Báo Công An Đà Nẵng

Myanmar bầu cử lịch sử

Thứ hai, 09/11/2015 08:01

(Cadn.com.vn) - Cuộc bầu cử đầu tiên trong 25 năm qua ở Myanmar đã diễn ra suôn sẻ và thành công, đánh dấu sải chân lớn nhất trong cuộc hành trình dài đến dân chủ của quốc gia Đông Nam Á này.

Bắt đầu từ 6 giờ ngày 8-11, hơn 30 triệu cử tri Myanmar đến các điểm bỏ phiếu trên toàn quốc để lựa chọn hơn 1.000 nghị sĩ Quốc hội trong tổng số 6.038 ứng cử viên, đánh dấu cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên tại quốc gia Đông Nam Á này trong 25 năm qua.

Các phương tiện truyền thông mô tả một không khí vui mừng và nhộn nhịp trên đường phố. Cử tri tỏ ra phấn khích và hồ hởi trong từng bước chân đến các điểm bỏ phiếu. “Tôi bầu cho sự thay đổi, sự xuất hiện của nền dân chủ”, cựu giáo viên 55 tuổi Daw Myint nói với Reuters sau khi bỏ phiếu tại Yangon. An ninh được thắt chặt tuyệt đối. Hơn 3.000 cảnh sát được đặt trong tình trạng báo động, với sự hỗ trợ của 5.400 người trong tổng số 40.000 cảnh sát đặc nhiệm, làm nhiệm vụ tăng cường an ninh cho cuộc bầu cử. Hiện chính phủ nước này đặt mức cảnh báo an ninh cao đối với khu vực Yangon và nhiều khu vực, có hiệu lực đến ngày 14-11. Không có báo cáo về xung đột, bạo lực trong ngày bầu cử lịch sử này.

Kết quả bầu cử chính thức dự kiến sẽ được công bố 2 tuần sau ngày bỏ phiếu.

Tổng thống Thein Sein (thứ hai từ phải sang) bỏ phiếu bầu cử tại thủ đô Naypyidaw. Ảnh: AP

Cuộc đua song mã

Lần đầu tiên kể từ khi Myanmar cải cách mở cửa với việc chính quyền dân sự lên thay thế chính quyền quân sự vào năm 2011, người dân nước này đi bỏ phiếu.

Theo công bố của Ủy ban Bầu cử Myanmar (MUEC), trong số 6.038 ứng cử viên ra tranh cử, có 5.866 ứng cử viên do 91 chính đảng chỉ định và 323 ứng viên độc lập. Dù thực tế có tổng cộng 91 chính đảng ra tranh cử, nhưng thật sự đây là cuộc đua song mã giữa đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi và đảng cầm quyền Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP). USDP cầm quyền được dự báo sẽ giành chiến thắng. Nhiều cử tri được cho vẫn muốn USDP nắm quyền vì đảng này gắn liền với chế độ cải cách mà chính quyền Tổng thống Thein Sein đã đặt ra từ năm 2011.

Nhiều người ủng hộ NLD bày tỏ lo ngại quân đội sẽ không công nhận kết quả nếu đảng này giành chiến thắng. Tuy nhiên, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, tướng Min Aung Hlaing khẳng định với các phóng viên: “Nếu mọi người chọn họ (NLD), không có lý do gì chúng tôi không chấp nhận”.

Thử nghiệm dân chủ

Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu khoảng hơn 80%, đánh dấu cột mốc mới trong tiến trình cải cách dân chủ ở Myanmar. Cuộc bầu cử lịch sử lần này cũng chính là thử nghiệm quan trọng dành cho Tổng thống Thein Sein và quân đội, tạo cho họ cơ hội chứng minh những cam kết và ý chí chính trị giúp đưa đất nước tiến lên phía trước.

Tuyên thệ nhậm chức vào tháng 3-2011, Tổng thống Thein Sein thực hiện một số bước thay đổi đáng kể: mở cửa cho cộng đồng quốc tế, trong đó nỗ lực bình thường hóa quan hệ ngoại giao với phương Tây và mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài đến làm ăn tại nước này. Ở trong nước cũng diễn ra một số cải cách đáng chú ý như thả tự do cho các tù nhân chính trị, “cởi trói” cho các phương tiện truyền thông và thành lập các tổ chức dân sự xã hội, đoàn thể...

Trong khi đó, tiến trình hòa bình - chính thức ra mắt vào ngày 18-8-2011 với gần 3 năm đàm phán và hơn 9 lần đàm phán chính thức giữa Ủy ban kiến tạo hòa bình liên bang (UPWC) và Nhóm điều phối ngừng bắn quốc gia (NCCT), cũng đã đơm hoa kết trái. 8 trong số 15 nhóm vũ trang sắc tộc đã ký Thỏa thuận ngừng bắn trên toàn quốc (NCA) vào hôm 15-10 vừa qua trước sự chứng kiến của các quan sát viên trong nước và quốc tế. Các bên sau đó cũng nhất trí với chính phủ về một số bước đi trong giai đoạn hậu ngừng bắn.

Dù kết quả thế nào, cuộc bầu cử lần này có thể coi là dấu mốc quan trọng của diễn biến chính trị ở Myanmar trong thời gian tới bởi tiếp sau cuộc bầu cử sẽ là cuộc đấu tranh nghị trường, có thể là rất gay gắt, giữa các đảng có thành viên tham gia Quốc hội.

Khả Anh