Báo Công An Đà Nẵng

Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Vương Đình Huệ:

Năm 2015 sẽ có nhiều dấu ấn đặc biệt

Thứ bảy, 03/01/2015 09:52

(Cadn.com.vn) - Ngày 2-1, Cổng TTĐT Chính phủ (VGP), TTXVN đăng các bài trả lời phỏng vấn đáng chú ý của GS-TS Vương Đình Huệ, Ủy viên T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư. Trong đó, ông Vương Đình Huệ đưa ra nhiều nhận định khả quan đối với nền kinh tế năm nay. Báo Công an TP Đà Nẵng lược trích một số nội dung của các bài trả lời phỏng vấn nói trên.

GS-TS Vương Đình Huệ

* Trả lời câu hỏi về những vấn  đề trọng tâm Ban Kinh tế Trung ương sẽ tập trung vào nghiên cứu trong năm 2015, GS-TS Vương Đình Huệ cho biết:

Thứ nhất, đối với doanh nghiệp, năm 2015, Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục đặt trọng tâm nghiên cứu, tham mưu, đề xuất  các vấn đề về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế; vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, Ban Kinh tế T.Ư tiếp tục tập trung vào các vấn đề phân công, phân cấp, phân quyền từ trung ương, địa phương, các nguyên tắc căn bản định hướng hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu phát triển KT-XH trung ương và địa phương, các nguyên tắc và giải pháp phát triển kinh tế vùng, tăng cường liên kết vùng.

Thứ ba, Ban Kinh tế T.Ư có kế hoạch nghiên cứu những định hướng chính sách chiến lược cho vấn đề thu hút, quản lý, sử dụng vốn ODA căn cơ và bài bản. Thứ tư, về công nghiệp, Ban Kinh tế T.Ư đang đặt trọng tâm nghiên cứu về chính sách công nghiệp quốc gia và thương hiệu công nghiệp quốc gia. Một nội dung quan trọng khác cũng được Ban Kinh tế Trung ương tập trung nghiên cứu trong năm 2015 là chiến lược phát triển kinh tế các tỉnh biên giới của nước ta.

VGP: Ông đánh giá như thế nào về bức tranh kinh tế năm 2014 và triển vọng, cũng như những vấn đề đặt ra trong năm 2015 của Việt Nam?

GS-TS Vương Đình Huệ: Nếu nhìn về 1 năm trước, thì tình hình kinh tế Việt Nam ở thời điểm này sáng lên rất nhiều. Điều đó thể hiện ở chỗ kinh tế vĩ mô ổn định hơn, lạm phát thấp, tăng trưởng dự kiến đạt trên 5,8%. Tôi cũng không đồng tình với quan điểm lạm phát thấp do tổng cầu suy yếu. Vì thực tế tiêu dùng vẫn tăng đều. Thị trường bây giờ rất thuận tiện, nên tập quán và tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam cũng có những thay đổi.

Về thị trường tài chính tiền tệ có ổn định hơn trước, lãi suất huy động và cho vay đều giảm, tỷ giá biến động hợp lý. Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Tái cơ cấu đầu tư công chúng ta đang triển khai đúng hướng, giảm dần được phân tán, dàn trải, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư tăng lên. Các hãng đánh giá xếp hạng tín nhiệm như Moody’s, Fitch Ratings cũng đã đánh giá cao độ tín nhiệm của Việt Nam.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục, đó là một số cân đối vĩ mô còn khó khăn, tốc độ tăng trưởng chưa cân xứng với tiềm năng. Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, còn cần phải lưu ý đến các vấn đề khác như rủi ro nợ công, nợ xấu. Việc tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, dù có tiến bộ nhưng còn chậm, không được như mong muốn.

Điều đáng mừng là năm 2015 sẽ có nhiều luật liên quan đến kinh doanh, đến môi trường đầu tư được ban hành và có hiệu lực như Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và một loạt các luật khác như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở... Những luật này liên quan tới thể chế kinh tế thị trường có cách tiếp cận theo hướng tích cực, hiện đại. Cùng với việc Chính phủ đã ban hành kịp thời các nghị quyết và chỉ đạo quyết liệt, cụ thể như các lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng, đất đai... sẽ tạo ra sức bật mới cho nền kinh tế.

