Mỹ với “kế hoạch B” đối phó Iran
Kế hoạch mới này của Mỹ, theo các nhà phân tích, là nhằm lắp ráp một liên minh toàn cầu để gây áp lực buộc Iran ngồi vào bàn đàm phán về “một kiến trúc an ninh mới” vượt xa chương trình hạt nhân của quốc gia Hồi giáo.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (phải) gặp Ủy viên Châu Âu về Năng lượng và Khí hậu, Miguel Arias Canete, tại thủ đô Tehran hôm 20-5. Ảnh: Reuters |
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 21-5 công bố “Kế hoạch B” của Nhà Trắng về kế hoạch đối phó với Iran, động thái mà các ý kiến chỉ trích rằng, đây chỉ là “giấc mơ viển vông”, trong khi những người khác đặt ra câu hỏi liệu chính quyền có đang hướng đến các mục tiêu vì đất nước hay không.
Tuyên bố của ông Pompeyo lần này, đánh dấu bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại lớn kể từ khi lên nắm quyền ngoại trưởng, được đưa ra lúc 9 giờ ngày 21-5 (giờ địa phương).
Giấc mơ viển vông
Kế hoạch mới này của Mỹ, theo các nhà phân tích, là nhằm lắp ráp một liên minh toàn cầu để gây áp lực buộc Iran ngồi vào bàn đàm phán về “một kiến trúc an ninh mới” vượt xa chương trình hạt nhân của quốc gia Hồi giáo.
“Chúng tôi cần một khuôn khổ mới để giải quyết toàn bộ các mối đe dọa của Iran”, Brian Hook, Giám đốc hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với CNN. Theo ông, điều này liên quan đến những thứ xung quanh chương trình hạt nhân của Tehran trong bối cảnh Washington cáo buộc Iran sản xuất tên lửa nhằm hỗ trợ cho những kẻ khủng bố, và các hoạt động bạo lực ở Syria và Yemen.
Nhưng nhiều quan chức chính phủ cũng như các nhà phân tích rất hoài nghi về kế hoạch này, vốn mục đích tìm kiếm một kết quả kép: đi đến một hiệp ước rộng lớn hơn, và mối quan tâm của chính quyền Mỹ trong chiến lược ngoại giao với Iran. “Một thỏa thuận lớn hơn, tốt hơn chỉ là giấc mơ viển vông”, ông Robert Einhorn, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao và chuyên gia tại Học viện Brookings nhận định.
Ngoại trưởng Pompeyo vạch ra tầm nhìn về vấn đề Iran gần 2 tuần sau khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử, còn gọi là JCPOA, và áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Tehran. Đối với ông Trump, việc áp dụng các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ theo JCPOA sẽ mang lại áp lực kinh tế đối với Iran. Đó là áp lực kinh tế đã đưa người Iran đến bàn đàm phán một vài năm trước đây.
Nhưng quyết định rút khỏi thỏa thuận, cùng với cách tiếp cận của chính quyền Trump đối với Châu Âu, có nghĩa là các biện pháp trừng phạt có thể không có hiệu quả trong thời gian này, khiến mọi việc càng trở nên khó khăn hơn và khó đi đến một thỏa thuận rộng lớn hơn như yêu cầu của Mỹ.
Rạn nứt với Châu Âu
Một chiến dịch gây áp lực tối đa cũng đòi hỏi một liên minh thống nhất. Nhưng Mỹ hiện không có được điều đó. Nga và Trung Quốc không có ý định hỗ trợ phối hợp cho một thỏa thuận hạt nhân thứ hai ở Iran, và đã phản đối gay gắt quyết định rời bỏ thỏa thuận của ông Trump.
Nguy hiểm hơn, việc Tổng thống Trump rút khỏi JCPOA cũng khiến các đồng minh ở Châu Âu tức giận và xa lánh, đặc biệt khi ông nói với họ rằng, Washington sẽ xử phạt các Cty của họ nếu tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp Iran bị trừng phạt. Tuyên bố này đào sâu những lo lắng của Châu Âu về cam kết của Nhà Trắng trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, đặc biệt khi ông Trump đe dọa áp thuế chống các ngành công nghiệp quan trọng của Châu Âu kể từ ngày 1-6 tới. Và nó đã tạo ra sự phẫn uất do nhận thức bị Mỹ bắt nạt.
Đó là lý do các nước Châu Âu hiện đang nỗ lực cứu JCPOA. Các cuộc đàm phán giữa Iran và các nước Châu Âu diễn ra liên tục. Mọi việc xem ra đi đúng hướng. Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Iran Ali Motahhari hôm 21-5 cho biết, chính phủ nước này hài lòng về các cuộc đàm phán gần đây với các đối tác Châu Âu liên quan tới việc bảo vệ thỏa thuận hạt nhân và bảo đảm những lợi ích của Tehran.
KHẢ ANH