Báo Công An Đà Nẵng

Năm 2022, đẩy mạnh triển khai giai đoạn 2 của quy hoạch báo chí

Thứ bảy, 25/12/2021 14:50

Ngày 24-12, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội nghị.

Tham dự Hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí; cơ quan báo chí Trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo các Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố…

Cần cơ chế đặt hàng đủ mạnh

Hội nghị đã nghe Báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022; Báo cáo kết quả ba năm triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Với tinh thần dân chủ, nghiêm túc, trách nhiệm, Hội nghị đã nghe nhiều tham luận, trao đổi, chia sẻ về các vấn đề cần quan tâm trong công tác báo chí hiện nay cũng như đời sống báo chí - truyền thông; nhận diện xu hướng, thách thức để từ đó xác định những nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2022 và trong giai đoạn tới.

Phát biểu tại Hội nghị, chia sẻ về một số vấn đề trong quản lý, phát triển báo chí, Phó Thủ tướng cho rằng công tác quy hoạch, sắp xếp báo chí thực hiện được một bước, và cần có quá trình để tạo chuyển biến thực chất bên trong, không thể nóng vội. “Mục đích quy hoạch báo chí để báo chí phát triển, không chỉ là tiếng nói của từng cơ quan chủ quản mà còn của nhân dân. Việc thực hiện cơ chế, chính sách quản lý phải nghiêm, thực chất, kiến nghị, bổ sung, điều chỉnh những gì không phù hợp. Tránh tình trạng thực tế không như văn bản”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị.

“Năm 2022, với tinh thần nhìn thẳng sự thật, chúng ta phải đánh giá việc thực hiện quy hoạch báo chí xem những gì phù hợp, chưa phù hợp nhằm giúp báo chí phát triển, tránh xu hướng chạy theo thị trường quá mức, tránh lãng phí nguồn lực xã hội, làm lệch lạc trong hoạt động thông tin báo chí”, Phó Thủ tướng đề nghị.

Theo Phó Thủ tướng, muốn báo chí tự chủ được, phải có “cơ chế đặt hàng” đủ mạnh. Bộ Thông tin và Truyền thông phải là đầu mối của các cơ quan báo chí làm việc với các cơ quan phụ trách về tài chính, các bộ, ngành để giao nhiệm vụ, “đặt hàng” báo chí tuyên truyền, vận động trước, trong và sau khi ban hành chính sách. “Đó không nhất thiết là những cơ quan báo chí lớn, có uy tín mà quan trọng là phải có những nhóm độc giả mà chính sách cần tác động”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Trước sự cạnh tranh của thông tin trên mạng xã hội, Phó Thủ tướng cho rằng báo chí cần được thông tin minh bạch một cách nhanh nhất có thể về những “điểm nóng” hay sự cố vừa phát sinh. Qua theo dõi, quản lý thông tin trên báo chí, mạng xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam để chủ động hơn trong dự báo, cảnh báo; phối hợp, đề nghị các bộ, ngành cung cấp thông tin sớm nhất, chính xác cho báo chí về những vấn đề mà dư luận, xã hội quan tâm. “Khi báo chí chính thống minh bạch được thông tin một cách sớm nhất, nhân dân, công luận sẽ nghe theo”.

Về thực hiện chuyển đổi số trong báo chí, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cùng với hình thành cơ sở dữ liệu, mỗi cơ quan báo chí cần quan tâm đến năng lực xử lý dữ liệu của đơn vị mình. Các tác phẩm báo chí “nói có sách, mách có chứng” bằng số liệu, thậm chí là những số liệu qua phân tích nhiều dữ liệu khác mới định hướng, trả lời được mong mỏi của công luận. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam có chương trình hỗ trợ các cơ quan báo chí chuyển đổi số, xây dựng và xử lý cơ sở dữ liệu.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời tiết chuyển mùa Đông - Xuân thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của virus, nhất là trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2022 sắp tới… Phó Thủ tướng mong muốn báo chí bám sát, phản ánh đúng thực tế, động viên nhân dân chống dịch tốt, chuẩn bị đón Tết đầm ấm trong bối cảnh dịch bệnh.

Đại biểu dự hội nghị.

Đề cao sứ mệnh, trách nhiệm

Phát biểu kết luận Hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh tới việc tăng cường định hướng, đề cao sứ mệnh, trách nhiệm và nâng cao hoạt động của báo chí thời gian tới.

Để góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác tuyên giáo năm 2022, tiếp tục khẳng định vai trò, sứ mệnh vẻ vang của mình, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu công tác báo chí cần tập trung thực hiện tốt một số việc. Trong đó, việc đầu tiên, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh những người làm công tác báo chí cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng. Cho rằng những nội dung này không mới, tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, việc quán triệt, nâng cao nhận thức về báo chí cách mạng giúp những người làm báo vững vàng trước mọi sóng gió, thử thách, phát huy được vai trò định hướng dư luận, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình, đồng chí cho biết.

Đánh giá, thời gian qua báo chí đã làm khá tốt tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế- xã hội, tuy nhiên Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ mỗi thời điểm, giai đoạn lại có những yêu cầu, đòi hỏi mới nên cần làm tốt hơn, sáng tạo hơn; cần bám sát diễn biến thực tế, bảo đảm cân đối, hài hòa giữa thông tin phòng, chống, dịch với thông tin phục hồi phát triển kinh tế và các lĩnh vực khác; khơi dậy sự đồng lòng, quyết tâm, tin tưởng của nhân dân đối với cấp ủy chính quyền trong công tác chỉ đạo, điều hành nội dung quan trọng này. Năm 2022, đẩy mạnh triển khai giai đoạn 2 của Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại; khẳng định và nâng cao vai trò của báo chí đối với văn hóa, tham gia vào công tác thông tin đối ngoại...

"Chúng ta đang hướng tới Kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam vào năm 2025. Đây là sự kiện trọng đại, một mốc lịch sử quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam. Chúng ta sẽ phải làm gì và làm như thế nào để xứng đáng với lịch sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, xứng đáng với sự tin tưởng, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Nhân dân và để góp phần thực hiện mục tiêu quan trọng 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập Nước mà Đại hội Đảng XIII đã đề ra? Đây là vấn đề lớn mà tất cả những người đang hoạt động trong ngành Báo chí đều phải quan tâm, phải có ý chí mạnh mẽ để tìm ra giải pháp thật sự xứng tầm, cụ thể, thiết thực để thực hiện"- Trưởng Ban Tuyên giáo nhấn mạnh.

QUỲNH HOA- DIỆP TRƯƠNG