Báo Công An Đà Nẵng

Năm Ngọ, thăm “đại bản doanh” ngựa

Thứ tư, 05/02/2014 10:10

(Cadn.com.vn) - Đàn ngựa với hơn 300 con ở trại chăn nuôi Suối Dầu, H. Cam Lâm (Khánh Hòa) được chăm bẵm như những đứa trẻ. Những chú ngựa nơi đây gánh trên vai sứ mệnh cao cả là “hiến máu cứu người”. Theo thời gian, đàn ngựa ngày càng  tăng nhanh về số lượng cũng như chất lượng.

Đầu năm Giáp Ngọ, Báo Công an TP Đà Nẵng giới thiệu bạn đọc đôi nét về “đại bản doanh” nuôi ngựa lớn nhất Đông Nam Á, thuộc Viện Vắc xin Sinh phẩm Y tế (IVAC), nơi chuyên nghiên cứu sản xuất các loại vắc xin, huyết thanh phục vụ con người.

“Đại bản doanh” nuôi ngựa hiến máu cứu người

Trại chăn nuôi Suối Dầu nằm trong khuôn viên 125 ha, đứng chân trên thế đất “sơn bao thủy bọc”, cách TP Nha Trang khoảng 20 km về phía Nam. Trại do nhà Bác học người Pháp A. Yersin sáng lập vào năm 1896. Trước đây, khu vực này là đồng cỏ bao la. Ban đầu A.Yersin coi đây là nơi cung cấp thức ăn cho đàn ngựa sản xuất huyết thanh trị bệnh dịch hạch ở Nha Trang. Qua hơn một thế kỷ với nhiều biến cố của thời cuộc, trại ngựa Suối Dầu vẫn đứng vững và phát triển. Ngoài loài ngựa, còn có nhiều động vật khác để phục vụ công tác nghiên cứu, thí nghiệm cho ngành y học. Đến nay, trại Suối Dầu là cơ sở hậu cần quan trọng của cung cấp nguyên liệu đầu và súc vật thí nghiệm cho việc sản xuất, nghiên cứu và kiểm định vắc xin và các sinh phẩm y tế. Trong đó phải kể đến đóng góp huyết thanh của đàn ngựa đang được nuôi tại các khu chuồng trại nơi đây.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Minh, Trưởng trại chăn nuôi Suối Dầu cho biết:  “Huyết thanh sản xuất từ máu ngựa là những kháng thể chống lại loại bệnh nào đó được chiết xuất ra từ huyết tương của ngựa đã được mẫn cảm với loại bệnh nào đó. Khi tiêm vào cơ thể thì sẽ trung hòa với các kháng nguyên của tác nhân gây bệnh tương ứng để giúp con người không mắc bệnh. Ví dụ như SAT (huyết thanh kháng độc uốn ván); SAV (huyết thanh kháng độc rắn); SAR (huyết thanh kháng dại).

 “Khoảng hơn 30 năm trở lại đây, công tác chăm nuôi đàn ngựa bắt đầu có những bước chuyển đột phá. Ban đầu đàn ngựa của trại chỉ có khoảng từ 60 – 70 con, hiện nay số lượng đàn ngựa đã tăng vọt lên tới 350 con. Đồng thời, quy trình sản xuất huyết thanh cũng có nhiều chuyển biến mang tính nhảy vọt ”, vị trưởng trại cho hay.

Đàn ngựa trại Suối Dầu.

 Với đàn ngựa hiện có, mỗi năm trại có thể cung cấp từ 10.000 – 12.000 lít huyết thanh thô để tinh chế, sản xuất các loại huyết thanh theo yêu cầu của người dùng. Trong đó, trung bình một chú ngựa cho ra 60 lít huyết thanh/năm, với chu kỳ 9 lần lấy máu, mỗi lần cách nhau 35 ngày. Cứ theo một lộ trình như vậy, mỗi chú ngựa có thể cho máu từ 5 – 6 năm. Máu được lấy lúc thể trạng ngựa khỏe mạnh, tuyệt đối tránh những lúc ốm đau, sốt hoặc bỏ ăn. Và các nhà y học ứng dụng gây miễn dịch lấy huyết thanh dự phòng điều trị các bệnh nguy hiểm cho người như uốn ván, bạch hầu, dại, rắn độc...

Về quy trình sản xuất, thạc sĩ Minh giới thiệu:  “Hiện nay các huyết thanh mà IVAC khai thác từ máu ngựa gồm: kháng độc tố uốn ván, kháng dại và kháng nọc rắn độc (gồm rắn hổ mang, rắn lục tre). Để sản xuất mỗi loại huyết thanh, IVAC phải đưa kháng nguyên (độc tố uốn ván, virus dại, nọc rắn...) vào cơ thể ngựa một liều thích hợp để cơ thể ngựa sinh ra kháng thể chống lại kháng nguyên đó. Khi máu ngựa có một lượng kháng thể đủ để tinh chế huyết thanh thì tiến hành lấy máu theo tỉ lệ 1,5 trọng lượng cơ thể ngựa. Sau khi dùng xi lanh lấy máu, các nhân viên sẽ tiến hành chắt lấy huyết thanh”.

