Mỹ và kế hoạch lập căn cứ trên Mặt trăng
(Cadn.com.vn) - Mỹ từng lên kế hoạch lập căn cứ quân sự bí mật trên Mặt trăng để bắn các tên lửa hạt nhân vào kẻ thù. Các tài liệu mới được giải mật tiết lộ, kế hoạch này mang tên "Dự án Horizon" ra đời vào năm 1959, đỉnh cao của thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Dự án Horizon...
Tài liệu 100 trang về kế hoạch này được công bố nhân kỷ niệm 45 năm ngày Neil Armstrong lần đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng (1969-2014).
Theo đó, năm 1959, Liên Xô vượt Mỹ trong cuộc đua vào không gian, phóng thành công tàu vũ trụ Luna 2 lên Mặt trăng. Tất nhiên, người Mỹ không chịu thua và Dự án Horizon ra đời nhằm đưa vị thế nước này vượt qua đối thủ. Dự án Horizon là một chương trình xây dựng hệ thống giám sát Trái đất từ Mặt trăng, sử dụng để "thông tin liên lạc và quan sát Trái đất".
Kế hoạch ban đầu cũng thảo luận về tác động của bức xạ hạt nhân đối với các dạng sống ngoài hành tinh. Tài liệu lập luận, Mỹ buộc phải phát triển và bảo vệ lợi ích tiềm năng trên vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất - và phải nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ để bảo vệ lối sống của Mỹ. "Nếu đi sau Liên Xô trong việc thiết lập một tiền đồn trên Mặt trăng sẽ là thảm họa đối với uy tín của đất nước và triết lý dân chủ của chúng ta", tờ báo viết.
Dự án Horizon cần được hưởng các quyền lợi ưu tiên như Dự án Manhattan, vốn phát triển bom nguyên tử.
Mỹ luôn muốn đi đầu trong các dự án trên Mặt trăng. Ảnh: CNN |
... đầy tham vọng...
Sau khi biện minh kỹ lưỡng về tính khoa học, chính trị và quân sự của căn cứ này, tài liệu nêu chi tiết kế hoạch xây dựng.
Tài liệu cung cấp các biểu đồ và công thức toán học; cân nhắc yếu tố trọng lực thấp và từ trường, thiếu nước và không khí, và động lực của đạn pháo trên bề mặt Mặt trăng. Ngoài ra, còn có các bản vẽ thiết kế tàu vũ trụ, máy ủi Mặt trăng, ca-bin Mặt trăng và các dụng cụ phù hợp với không gian đặc biệt này.
Chi phí ước tính của dự án là khoảng 5 tỷ bảng Anh, với hàng chục binh sĩ được đào tạo để hoạt động tại căn cứ này. 150 tên lửa Saturn A-class sẽ chở hơn 200 tấn vật liệu xây dựng vào một trạm không gian trên quỹ đạo thấp và sau đó sẽ đổ bộ tới Mặt trăng. Một phi thuyền con thoi sẽ thường xuyên đưa 16 phi hành gia đến và đi khỏi căn cứ này. Các binh sĩ sẽ ở trong một nhà kim loại rộng 2,7m dài 5,4m.
Trước tiên, dự án sẽ xây dựng cơ sở có khả năng tự sản xuất oxy và nước. Các tàu vũ trụ do tên lửa Saturn đẩy sẽ cung cấp cho các khu vực còn lại. Hai lò phản ứng hạt nhân sẽ cung cấp điện cho căn cứ. Theo kế hoạch, công việc xây dựng các tiền đồn cơ bản sẽ bắt đầu vào năm 1964 và được hoàn thành 5 năm sau đó.
...nhưng thất bại
Chạy đua vũ trang hạt nhân phổ biến trong những năm 1960, và Dự án Horizon mở rộng cuộc chạy đua đến Mặt trăng.
Các cơ quan quân sự và tình báo Mỹ đã suy nghĩ về việc sử dụng mặt trăng cho mục đích quân sự hoặc thu thập thông tin tình báo. Tài liệu cũng cho thấy sự cạnh tranh của Mỹ với Liên Xô trong lĩnh vực không gian, làm thế nào tình báo Mỹ thu được các hình ảnh radar tên lửa chống đạn đạo của Liên Xô.
Tài liệu được công bố cũng cho biết, các gián điệp Mỹ đánh cắp một tàu không gian của Liên Xô có tên Lunik tại một triển lãm của nước này để phân tích. Tàu này được người Nga sử dụng để thám hiểm Mặt trăng vào những năm 1950. Tàu Lunik sau đó đã được trả lại.
Tuy nhiên, dự án Horizon thất bại vì các nhà lãnh đạo lực lượng không quân Mỹ cho rằng, hành động này quá mạo hiểm. Năm 1967, LHQ thông qua Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Và tới tháng 7-1969, Mỹ mới đưa con người lên Mặt trăng. Nhưng đó là thành công của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), không phải của quân đội nước này.
An Bình
(Theo CNN, Mirror)