Báo Công An Đà Nẵng

Năm khơi thông nguồn lực đầu tư 2023: Có khơi nhưng chưa thông

Thứ bảy, 08/04/2023 08:07
Tình hình sản xuất kinh doanh sụt giảm khiến doanh nghiệp "ngại" mở rộng đầu tư.

Doanh nghiệp "ngại" đầu tư

Nhiệm vụ trọng tâm để Đà Nẵng thực hiện chủ đề năm 2023 là khơi thông và khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng, hướng đến các nguồn lực phát triển mới, từ đó giữ vững kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, tổng vốn đầu tư trên địa bàn Đà Nẵng phần lớn thuộc nguồn vốn ngoài ngân sách (thuộc đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 và tình hình kinh tế bất ổn thời gian qua) nên sự phục hồi năng lực sản xuất và mở rộng đầu tư, tái đầu tư khá chậm. Thống kê cho thấy, trong quí I tổng vốn đầu tư khu vực ngoài ngân sách tại Đà Nẵng đạt khoảng 3.977 tỷ đồng, giảm hơn 20% cùng kỳ và hơn 16% so với quý trước. Một số trường hợp giảm mạnh như Tổng công ty CP Dệt May Hòa Thọ, Công ty TP Thành Quân, Công ty TNHH Phần mềm FPT Miền Trung, Công ty CP Bình Vinh…

Tại khu vực vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tình trạng cũng không khá hơn. Kinh tế thế giới bất ổn, tình hình lạm phát tăng cao, chính sách tiền tệ ngày càng thắt chặt…đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế trong đó khu vực FDI bị tác động khá nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp FDI cắt giảm khá nhiều nguồn vốn tái đầu tư và đầu tư mới nhằm bù đắp các khoản thâm hụt và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngắn hạn. Đơn cử như Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng, Công ty TNHH ODK Mikazuki Việt Nam, Công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam, Công ty TNHH Kinh doanh Miễn thuế Lotte Phú Khánh... Trong 3 tháng đầu năm 2023 giá trị vốn đầu tư thực hiện khu vực này khoảng 555 tỷ đồng, giảm 57,5% so với cùng kỳ.

Nguồn vốn đầu tư trong lĩnh vực du lịch, bất động sản, thương mại… ở Đà Nẵng luôn chiếm tỷ trọng lớn, tạo động lực tăng trưởng quan trọng. Đơn cử như dự án cao ốc phức hợp Nguyễn Kim Đà Nẵng tổng vốn 2.272 tỷ đồng khởi công từ cuối năm 2022 hiện đã thực hiện đạt hơn 198 tỷ đồng; Dự án lâu đài Bà Nà tổng vốn 3.721 tỷ đồng hiện đã thực hiện hơn 1,9 ngàn tỷ đồng. Tuy vậy, các dự án lớn này đều khởi công từ trước, đang trong quá trình triển khai, những dự án mới, qui mô trong quý I vẫn thiếu. Đặc biệt, các dự án bất động sản có vốn đầu tư lớn nhưng gần như "đứng bánh" do thị trường đóng băng dài hạn, chính sách tiền tệ thắt chặt…Khi các dự án bất động sản "đứng" đồng nghĩa với giá trị tăng trưởng ngành xây dựng của Đà Nẵng giảm mạnh tới 52% so với cùng kỳ.

Trước tình hình sản xuất kinh doanh bị giảm sút, phần lớn các doanh nghiệp không mạnh dạn chi vốn đầu tư trong giai đoạn này. Chưa kể, phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng siêu nhỏ, vốn ít, chủ yếu dựa vào vốn vay, tuy nhiên việc tiếp cận vốn vay hiện nay rất khó khăn. Ngoài ra, các thủ tục hành chính chồng chéo, phức tạp, nhất là liên quan tới đất đai, xây dựng, đầu tư…đang tạo những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp tái đầu tư, đầu tư mới. Số liệu thống kê cho thấy, trong quí I, Đà Nẵng chỉ cấp chứng nhận đầu tư cho 4 dự án trong nước tổng vốn đăng ký 1.505 tỷ đồng, giảm gần 57% so với cùng kỳ. Trong khi đó, dự án FDI cũng chỉ thu hút được tổng vốn hơn 4,6 triệu USD.

Cần giải pháp khơi thông mạnh hơn

Để khơi thông các nguồn lực đầu tư trong điều kiện hiện nay, TP cần có giải pháp hiệu quả để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn vốn vay đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, TP cần đẩy nhanh đầu tư hạ tầng, tăng quỹ đất để mở rộng sản xuất nhằm hỗ trợ nguồn lực cho doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện nay TP đang tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc, tiến tới khởi công triển khai đầu tư một số dự án động lực, trọng điểm như dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân, dự án Trung tâm phần mềm và công nghệ cao Viettel Đà Nẵng, dự án Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng Bay, dự án đầu tư xây dựng Trung tâm dịch vụ logistics tại huyện Hòa Vang của Công ty CP Cảng Đà Nẵng, dự án Trung tâm chia chọn tại Khu công nghiệp Liên Chiểu…Các dự án này có vốn đầu tư lớn, trực tiếp góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hạ tầng Cụm công nghiệp Cẩm Lệ triển khai chậm.
Các dự án BĐS có vốn đầu tư lớn nhưng thị trường đóng băng dài hạn gặp nhiều khó khăn.

Ngoài việc gỡ vướng cho các dự án đầu tư từ nguồn vốn tư nhân, TP cũng cần quyết liệt đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án đầu tư công, tạo động lực lan tỏa, dẫn dắt tăng trưởng. Nổi bật như dự án Cụm công nghiệp Cẩm Lệ. Đây là một trong những dự án kỳ vọng thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tình hình triển khai dự án vẫn còn chậm trễ so với kế hoạch đề ra, hiện mới đạt hơn 163 tỷ đồng (hơn 65%), cả quý I chỉ thực hiện được 25 tỷ đồng.

Mặc dù vốn đầu tư công quí I giải ngân cao, tuy nhiên do chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn Đà Nẵng, vì thế tác động vào tăng trưởng không lớn. Nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách tại Đà Nẵng lớn, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng, tuy nhiên lại đang bị những vướng mắc, rào cản, đòi hỏi TP phải có giải pháp tập trung khơi thông quyết liệt, hiệu quả hơn.

HẢI QUỲNH