Việt Nam đang hướng tới việc đạt được những kết quả đàm phán các hiệp định thương mại tự do mang tới nhiều kỳ vọng trong năm 2015 như: Hiệp định thương mại tự do với các khối, nền kinh tế lớn trên thế giới như Hiệp định TPP, Hiệp định FTA với EU, Hàn Quốc, Liên minh Hải quan... Năm 2015, Việt Nam cũng sẽ chính thức tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Tôi cho rằng, chính các sự kiện về hội nhập quốc tế như vậy tạo ra động lực quan trọng đối với tăng trưởng thương mại và đầu tư, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

VGP: Ông đánh giá thế nào về việc triển khai cải thiện môi trường kinh doanh ở một số bộ, ngành, địa phương? Làm sao để có thay đổi lớn trong năm 2015?

GS.TS Vương Đình Huệ: Tôi cho rằng, với việc một loạt luật mới có hiệu lực trong năm 2015, thể chế kinh tế đã có bước cải thiện đáng kể. Cộng thêm quyết tâm cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, tôi có niềm tin môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2015 sẽ được cải thiện nhiều. Tuy nhiên, để cải cách thành công phụ thuộc rất nhiều vào khâu thực thi, mà tôi cho rằng, nhiều nơi cơ chế thực thi còn kém.

Tại diễn đàn các đối tác phát triển năm 2014 mới đây, các đối tác phát triển cũng nhấn mạnh một điểm Việt Nam còn yếu, đó chính là việc thực thi chính sách. Chính sách thì đúng, luật pháp thì đúng, nhưng thực thi không đồng bộ, thiếu quyết liệt theo những đề án, kế hoạch cụ thể. Đây là điểm cần được khắc phục triệt để trong thời gian tới.

Thời gian vừa rồi có thể thấy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung hết sức quyết liệt cho việc cải cách thủ tục hành chính. Thủ tướng Chính phủ còn trực tiếp làm việc với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Bộ Xây dựng... Quan trọng nhất bây giờ là khâu thực thi. Điều này cũng phụ thuộc nhiều vào từng ngành cụ thể, tư lệnh ngành, rồi cán bộ, công chức của ngành đó trực tiếp làm. Tôi nghĩ, điểm có thể tạo ra được cái mới ngay là tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, phải tạo ra được động lực và áp lực trách nhiệm cho từng người, từng cơ quan cụ thể để có thể nắm bắt được những cơ hội lớn cho năm 2015.

Sản phẩm Dệt may sẽ đóng góp đáng kể thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam năm 2015.

TTXVN: Năm 2015 được đánh giá là một năm “đặc biệt” với các hiệp định thương mại tự do dự kiến sẽ đạt kết quả đàm phán và cũng là năm cuối của nhiệm kỳ 5 năm. Bên cạnh những mặt mạnh, những yếu tố cơ hội thì Việt Nam cần phải giải quyết những thách thức gì?

GS.TS Vương Đình Huệ: Đúng! Năm 2015 là năm cuối cùng nhiệm kỳ và địa phương, bộ ngành thường gọi đây năm “chạy nước rút” để chuẩn bị cho nhiệm kỳ sau. Chúng tôi thấy không khí tinh thần các tỉnh, thành phố đang tập trung cao độ nỗ lực để đạt mức hoàn thành chỉ tiêu cao nhất của kế hoạch 5 năm. Mà người Việt mình chạy nước rút cũng đáng nể đấy.

Bên cạnh đó, năm 2015 là rất lạ, năm sẽ kết thúc đàm phán và triển khai nhiều hiệp định tự do thương mại (Việt Nam-Hàn Quốc, Việt Nam- Liên minh Châu Âu, Việt Nam với Liên minh thuế quan Nga- Belarus-Kazakhstan, Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương-TPP, Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015-AEC).