Cùng với việc tuân thủ quy trình lấy huyết thanh, cán bộ kỹ thuật và công nhân phải tuyệt đối tuân thủ hệ thống quản lí theo tiêu chuẩn chất lượng ISO 9001 – 2008. Bằng sự cải tiến và đổi mới công nghệ, vào tháng 8-1999, IVAC đã sản xuất thành công. Đến 2004 chính thức lưu hành 2 loại huyết thanh kháng nọc rắn hổ mang đất và rắn lục tre (SAV_naja và SAV - tri) góp phần cứu sống hàng chục ngàn người bị rắn độc cắn mỗi năm. Năm 2000, sau khi kết thúc dự án với Viện Huyết học truyền máu Hà Lan, các kĩ thuật tinh chế huyết thanh được cải tiến và trang thiết bị được nâng cấp lên quy mô sản xuất công nghiệp, chất lượng các loại huyết thanh được cải thiện gấp 12 lần so với trước đây. Nhờ đó, việc sản xuất huyết thanh kháng bệnh uốn ván (SAT) và huyết thanh kháng bệnh dại tinh chế (SAR) tăng lên từ 200.000 đến 500.000 ống SAT và từ 7.000 lọ lên 30.000 lọ SAR.

Ông Minh cung cấp thông tin: Đến năm 2009, IVAC đã cải tiến quy trình công nghệ, tạo một kỷ lục mới khi cung cấp huyết thanh kháng bệnh uốn ván vượt con số 1 triệu liều ra thị trường. Huyết thanh kháng dại tinh chế cũng được cải tiến chất lượng. Xuất phát từ đó, IVAC đã thành lập phòng kinh doanh để tăng cường công tác thị trường, phát huy ưu thế của các loại huyết thanh có chất lượng ổn định với sản lượng lớn, giá thành hợp lý. “Hiện nay huyết thanh kháng bệnh uốn ván sản xuất từ máu ngựa chiếm 80 – 90 thị phần trong nước và mở rộng thị trường tiềm năng ở các nước ASEAN. IVAC cũng đang từng bước đăng kí một số mặt hàng như VAT liều đơn, SAT, SAR, SAV sang Lào, Malaysia nên hứa hẹn nhiều triển vọng trong tương lai ”, vị trưởng trại chia sẻ.

Nuôi ngựa như chăm trẻ con

Ngựa cho huyết thanh có nhiều điểm khác biệt so với ngựa dùng để thồ hàng, ngựa chiến hay ngựa dùng để chở khách du lịch. Nên vậy, ngựa ở đây được tuyển chọn rất kỹ lưỡng về nguồn gốc, chế độ chăm sóc cũng có phần đặc biệt.

Trước đây, ngựa được tuyển về từ trại Bá Vân – Thái Nguyên thuộc Viện Chăn nuôi quốc gia. Những năm gần đây, trại hợp đồng với các hộ tư nhân để mua về. Việc tuyển chọn ngựa rất kĩ lưỡng, đảm bảo tiêu chuẩn từ 4 – 6 tuổi, trọng lượng 230 kg trở lên. Đồng thời, phải qua một cuộc sàng lọc về sức khỏe như không bị dị tật bẩm sinh, không bệnh tật, phải có chỉ tiêu về hằng số huyết học, sinh hóa và sinh lý học... Sau đó, tất cả các chú ngựa mua về đều được cách ly từ  3 đến 6 tháng có chế độ chăm sóc riêng. Trong thời gian này sẽ có đội ngũ nhân viên y tế theo dõi, hễ chú ngựa nào phát bệnh sẽ bị “trục xuất” khỏi trại. Những chú ngựa vượt qua được kỳ kiểm tra sức khỏe sẽ được giữ lại, nhập vào đàn ngựa của trại.

Để đàn ngựa được chăm sóc tốt, trại có hẳn một tổ Đồng cỏ, chế biến thức ăn cung cấp cho ngựa sản xuất huyết thanh. Khẩu phần ăn của ngựa trong một ngày là 15 – 18 kg cỏ tươi và  2 – 3 kg thức ăn được chế biến từ cám, gạo, ngô, đậu... Thức ăn của ngựa đảm bảo phải tuyệt đối sạch, cỏ thì được trồng trong khuôn viên, nước uống phải được đảm bảo tiêu chuẩn cao về chất lượng. Đàn ngựa cũng được chạy nhảy linh hoạt trên thảm cỏ rộng vài chục héc-ta nằm trong khuôn viên của trại. Hằng ngày, ngựa được tắm mát và chải lông sạch sẽ trước khi về chuồng. Sức khỏe của ngựa thường xuyên được theo dõi, nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường sẽ bị cách ly và tiến hành chẩn đoán. Trại ngựa gồm nhiều dãy nhà, được ngăn thành  ô, mỗi chú ngựa ở 1 ô, được vệ sinh hằng ngày. “Mỗi chú ngựa vào đây sẽ được đánh số thứ tự theo chiều tăng dần 001, 002... để dễ phân biệt và theo dõi. Đây cũng là tên gọi theo suốt cuộc đời của mỗi chú ngựa. Tuổi thọ trung bình của chúng là 30 năm, nhưng ngựa cho huyết thanh thì ngắn hơn rất nhiều, rơi vào khoảng 5 – 6 năm. Tuy nhiên, sự tồn tại của đàn “ngựa sạch” lại góp phần kéo dài sự sống cho hàng triệu con người. Nếu như giá trị cuộc đời con người được tính toán, đo đạc bằng sự cống hiến, thì sự “cống hiến” của đàn ngựa của trại Suối Dầu rất đáng được ghi nhận bởi những đóng góp vô cùng nhân văn và đầy ý nghĩa của chúng.

Ngô Thế Lâm