Báo Công An Đà Nẵng

Myanmar sẵn sàng hỗ trợ người Rohingya muốn trở về

Thứ tư, 20/09/2017 13:51

Ngày 19-9, Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi - lãnh đạo trên thực tế của nước này - kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ trong nỗ lực đoàn kết các tôn giáo và sắc tộc, đồng thời cam kết cho phép hồi hương một bộ phận người Hồi giáo Rohingya - những người phải trốn chạy bạo lực hồi tháng trước sang Bangladesh.

Trại tị nạn cho người Rohingya ở Bangladesh. Ảnh: EPA

“Không sợ sự giám sát quốc tế”

Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp, bà Suu Kyi tuyên bố Naypyidaw “không sợ sự giám sát quốc tế” về việc chính phủ của bà đang xử lý cuộc khủng hoảng.

Trả lời câu hỏi về tình hình ở bang Rakhine kể từ khi LHQ ghi nhận hành động của quân đội Myanmar là “ví dụ về thanh lọc sắc tộc”, bà Suu Kyi nói rằng, chính phủ của bà cần tìm ra “những vấn đề thực sự là gì”. “Tôi biết thế giới đang tập trung vào tình hình ở bang Rakhine. Là một thành viên có trách nhiệm, Myanmar không sợ sự giám sát quốc tế. Chúng tôi cũng quan tâm, muốn tìm ra vấn đề thực sự là gì. Có những cáo buộc và bác bỏ cáo buộc. Chúng tôi phải lắng nghe tất cả cũng như đảm bảo những cáo buộc này dựa trên bằng chứng xác thực trước khi chúng tôi hành động”.

Bà Suu Kyi cho rằng, bạo lực gần đây chỉ là một trong những phức tạp mà nền dân chủ mới mẻ của Myanmar đang đối mặt, giống với một người bệnh cần điều trị nhiều bệnh. “Chúng tôi là một quốc gia trẻ và mong manh phải đối mặt với nhiều vấn đề, nhưng chúng tôi phải đối phó với tất cả mọi thứ. Chúng tôi không thể tập trung vào một số ít”, bà nói.

Kêu gọi đoàn kết

Trong bài phát biểu, bà Suu Kyi nêu rõ không muốn Myanmar là một quốc gia bị chia rẽ bởi các tín ngưỡng tôn giáo và sắc tộc. Bà kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ nước này trong nỗ lực đoàn kết các tôn giáo và sắc tộc, đồng thời tuyên bố sẵn sàng xác minh quy chế của 410.000 người Hồi giáo Rohingya nhằm hỗ trợ hồi hương cho những trường hợp đủ tư cách tái định cư.

Bà Suu Kyi trước đó phải đối mặt với làn sóng chỉ trích nặng nề vì không phản ứng trước cuộc khủng hoảng di dân. Đây là những bình luận đầu tiên của bà về cuộc khủng hoảng người di cư Rohingya ở Myanmar kể từ khi vụ việc bùng nổ hồi cuối tháng 8-2016. Đã có hơn 400.000 người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar chạy sang Bangladesh lánh nạn sau khi quân đội Myanmar phát động các chiến dịch truy quét các phần tử tấn công các trạm kiểm soát biên giới. Giới chức Myanmar cáo buộc các tay súng tấn công đó là thành viên lực lượng Tổ chức Thống nhất người Rohingya, một nhóm vũ trang sắc tộc nhỏ Rohingya hoạt động từ những năm 1980-1990 của thế kỷ trước.

Hôm 13-9, HĐBA LHQ đã bày tỏ quan ngại trước tình trạng lạm dụng vũ lực tại Myanmar sau khi chính quyền nước này triển khai chiến dịch an ninh tại bang Rakhine, đồng thời kêu gọi “lập tức có những biện pháp” để chấm dứt bạo lực. Trong bài phát biểu, bà Suu Kyi còn lên án mọi hành vi vi phạm nhân quyền cũng như cam kết sẽ bắt những người chịu trách nhiệm phải ra tòa.

AN BÌNH