Báo Công An Đà Nẵng

Năm Rắn nói chuyện Xà quyền

Thứ sáu, 24/01/2025 13:55
“Xà quyền” và “Miêu quyền”.

Xà hình quyền trong Thiếu Lâm Ngũ hình quyền

Môn phái võ nổi tiếng Thiếu Lâm có Thiếu Lâm Ngũ hình quyền, bao gồm Long, Hổ, Xà, Hạc, Báo.

Trong Xà hình quyền, do thiếu chân để xoay xở mau lẹ và tính chất mềm mại âm hiểm hơn là hung bạo, mạnh mẽ mà Rắn có vẻ giống với con vật không giống nó trong Thiếu Lâm Ngũ hình quyền.

Do thiếu tay, chân, loài Rắn phải cử động bằng cách vặn bẻ ngoằn ngoèo toàn thân. Để tạo hiệu năng chiến đấu, loài Rắn phải san lấp nhược điểm thiếu chân của mình bằng một số điều, chẳng hạn như: có thể cuộn mình và vươn thẳng đứng, như giống rắn hổ thường làm. Từ thế cuốn khúc này, với sự chính xác và một tốc độ khủng khiếp, nó phóng thẳng về phía con mồi. Chính từ ngay sự xung kích và cử động bẻ vặn thân mình, rắn đã đạt tới một uy lực và sức mạnh cực lớn.

Một điểm lợi khác có thể còn quan trọng hơn cả kỹ thuật chiến đấu độc đáo của loài Rắn nằm ở việc phát triển và truyền phóng khí lực trong từng đòn đánh. Bởi lẽ luôn trầm tĩnh, thư giãn, Rắn tích tụ nhiều khí hơn những con vật khác. Do đó, khi phối hợp nội năng vào kỹ thuật ngoại kích, Rắn đã trở thành một đối thủ mạnh mẽ và đáng sợ. Xà hình quyền khác với bốn loại hình kia nhờ những cử động lưu loát thư giãn, phóng ra một uy lực gồm cả hai tính chất Cương và Nhu. Xà hình quyền không có đòn đấm, chỉ tấn kích qua ức bàn tay và đầu ngón tay. Đối với Hổ hình quyền chẳng hạn, Xà hình quyền trái ngược hẳn. Sức mạnh của Hổ hình quyền dứt khoát thuộc về ngoại lực, náo hoạt tới mức độ gây ầm ĩ trong từng đòn đánh để đạt tới sức mạnh siêu tuyệt. Năng lực của Rắn mang tính trầm lặng và thuộc về nội tại cho nên hoàn toàn lặng lẽ khi sắp xếp một đòn xuyên phá uyển chuyển.

Đại võ sư Hà Túc Li (chưởng môn Thiếu Lâm Hòa Quang phái) đang biểu diễn Xà hình quyền.

Vì vậy, toàn bộ kỹ thuật của rắn mang một trình độ võ thuật hoàn hảo trong đó, thủ và công được thực hiện nhất loạt. Không có sự khác biệt giữa thủ và công, vì thủ lập tức biến thành công và ngược lại. Đối với Xà hình quyền, các kỹ thuật cuốn khác và uốn vòng của rắn thường mang tính phòng thủ lúc đầu rồi vụt chuyển thành trực kích, cốt yếu ở sự mềm mại hơn là tốc độ tấn công.

Xà hình quyền gồm nhiều lối đánh bằng đầu ngón tay, trong đó có một đòn tạo thành hình lưỡi rắn bằng cách chĩa ngón trỏ và ngón giữa về phía trước trong khi bẻ gập các ngón khác lại. Đòn này thường nhắm vào các điểm nhược của cơ thể như mắt chẳng hạn.

Một cách đánh ngón tay khác gọi là thanh xà xuất động xếp các ngón tay lại như đầu một con rắn hổ đang cuốn khúc vươn lên. Theo đúng cách tấn công mồi của rắn hổ, đòn ngón tay này phóng ra từ một cùi chỏ uốn cong xuống đạt tới cực điểm mạnh khi vươn cánh tay về phía trước. Đòn này còn được dùng như thế thượng tỏa (thủ phần trên cao) có thể biến nhanh chóng thành một thế tấn công sát tử nhắm vào cuống họng hoặc mắt.

Một cách đánh ngón tay khác nữa gọi là thủy xà thượng diện là một cú móc ngược ngón tay nhắm một điểm thuộc họng hoặc nách.

