Báo Công An Đà Nẵng

Myanmar đối phó làn sóng biểu tình

Thứ sáu, 19/02/2021 15:51

Quân đội Myanmar đã ban hành lệnh bắt giữ 6 người nổi tiếng vì ủng hộ và thúc đẩy các cuộc biểu tình khiến nhiều văn phòng hành chính bị tê liệt, trong bối cảnh tổng số người bị bắt kể từ khi quân đội lên nắm quyền đã lên tới gần 500 người.

Đám đông biểu tình lớn nhất trước giờ ở thành phố lớn nhất, Yangon. Ảnh: Reuters

Theo The Guardian, các nhà chức trách Myanmar đã cố gắng ngăn chặn làn sóng biểu tình rầm rộ bằng cách áp đặt lệnh cấm tụ tập, và đã bắt gần 500 người trong những tuần gần đây. Lệnh bắt giữ cũng được ban hành với 6 người nổi tiếng tại địa phương, những người đã khuyến khích các công chức tham gia cuộc biểu tình. Họ có thể phải đối mặt với bản án 2 năm tù. Quân đội cũng đã kêu gọi các công chức trở lại làm việc và đe dọa có hành động đối với những người không làm như vậy.

Mặc dù người phát ngôn Hội đồng Hành chính Nhà nước mới, Thiếu tướng Zaw Min Tun một ngày trước đó cho biết quân đội sẽ không nắm quyền lâu và mục tiêu là tổ chức bầu cử để chuyển giao quyền lực cho bên chiến thắng, nhưng dường như vẫn chưa đủ để xoa dịu làn sóng biểu tình. Theo Reuters, hàng nghìn người dân Myanmar tiếp tục đổ xuống đường biểu tình trong ngày 18-2 tại một ngã tư đông đúc gần trường đại học chính ở Yangon - thành phố lớn nhất quốc gia này. Những người biểu tình, trong đó số đông là sinh viên, đã tập trung tại một số khu vực khác của thành phố để phản đối việc quân đội lên nắm quyền sau động thái bắt giữ bà Aung San Suu Kyi và nhiều quan chức cấp cao khác.

Người biểu tình đã xuống đường hầu như mỗi ngày trong suốt 2 tuần qua, và đây là một số cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi quân đội lên nắm quyền. Các cuộc biểu tình gần như làm tê liệt giao thông ở trung tâm Yangon. Một chiến dịch trên phương tiện truyền thông xã hội kêu gọi người biểu tình cố ý chặn các tuyến đường ở thành phố chính của đất nước đã bắt đầu tạo được sức hút vào đầu ngày 17-2. Mục đích của việc này hiển nhiên là để ngăn cản công chức đi làm và gây trở ngại việc di chuyển của lực lượng an ninh.

Trong ngày được gọi là “Ngày chặn đường”, nhiều người đã đăng tải hình ảnh ô-tô mở nắp ca-pô và cốp đậu trên các tuyến đường trọng điểm, khiến xe cộ không thể lưu thông được. Cuộc biểu tình này là diễn biến mới nhất trong một phong trào bất tuân dân sự ngày càng leo thang, vốn đã gồm những cuộc đình công của các bác sĩ và giáo viên, cùng với việc tẩy chay các sản phẩm và dịch vụ do quân đội sở hữu. Mục đích là làm tê liệt chức năng của chính phủ và làm suy yếu tính chính danh của chế độ mới.

Theo Reuters, các cuộc biểu tình trên đường phố diễn ra trong trạng thái ôn hòa hơn, nhưng số lượng người tham gia phong trào bất tuân dân sự vẫn tiếp tục tăng, làm tê liệt nhiều hoạt động kinh doanh trên cả nước. Tại thành phố Mandalay, những người biểu tình đã tập hợp lại, yêu cầu quân đội thả các quan chức đã bị bắt. Trong ngày 18-2, theo The Guardian, một nhóm có tên là “Tin tặc Myanmar” đã làm gián đoạn việc truy cập các trang mạng bao gồm Ngân hàng Trung ương, trang True News Team của quân đội và đài truyền hình nhà nước MRTV. Đây được xem là một phần của phong trào bất tuân dân sự nhằm ngăn chặn chính quyền quân sự hoạt động. Nhóm hack cho biết trên trang Facebook của mình rằng đang “đấu tranh cho công lý ở Myanmar”.

Quân đội Myanmar đã giành quyền kiểm soát chính quyền vào ngày 1-2, sau cuộc tổng tuyển cử mà đảng NLD của bà Suu Kyi giành chiến thắng. Quân đội Myanmar tuyên bố rằng NLD đã thắng cuộc bầu cử vì gian lận và yêu cầu tổ chức lại cuộc bỏ phiếu - mặc dù ủy ban bầu cử nói rằng không có bằng chứng hỗ trợ những tuyên bố này. Quyền lực hiện đã được giao cho tổng tư lệnh Min Aung Hlaing và bà Suu Kyi bị quản thúc tại gia. Trước đó, bà đã bị buộc tội sở hữu bộ đàm bất hợp pháp, và hiện bị buộc tội vi phạm Luật Thiên tai. Phiên nghe xử tiếp theo của tòa với bà dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 1-3 tới.

KHẢ ANH