Báo Công An Đà Nẵng

Mỹ – Trung “tháo ngòi nổ” chiến tranh thương mại

Thứ ba, 22/05/2018 11:41

Sau nhiều tuần căng thẳng, Trung Quốc và Mỹ cho biết, họ đã nhất trí từ bỏ chiến tranh thương mại và rút lại các lời đe dọa áp thuế trong khi các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (thứ 3 từ phải sang) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (thứ 3 từ trái sang) trong cuộc đàm phán.   Ảnh: Twitter

Tạm hoãn

Tân Hoa Xã dẫn tuyên bố chung của hai nước cho biết hai bên sẽ tránh đẩy tình trạng căng thẳng leo thang liên quan tới mức thuế quan và nhất trí giải quyết những mối lo ngại về thương mại “một cách chủ động”.

Khẳng định các cuộc đàm phán thương mại cấp cao Mỹ - Trung vừa qua đạt kết quả tốt, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hôm 20-5 vui mừng thông báo nguy cơ chiến tranh thương mại giữa hai bên đã được hóa giải. Cũng theo vị quan chức này, Mỹ - Trung đang cố gắng xây dựng và thực thi khuôn khổ mới với việc soạn thảo một thỏa thuận thương mại rộng lớn hơn hướng đến giải quyết sự mất cân bằng thương mại trong tương lai. “Chiến tranh thương mại đã “tạm hoãn”. Hiện chúng tôi thống nhất tạm gác lại chuyện thuế quan trong khi cố gắng xây dựng và thực thi khuôn khổ mới”, Bộ trưởng Mnuchin nói trên Fox News.

Về phía Trung Quốc, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, người dẫn đầu đoàn đàm phán thương mại của nước này tại Washington cũng vừa xác nhận hai bên đã đạt được sự đồng thuận, trong đó cam kết sẽ không lao vào một cuộc chiến thương mại, và sẽ ngừng áp đặt thuế lẫn nhau. Tuy nhiên, vị quan chức này lưu ý, việc phá vỡ tình trạng đóng băng hiện nay không thể hoàn thành chỉ trong một ngày, cần thời gian để giải quyết các vấn đề về cấu trúc của nền kinh tế và quan hệ thương mại giữa hai nước.

Vẫn còn rất “mơ hồ”

Mỹ - Trung đã thực sự có những “trái ngọt” đầu tiên sau nỗ lực đàm phán cam go nhằm hóa giải những bất đồng thương mại đang tồn tại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này. Giới đầu tư toàn cầu có thể tạm thời thở phào nhẹ nhõm khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có dấu hiệu khép lại.

Truyền thông quốc tế phần lớn nhận định, cuộc họp vừa qua giữa Mỹ và Trung Quốc kết thúc với những tín hiệu tạm lạc quan, nhưng rất ít chi tiết cụ thể được đưa ra. Trong tuyên bố chung của cuộc đàm phán, Trung Quốc cam kết sẽ “gia tăng đáng kể” số lượng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ. Đây là cam kết có thể xoa dịu một trong những vấn đề hữu hình mà Washington yêu cầu.  Cuối tuần qua, Bắc Kinh và Washington cho biết hai bên đang thảo luận về những biện pháp mà Trung Quốc sẽ nhập khẩu nhiều hơn các sản phẩm nông nghiệp và năng lượng từ Mỹ, nhằm thu hẹp lại khoản thâm hụt thương mại khổng lồ lên tới 335 tỷ USD mỗi năm khi giao thương với Trung Quốc. Theo giới phân tích, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn không thuyết phục được Trung Quốc đưa ra con số cụ thể để giảm thặng dư thương mại song phương. Ông Lưu Hạc nói, hiện Trung Quốc chưa đưa ra con số cụ thể sẽ tăng cường mua thêm bao nhiêu giá trị hàng Mỹ. Báo Washington Post dẫn lời ông Lawrence Kudlow, người đứng đầu Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ, nhận xét, một mức giảm thâm hụt xuống còn 200 tỷ USD tính tới năm 2020 là “một con số ổn”.

Giới phân tích thương mại cho rằng, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ không đồng ý đưa ra mục tiêu cụ thể để giảm thâm hụt giữa hai nước. Theo đó, tuyên bố chung giữa hai nước còn khá mơ hồ khi không đề cập việc Trung Quốc sẽ mua bao nhiêu hay các thương vụ này sẽ diễn ra như thế nào và cũng không cho biết liệu Mỹ có rút lại kế hoạch áp đặt thuế lên số hàng hóa trị giá hàng tỷ USD hoặc dỡ bỏ thuế áp lên mặt hàng thép, nhôm của Trung Quốc hay không.

Tờ Politico chỉ ra, tuyên bố chung cũng không đề cập việc liệu Bộ Thương mại có nới lỏng biện pháp trừng phạt đối với gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc ZTE, tập đoàn bị cáo buộc vận chuyển trái phép hàng hóa đến Iran và Triều Tiên, hay không. Hôm 13-5, Tổng thống Trump cho biết muốn Bộ Thương mại rút lại lệnh trừng phạt lên ZTE sau khi có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vấn đề này. Động thái của ông chủ Nhà Trắng dẫn đến những phản ứng gay gắt trong nội bộ chính quyền Mỹ khi cho rằng sự nhượng bộ đối với ZTE là vi phạm pháp luật và nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia.

AN BÌNH