Năm 2017, bội chi ngân sách nhà nước là 136.963 tỷ đồng
Chiều 11-6, Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017 với 91,53% đại biểu tán thành. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.683.045 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.681.414 tỷ đồng. Bội chi ngân sách nhà nước là 136.963 tỷ đồng, bằng 2,74% GDP, không bao gồm kết dư ngân sách địa phương. Nguồn bù đắp bội chi ngân sách trung ương gồm: vay trong nước 70.125 tỷ đồng, vay ngoài nước 66.838 tỷ đồng. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là 283.981 tỷ đồng.
Chiều cùng ngày, với 92,56% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Theo Nghị quyết, các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng được bổ sung vào chương trình năm 2019. 3 dự án luật này sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường được đưa ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, tại Kỳ họp thứ 9, sẽ trình Quốc hội thông qua 9 dự án luật, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp...
Tại Kỳ họp thứ 10, sẽ trình Quốc hội thông qua 7 dự án luật, trong đó có Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
* Cũng trong chiều 11-6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Thư viện. Đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật Thư viện, tạo khung pháp lý mới để phát triển sự nghiệp thư viện, phát triển văn hóa đọc, phục vụ việc học tập suốt đời của người dân, khắc phục bất cập trong thực tiễn hoạt động thư viện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
QUỲNH NHƯ