Báo Công An Đà Nẵng

Năm học mới ở “tâm dịch” TP Hồ Chí Minh

Thứ tư, 01/09/2021 19:44

Bắt đầu từ ngày 1-9, học sinh bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông tựu trường, còn học sinh bậc tiểu học tựu trường ngày 7-9. Trẻ bậc mầm non sẽ đến trường sau khi tình hình dịch được kiểm soát.

Học sinh bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông TP Hồ Chí Minh học trực tuyến kể từ ngày 1-9.

Gần 700.000 học sinh bắt đầu học trực tuyến

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, ngày 1-9, gần 700.000 học sinh bậc Trung học cơ sở, Trung học phổ thông của TP Hồ Chí Minh đã tựu trường trực tuyến, bước vào năm học mới 2021-2022.

Ghi nhận tại các trường, trong buổi học đầu tiên của năm học mới, giáo viên chủ nhiệm tổ chức lớp, làm quen, sinh hoạt nội quy trường lớp với học sinh. Các ngày tiếp theo, các trường tiếp tục tổ chức hướng dẫn phương pháp học trên internet phù hợp với từng đối tượng học sinh. Từ ngày 6-9 các trường sẽ chính thức tổ chức dạy chương trình năm học mới. Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh lưu ý các nhà trường xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp, không sắp xếp thời khóa biểu học trực tuyến giống hoàn toàn với thời khóa biểu khi học trực tiếp để không gây quá tải cho người dạy, người học và không phát huy được hiệu quả của việc học tập trên internet. Kế hoạch dạy học của nhà trường cần thực hiện theo hướng linh động, tinh gọn thành các chủ đề phù hợp đề, tạo thuận lợi cho giáo viên thiết kế tiến trình dạy học.

“Em vui vì được học trở lại”

Bắt đầu năm học mới trong điều kiện đặc biệt, em Gia Hân, học sinh lớp 8, Trường Trung học cơ sở Trường Thạnh, thành phố Thủ Đức chia sẻ, em vui vì được học trở lại, được gặp các bạn, thầy cô, dù chỉ là qua màn hình máy tính; tuy nhiên cũng có chút buồn vì không có được không khí của ngày khai giảng, buổi tựu trường.

Năm nay việc học trực tuyến có thể kéo dài, em cũng khá lo lắng bởi năm học trước, khi học bằng hình thức này em gặp khá nhiều sự cố về đường truyền, thiết bị. Mặt khác, khi chưa hiểu bài, việc trao đổi với thầy cô, bạn bè cũng không thuận lợi như khi học trực tiếp ở lớp. Tuy nhiên em hiểu rằng trong tình hình hiện nay, em cũng như các bạn không có lựa chọn khác phù hợp hơn, vì thế em phải nỗ lực hơn trong việc tự học, tự rèn luyện tại nhà.

Thực tế, trong tổ chức dạy và học trực tuyến, không ít học sinh gặp khó khăn do thiếu thiết bị học tập, do vậy nhiều trường đã chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ học sinh. “ATM điện thoại thông minh” là một ý tưởng của tập thể giáo viên của Trường Trung học cơ sở Minh Đức (Quận 1) nhằm hỗ trợ học sinh khó khăn về phương tiện học tập trực tuyến.

Cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, qua thống kê sơ bộ trường có khoảng 100 học sinh không đủ thiết bị để phục vụ cho việc học trực tuyến. Các thầy, cô giáo của trường băn khoăn về vấn đề này nên đã lên kế hoạch thực hiện ý tưởng xin điện thoại, laptop cũ từ các nhà hảo tâm, phụ huynh để hỗ trợ các em còn khó khăn.

Tương tự, Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An cũng vận động hỗ trợ máy tính đã qua sử dụng cho học sinh khó khăn. Để tổ chức dạy và học trực tuyến thành công, nhà trường đã chuẩn bị các phần mềm dạy học phù hợp, các thầy cô cũng chuẩn bị chu đáo nội dung giảng dạy. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của nhà trường, có một số học sinh gặp khó khăn trong việc học trực tuyến do không có máy tính. Vì vậy, Ban Giám đốc Trung tâm đã kêu gọi thầy cô, phụ huynh, các nhà hảo tâm hỗ trợ máy tính cũ, đã qua sử dụng cho học sinh khó khăn tại trường có điều kiện tham gia học tập.

Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ về thiết bị, nếu học sinh vẫn không có phương tiện tham gia học trên internet, các em có thể theo dõi các bài giảng của giáo viên trên nhiều kênh thông tin như Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, trên trang web các trường; giáo viên chủ nhiệm phối hợp với đội ngũ điều phối ở các địa phương hỗ trợ học sinh không thể tham gia học trên internet có thể học tập tại nhà.

Thúc đẩy tiêm vaccine cho học sinh

Để học sinh có thể trở lại trường học trực tiếp vào học kỳ 2, mới đây Sở Giáo dục và Đào tạo kiến nghị UBND TP có kế hoạch tổ chức tiêm vaccine cho học sinh từ 12-18 tuổi với nguồn vaccine phù hợp, trước khi kết thúc học kỳ 1.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, hiện 80% giáo viên của thành phố đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1, một số giáo viên đã được tiêm mũi 2. Nếu dịch COVID-19 được kiểm soát, giáo viên và học sinh được tiêm vaccine đầy đủ thì thành phố có thể sớm tổ chức dạy học tập trung tại trường lớp.

Năm học 2021-2022, TP Hồ Chí Minh có hơn 1,71 triệu học sinh từ bậc mầm non đến trung học phổ thông. Thành phố sẽ tổ chức dạy học trực tuyến hết học kỳ I cho học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông.

B.T