Myanmar đã thực hiện các vụ bắt giữ ma túy tổng hợp lớn nhất Đông Nam Á trong các cuộc đột kích cho thấy quy mô sản xuất ma túy "chưa từng có tiền lệ" trong khu vực này - Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) cho biết hôm 18.5.
Trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 4, các nhà chức trách đã đột kích vào các ổ sản xuất ở khu vực Kutkai bất hợp pháp của bang Shan, thu giữ gần 200 triệu viên ma túy đá, 500kg tinh thể, 300kg heroin và 3.750 lít methyl fentanyl.
Phương tiện sản xuất ma túy bị tịch thu. Ảnh: Cảnh sát Myanmar/UNODC
UNODC mô tả vụ triệt phá là một trong những hoạt động chống ma túy lớn nhất và thành công nhất trong lịch sử của khu vực."Những gì triệt phá được trong vụ án này thực sự nằm ngoài tưởng tượng" - AFP dẫn lời ông Jeremy Douglas, đại diện của UNODC Đông Nam Á và Thái Bình Dương cho biết trong một tuyên bố. "Mạng lưới sản xuất chỉ có thể hoạt động với sự hỗ trợ của các nhóm tội phạm xuyên quốc gia" - ông nói thêm.
Các cuộc đột kích đã khai quật được những điều chưa từng thấy của methyl fentanyl - cho thấy dấu hiệu của một xu hướng mới về sản xuất ma túy tổng hợp đang nổi lên trên quy mô mà không ai lường trước được - Douglas nói.
Mạnh gấp 50 lần so với heroin và mạnh gấp 100 lần so với morphin, fentanyl có thể gây chết người chỉ với 2 miligam - tương đương một vài hạt cát. Tiền chất ma túy dùng để sản xuất ma túy này dẫn đến một cuộc khủng hoảng ở Mỹ khiến 32.000 người chết vào năm 2018.
Vũ khí, đạn dược và túi đựng methamphetamine tinh thể bị cảnh sát Myanmar thu giữ. Ảnh: Cảnh sát Myanmar/UNODC
Myanmar đang chịu áp lực ngăn chặn ma túy từ các khu vực biên giới. Bang Shan là một phần của Tam giác Vàng - khu vực hiểm trở nằm giữa biên giới 3 nước Myanmar, Lào, Thái Lan - nổi tiếng là nơi sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới.Myanmar là nhà sản xuất heroin lớn thứ 2 thế giới sau Afghanistan, và hiện được cho là nguồn ma túy đá lớn nhất toàn cầu, nhờ nguồn cung các chất tiền ma túy từ Trung Quốc.
Ma túy dưới dạng tinh thể dễ gây nghiện hơn, được nhập lậu đến Tokyo, Seoul hoặc Sydney, nơi nó được bán với giá khoảng 150.000 USD/1kg.
Các loại ma túy "made in Myanmar" được buôn lậu từ phía nam qua Thái Lan, từ phía bắc vào Trung Quốc và phía tây tới Bangladesh - áp đảo các nỗ lực kiểm soát chính sách khu vực và gieo rắc khủng hoảng nghiện ngập, tham nhũng và rửa tiền.
33 người đã bị bắt trong vụ triệt phá, chính quyền Myanmar cam kết sẽ đưa các nhóm tội phạm, buôn người và đồng phạm ra trước công lý.
Theo laodong