằng, những bình luận trong cuộc họp báo lúc nửa đêm đó cho thấy ông thực sự nghiêm túc về phương án đàm phán.
KHẢ ANH