Báo Công An Đà Nẵng

Năm 2020, chủ nghĩa chống Mỹ lại trỗi dậy ở Hàn Quốc?

Thứ bảy, 04/01/2020 13:55

Các yếu tố cho thấy chủ nghĩa chống Mỹ - hầu như đã không còn hoạt động ở Hàn Quốc kể từ năm 2008 - có thể trở lại vào năm tới. Năm 2020, liệu chủ nghĩa chống Mỹ có thể một lần nữa làm rúng động quan hệ Hàn- Mỹ?

Người biểu tình Hàn Quốc kêu gọi chấm dứt thỏa thuận chia sẻ chi phí cho lực lượng Mỹ được triển khai tại Hàn Quốc.   Ảnh: Asia Times

Điều đó đã từng xảy ra trước đây - vào năm 2002 và 2008. Hiện giờ, với việc Washington yêu cầu Seoul tăng khoản đóng góp cho quân đội Mỹ ở Hàn Quốc cũng như việc quan hệ với Triều Tiên – cầu nối duy nhất của Tổng thống Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump - trên bờ vực sụp đổ, liên minh này phải đối mặt với nhiều căng thẳng.

“Mỹ hãy rút quân!”

Hôm 10-12-2019, những người biểu tình tập trung bên ngoài Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc, nơi các cuộc đàm phán về Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA) về chi phí cho Các lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK) đang được tiến hành. Những người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát chống bạo động khi họ cố gắng tiến vào bên trong. “Hãy ngừng ngay các cuộc đàm phán!”, người biểu tình hét lớn. Những người khác giơ cao bảng hiệu “Quân đội Mỹ hãy rút khỏi!” và “Không trả tiền. Hãy cho thuê tính phí”.

“Tôi đến đây để nói lên mong muốn của người Hàn Quốc, những người chống lại áp lực của Mỹ về việc chia sẻ chi phí nhiều hơn”, An Ji-jung, 52 tuổi, một nhà tổ chức dân sự ủng hộ đảng Đoàn kết Tiến bộ cho biết. “Người Mỹ phải trả nhiều tiền hơn. Họ đang sử dụng đất của chúng tôi cho binh lính của họ!”, ông lý giải. Đó cũng là tiếng nói của đa số người dân Hàn Quốc. Một số người biểu tình còn có yêu cầu cao hơn nữa. “Tôi nghĩ, lực lượng Mỹ nên rút quân hoàn toàn”, Cheon Jin-hee, một người biểu tình, cho biết. Thanh niên này cho rằng, USFK là biểu tượng của Chiến tranh Lạnh. “Tôi nghĩ rằng đã đến lúc liên minh sẽ kết thúc. Nó bắt đầu bằng sự phân chia bán đảo Triều Tiên. Nó nên kết thúc để đưa hai miền Triều Tiên xích lại gần nhau hơn”, Ah Ah-reum, một người biểu tình khác cho biết.

Từ quá khứ đến hiện tại

Mỹ là đồng minh quan trọng và cũng là đối tác thương mại số hai của Hàn Quốc. Đây còn là quê hương của một cộng đồng người Mỹ gốc Hàn lên đến 1,8 triệu người. Văn hóa Mỹ có mặt khắp nơi ở Hàn Quốc.

Tuy nhiên, chủ nghĩa chống Mỹ đã tồn tại từ năm 1980. Năm đó, chính quyền độc tài Seoul đã triển khai lính nhảy dù để đè bẹp các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở thành phố Gwangju. Một vụ thảm sát xảy ra sau đó. Nhiều người Hàn Quốc cho rằng Washington đã bật đèn xanh cho hoạt động này. Sau đó, các viện văn hóa Mỹ ở nước này đã bị tẩy chay và các vận động viên Mỹ đã bị la ó trong Thế vận hội năm 1988. Vào những năm 1990, người Hàn Quốc càng thêm tức giận vì áp lực mở cửa thị trường của Mỹ, và sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997, công chúng  truyền thông đã chỉ trích việc các doanh nghiệp Mỹ mua lại tài sản địa phương, đặc biệt là quỹ đầu tư tư nhân Lone Star.

Nhưng USFK vẫn là trọng tâm. Năm 2002, chủ nghĩa chống Mỹ bùng nổ sau khi hai nữ sinh bị quân đội Mỹ giết chết trong một vụ tai nạn đường bộ. Hàng trăm ngàn người phản đối tình trạng pháp lý của binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc - những người không phải chịu trách nhiệm trước luật pháp Hàn Quốc. Các dấu hiệu chống Mỹ ngày càng gia tăng, chẳng hạn như cấm người Mỹ vào nhà hàng và Phòng Thương mại Mỹ tại Seoul bị lục soát. Một số binh sĩ Mỹ đang làm nhiệm vụ đã bị các sinh viên cấp tiến bắt cóc, và một sĩ quan Mỹ đã bị đâm chết tại khu phố người nước ngoài Itaewon ở Seoul.

Năm 2008, sau khi truyền thông địa phương cáo buộc Washington đang bán thịt bò bị nhiễm BSE cho Hàn Quốc, các cuộc biểu tình lớn lại làm rung chuyển Seoul. Khi các cáo buộc được chứng minh là sai, chủ nghĩa chống Mỹ đã lắng xuống. Quân đội Mỹ sau đó đã rời bỏ hầu hết căn cứ rộng lớn ở trung tâm Seoul, và bắt đầu quá trình chuyển quyền kiểm soát hoạt động thời chiến của quân đội Hàn Quốc sang các chỉ huy người Hàn. Tuy nhiên, sự cố vẫn xảy ra sau đó liên quan nhiều vấn đề, trong đó có việc Mỹ đưa THAAD, một loại tên lửa chống đạn đạo của Mỹ, đến lắp đặt tại hàn Quốc…

2020: Một cơn bão hoàn hảo?

Với cuộc bầu cử Quốc hội Hàn Quốc dự kiến diễn ra vào tháng 4 và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, căng thẳng chính trị sẽ tăng lên ở cả hai nước trong năm tới. Kết quả của các cuộc đàm phán chia sẻ chi phí quân sự đang diễn ra sẽ đòi hỏi phải có sự phê chuẩn của Quốc hội, nghĩa là nó có thể trở thành một vấn đề chính trong bầu cử.

Washington đã tức giận khi Seoul tham gia vào một cuộc cãi vã với Tokyo, tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật hồi năm ngoái. Có khả năng trước áp lực của Mỹ, Hàn Quốc đã thay đổi quan điểm về vấn đề này vào phút cuối. Trong khi đó, nhiều người Hàn Quốc thất vọng vì không thể tương tác kinh tế với Triều Tiên do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tất cả những điều này khiến mối quan hệ giữa ông Moon và ông Trump chỉ được kết nối bởi mối quan tâm duy nhất: Triều Tiên. Giờ đây, các tín hiệu cho thấy chính sách của ông Trump với Triều Tiên đang trên bờ vực sụp đổ.

Nếu có mối quan hệ ông Trump và Moon sụp đổ, điều đó sẽ cung cấp “đạn dược” cho đám đông chống Mỹ. Điều đó chắc chắn có thể dẫn tới những cuộc biểu tình chống Mỹ”, Don Don Kirk, một nhà báo nhận định. Và những người biểu tình có thể tập trung với số lượng lớn hơn nhiều so với số lượng khiêm tốn được nhìn thấy trong cuộc biểu tình hôm 17-12-2019.

AN BÌNH