Ngoài các kỹ thuật chiến đấu căn bản, mọi loại hình quyền đều không bỏ quên thái độ và tinh thần của các con vật được mô phỏng. Thói quen chiến đấu của loài vật luôn dựa trên bản năng nên việc đưa được bản năng đó vào trong võ công là điều quan trọng. Do đó, giữ cho thân mình sinh động và linh hoạt là điều tất yếu khi thực hiện Xà hình quyền. Trù hoạch sự tiếp giao đúng lúc cho nguồn sức mạnh nhu nhuyễn, lưu hoàn nơi các cánh tay với nguồn ngoại lực cương mãnh nơi các bàn tay là cần thiết vì Xà hình quyền nhiều khi vẫn cần tới cương lực.

Đóng góp quan trọng nhất của Xà hình quyền là sự phát triển khí lực, thành quả gặt hái từ sự thư giãn và sự tập trung. Khi luyện Xà hình quyền võ sinh phải tập cho được hai điều là tĩnh và nhu, cố mô phỏng cái thân hình dài có thể phát lực qua từng cử động. Để dễ thư giãn, toàn bộ kỹ thuật Xà hình quyền cần được thực hành một cách khoan thai và với sự tập trung. Theo cách tập này, mỗi phần của cơ thể đều chịu tác động và đều được nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi hay thư giãn giúp cho thân thể mềm mại, bền dẻo trong khi tập trung đưa tới sự bình thản sáng suốt là những điều cần thiết cho bất kể nhân vật võ lâm nào.

Đại võ sư Tấn Vương (Môn phái Thiếu Lâm Tây Sơn) thực hiện thế Xà tấn

Điều quan trọng với người thực hành Xà hình quyền là phải giữ được bình thản và trầm lặng để triển khai giác quan và cảm nhận ngay cách thế của đối thủ. Va chạm thực sự bằng cánh tay luyện Xà hình quyền có hiệu quả tương tự như bàn tay trực đả của Vịnh xuân hoặc bàn tay xô tới của Thái cực quyền. Khi chưa va chạm thì tất cả đều như vô lực không có nghĩa là các đòn đánh của Rắn chỉ đơn thuần là các va chạm yếu ớt, nhẹ nhàng của một chiếc nanh độc ma quái. Mặc dù có vẻ mềm mại, mọi động tác của người sử dụng Xà hình quyền đều mau lẹ và mạnh mẽ. Khi va chạm, sức mạnh của khí lực nội tại sẽ tạo nên một uy lực có thể lớn gấp quá 7 lần sức mạnh bình thường của con người.

Thể hiện tinh thần đặc biệt của loài Rắn, người luyện Xà hình quyền phải tĩnh đủ để quán triệt bản thân mình và cảm thấy hoàn toàn bình lặng, bất kể mọi quấy rầy của ngoại cảnh. Trong điều kiện đó, khí lực sẽ thông lưu từ sóng lưng qua cánh tay tới tận đầu các ngón tay. Để đúng như rắn, trước khi công hay thủ, mọi động tác đều cần khoan thai (tương tự khi tập Thái cực quyền) và thận trọng. Trong ứng dụng thực tế, nhiều đòn đánh đều nhắm các yếu huyệt nhạy cảm của đối thủ. Những yếu huyệt này là những vùng cốt tử của cơ thể chỉ cần bị kích thích sẽ gây ra đau đớn dữ dội, ngất xỉu, thậm chí vong mạng nữa.

Sau khi thẩm thấu kỹ thuật Thiếu Lâm Xà hình quyền, người ta có thể chiến đấu với một tốc độ chớp nhoáng và một sự tập trung thông suốt.

Xà quyền trong Võ thuật Việt Nam

Võ thuật Việt Nam gạt. Ở Việt Nam, nhiều môn phái Võ cổ truyền thường sử dụng hình tượng của các loài thú để xây dựng quyền pháp. Trong những bài quyền tinh hoa của vùng đất võ Tây Sơn, Bình Định có bài “Ngũ hình quyền” (Long, Hổ, Báo, Xà, Hạc). Hệ thống quyền thuật của môn phái Bình thái đạo nổi danh với quyền An Thái do võ sư Diệp Trường Phát (Tàu Sáu) sáng lập dựa trên 4 bộ chính: Hổ quyền, Long quyền, Hầu quyền và Xà quyền. Trong đó, Hổ quyền và Long quyền thuộc ngạnh công, được coi là nền tảng. Hầu quyền và Xà quyền thuộc nhu công và miên công, là phần xuất sắc cao diệu chỉ được truyền thụ khi đã luyện qua Hổ quyền và Long quyền.