Tuy nhiên bên cạnh những cơ hội thì thách thức đối mặt cũng không nhỏ. Do đó để tận dụng tối đa những cơ hội cũng như kiểm soát được những tác động ảnh hưởng, việc cần phải làm ngay là thực hiện tích hợp các cam kết trong những hiệp định này. Khi lồng ghép với nhau, những chỉ đạo sẽ thống nhất và sát sao hơn. Bên cạnh đó, đơn vị chức năng cũng phải “bổ dọc” các cam kết theo từng lĩnh vực một, để cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý có thể xây dựng, hoạch định và triển khai các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể.

Nền kinh tế sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao và bền vững

TS Nguyễn Đình Cung

Trong bài viết đăng trên Cổng TTĐT Chính phủ ngày 2-1, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư, gọi 2014 là “năm của cải cách thể chế với hàng loạt thay đổi tạo nên sự khác biệt về chất của thể chế kinh tế, và dự kiến mang lại những tác động to lớn, tích cực đối với môi trường kinh doanh mà cộng đồng doanh nghiệp đã mong đợi từ lâu”.

Những đổi mới TS Nguyễn Đình Cung đề cập gồm việc ban hành Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi) trong đó đã “mở rộng tối đa quyền tự do kinh doanh”; những thay đổi trong hàng loạt các điều, khoản có liên quan của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cải thiện vượt bậc mức độ bảo vệ quyền và lợi ích của các nhà đầu tư tại Việt Nam; việc triển khai Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18-3-2014 của Chính phủ về một số giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; việc ban hành 6 luật thuế: Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế tài nguyên, Luật Quản lý thuế với tư tưởng chủ đạo của các sửa đổi nói trên là khoan sức dân, giảm gánh nặng thuế và tạo thêm thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp...

Từ những đổi mới diễn ra trong năm 2014, TS Nguyễn Đình Cung tin tưởng: “Tất cả các yếu tố như đã nói trên chắc chắn sẽ thổi một luồng sinh khí mới, giúp Việt Nam cải thiện thêm vài chục bậc xếp hạng về môi trường kinh doanh. Điều đó kết hợp với ổn định kinh tế vĩ mô ngày càng được củng cố chắc chắn sẽ giúp phục hồi và tăng thêm sinh lực cho người đầu tư và doanh nghiệp; mang đến các cơ hội, lòng tin và động lực mới để mở rộng và phát triển kinh doanh, đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao và bền vững như trước đây”.

TTXVN: “76% doanh nghiệp Việt Nam không biết gì về Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), 94% doanh nghiệp không hiểu rõ về nội dung đàm phán trong AEC, 63% doanh nghiệp không hiểu về những cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia AEC,” ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

GS.TS Vương Đình Huệ: Nếu những số liệu thống kê đó là đúng thì rất đáng lo ngại. Trong khi nước ngoài, họ lại rất quan tâm. Mới đây, các giáo sư và lãnh đạo Viện Nghiên cứu chính sách của Nhật Bản khi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương chủ đề mà họ quan tâm nhất là Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015.

Việt Nam nằm trong 4 nước thuộc nhóm hai, có lộ trình cắt giảm thuế quan đến năm 2018. Song về cơ bản đến năm 2015, Việt Nam đã phải thực hiện cam kết với 93% dòng thuế phải về 0% và chỉ còn 7% dòng thuế (trong đó có một số mặt hàng rất là quan trọng như ô-tô, điện tử...) sẽ về 0% thuế suất ở năm 2018. Một khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN hình thành, sẽ tạo ra thành thị trường thống nhất, cỡ khoảng 650 triệu dân, GDP dự kiến sẽ khoảng gần 2.000 tỷ USD (quy mô đứng thứ 7 thế giới).  Nó cũng tạo ra thị trường xe hơi thứ tư thế giới. Đấy là điều mà các nước, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm.

Nếu Việt Nam xây dựng được năng lực cạnh tranh tốt, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi rất nhiều với việc mở rộng thị trường, đưa hàng hóa tiến vào các nước ASEAN. Ngược lại nếu việc chuẩn bị hội nhập không tốt thì rủi ro sẽ tới, Việt Nam trở thành vùng trũng tiêu thụ hàng hóa của các nước trong khu vực. Do đó, không còn cách nào khác Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tất cả các sự kiện về hội nhập quốc tế sẽ tạo ra động lực quan trọng đối với tăng trưởng thương mại và đầu tư, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

P.V (tổng hợp)