Võ cổ truyền lấy đôi chân lập vị theo hình tượng tiêu biểu và di chuyển theo các hướng của Bát quái đồ. Vị trí của bộ tấn trong đồ hình bát quái (lấy trung bình tấn làm trung tâm) như sau: Càn tam liên Tây Bắc Hùng long, Khảm trung mãn chính Bắc Thanh xà, Cấn phúc uyển Đông Bắc Hội phụng, Chấn ngưỡng vu chính Đông Kim kê, Tốn hạ đoạn Đông Nam lạc nhạn, Khôn lục đoạn Tây Nam Hồng hổ, Đoài thượng khuyết chính Tây Hắc hầu, Lưỡng nghi tâm Trung bình lập thế. Cung Càn long tấn, cung Khảm xà tấn, cung Cấn phụng tấn, cung Chấn kim kê tấn, cung Tốn nhạn tấn, cung Ly hạc tấn, cung Khôn hổ tấn, cung Đoài hầu tấn, trung bình tấn lập thế ở giữa. Theo “Bát quái đồ” thì Xà tấn thuộc quẻ “Khảm trung mãn”, nên rất thuận theo hướng chính Bắc. Võ cổ truyền Việt Nam có câu: “Lưỡng túc bát quái vi căn, Song thủ ngũ hành vi bản” - bát quái là rễ của đôi chân, ngũ hành là gốc của đôi tay. Tập tay là tập các thế đánh và đỡ bằng nắm đấm, bằng lườn tay, ngón tay, cùi chỏ; cách tấn công, cách đỡ gạt.

Võ sư Đỗ Anh Tuấn (môn phái Thiếu Lâm Tây Sơn) thực hiện thế Xà tấn hồi thân.

Trong mỗi bộ tay, đều bao gồm đầy đủ tính chất ngũ hành, nguyên lý âm dương cùng với 2 chức năng chính là tấn công và phòng thủ. Sau khi luyện tập và hoán đổi thành thục các phương cách hóa chuyển của bộ tay, người học võ phải tiếp tục trải qua một quy trình khổ luyện hết sức công phu, bền bỉ, để biến các tính năng trên đôi cánh tay, nhất là bàn tay thành những bộ “Long giác”, “Hổ trảo”, “Hầu chỉ”, “Xà thao”... Trong đó, diễn thế của Xà thao như sau: Bốn ngón tay, gồm: ngón trỏ, giữa, áp út và ngón út đều khép thật kín, hơi cong và hướng ra phía trước, còn ngón cái chỉ thẳng ra phía trước (mặt trong ngón cái hướng vào lòng bàn tay như miệng con Rắn đang chuẩn bị vồ mồi). Công dụng chính: dùng để đỡ, cuốn khóa tay, điểm vào các huyệt trọng yếu của đối phương.

Trong Võ cổ truyền Việt Nam, các bậc võ sư tiền nhân khi nghiên cứu từ các loài vật trong tự nhiên đã sáng tạo những thế tấn, bài quyền, đòn thế mô phỏng động tác loài rắn như: Kim xà xuất động, Hoành xà nghịch địa, Bạch xà thổ tín, Xà vương xuất động, Xà miêu hạc quyền, Miêu xà quyền, Lưỡng thủ đầu xà, Long hổ xà hình quyền, Xà quyền long hổ trảo, Thanh xà lộ diện, Xà tấn hồi thân, Độc xà thám nguyệt, Xà vương phún khí…

Môn phái Vovinam - Việt võ đạo do cố võ sư Nguyễn Lộc sáng lập tại Hà Nội vào năm 1938, trên cơ sở lấy võ và vật dân tộc làm nòng cốt, đồng thời nghiên cứu tinh hoa các võ phái khác trên thế giới để dung nạp, thái dụng và hóa giải, nhất là cải tiến nền tảng kỹ thuật của mình theo nguyên lý Cương - Nhu phối triển. Trong hệ thống kỹ thuật của Vovinam có bài Xà quyền; thể hiện là 1 cặp rắn (song xà), con đực ở bên tay phải, con cái ở bên tay trái, 2 đuôi rắn là 2 chân nối liền chung 1 thân (phần bụng của rắn). Xà quyền có bộ pháp thấp, thân pháp uyển chuyển nhẹ nhàng, thủ pháp mềm dẻo, cước pháp nhanh gọn.

PHAN THANH ĐÀ HẢI