Báo Công An Đà Nẵng

Năm Sửu đi chợ trâu bò lớn nhất Việt Nam

Thứ sáu, 19/02/2021 21:28

Không biết từ bao giờ, chợ Ú đã đi vào tiềm thức của mỗi người con xứ Nghệ như một phiên chợ đặc biệt để trao đổi, mua bán trâu bò. 

Phiên chợ lớn nhất Việt Nam, mỗi phiên có trung bình từ 1.500 con2.000 con trâu, bò.

Hơn 40 năm tồn tại

“Ai về chợ Ú Đại Sơn

Mua con trâu mộng lập nên đại điền”

Theo câu ca, chúng tôi tìm về chợ Ú thuộc xã Đại Sơn, H. Đô Lương (Nghệ An). 4 giờ sáng, thương lái thập phương đã tập kết các loại trâu, bò, nghé... về chợ. Tiếng người í ới gọi nhau, tiếng xe tải chở trâu, bò tập trung đến bãi đất trống trong khu chợ khiến khung cảnh nhộn nhịp, huyên náo hơn bao giờ hết. Khi trâu, bò được dắt đến nơi quy định, từng đoàn người không ai bảo ai, cùng dạo chợ đi xem trâu, bò để chọn cho mình những vật nuôi ưng ý. Khoảng 9 giờ sáng, khi chợ tàn, những con trâu, bò khi được bán cho chủ mới sẽ được phun sơn lên sừng đánh dấu và tiếp tục cuộc hành trình trên những chiếc xe tải để về vùng đất mới. Cứ thế 5 ngày một lần, phiên chợ trâu bò lại được lặp lại như một lời hứa hẹn...

Theo tìm hiểu, chợ Ú được hình thành từ năm 1976. Ban đầu chợ được mở với mục đích cung cấp trâu bò cho xã Nam Nghĩa, H. Nam Đàn, các lò mổ huyện Nghi Lộc và các huyện lân cận. Dần dần khi người dân thập phương biết đến chợ Ú, họ bắt đầu kéo đến nơi đây để giao dịch trâu, bò. Tiếng lành đồn xa, chợ Ú không những nổi tiếng ở trong nước mà còn nổi tiếng ở nước ngoài. Các thương lái ở Thái Lan, Lào, Trung Quốc... cũng tìm đến nơi đây để mua bán.

Theo những thương lái ở xã Đại Sơn, H. Đô Lương, chợ Ú họp từ 4 giờ sáng và kết thúc vào khoảng 9 giờ. Mỗi tháng chợ Ú họp 6 phiên vào các ngày 1, 6, 11, 16, 21 và 26 (âm lịch). Ngoài cung cấp một lượng lớn trâu, bò, nghé... cho các địa phương trong tỉnh phục vụ cho việc giết mổ, chợ Ú còn là nơi để những người nông dân tìm con giống. Mỗi phiên chợ tập trung từ 1.500 - 2.000 con trâu, bò, nghé,... từ các tỉnh, thành trong và ngoài nước.

Theo quan niệm xưa, trâu bò không chỉ là đầu cơ nghiệp mà còn gắn với quan niệm phúc hay họa mang tới cho gia đình. Chính vì vậy, tiêu chí chọn lựa giống trâu bò được người dân xem xét hết sức cẩn thận, tỉ mỉ. Theo kinh nghiệm, người mua kỵ nhất là loại “trâu cười”, nghĩa là khi đêm đến dùng đèn soi vào mặt trâu thì nó nhe răng. Hai là trâu “tam tinh”, trâu có 3 mắt- có một cục lồi giữa trán giống như mắt thứ 3. Ngoài ra, bò “bạch nhiệt” hay bò “đốm đuôi”... là những con cần tránh. Ngoài ra, trâu có “đầu tang, xoáy tóc, hàm sà” cũng rất khó bán... Loại trâu bò được ưa chuộng nhất có “mồm gầu dai, tai lá mít, đít lồng bàn”, loại tạp ăn, dễ nuôi. Ngày nay, khi công nghệ ngày càng phát triển, máy móc thay thế trâu, bò trong nông nghiệp, tiêu chí chọn trâu bò cũng có nhiều thay đổi. Đến chợ Ú, rất ít người chọn trâu, bò làm giống mà thường là các thương lái mua để nuôi thịt.

Anh Nguyễn Văn Thịnh (1980, trú xã Đại Sơn, H. Đô Lương), người có thâm niên trong nghề buôn trâu bò cho biết. ngày nay, việc chọn trâu, bò thường phải đáp ứng tiêu chí “lối”. Nghĩa là con trâu, bò khi được chọn phải có dáng cao, dài, dễ vỗ thịt. “Để lôi kéo được khách hàng tin tưởng và mua trâu, bò thì việc đầu tiên là người bán phải giữ được chữ tín. Nghĩa là cả hai bên mua và bán phải thực sự tin tưởng nhau. Vật nuôi được mang ra bán phải đảm bảo là những con khỏe mạnh, không mắc bệnh. Người mua có thể không nhất thiết phải có mặt để trực tiếp giao dịch. Thương lái có thể dùng điện thoại, quay, chụp ảnh,... ở chợ Ú. Mọi giao dịch đều có thể trao đổi qua mạng xã hội như Zalo, Facebook,... Khi đã giao dịch xong, trâu bò sẽ được đưa lên xe và chuyển đến cho khách. Vì vậy trong kinh doanh trâu, bò ở đây phải đặc biệt giữ uy tín và thương hiệu. Nếu không khách hàng sẽ không tìm đến mình”, anh Thịnh chia sẻ.

Mặc dù đông đúc nhưng chợ Ú không hề có sự chen lấn, xô đẩy, vật nuôi được sắp xếp một cách tuần tự.

Nghề mang lại thu nhập cao

Chợ Ú là chợ trâu, bò có quy mô lớn nhất cả nước, người dân đầu tư vào nghề buôn bán trâu bò và một số nghề phụ khác phát sinh đã mang lại thu nhập cao. Trước mỗi phiên chợ, các thương lái chở trâu, bò, nghé... tập trung trên địa bàn xã. Do quãng thời gian di chuyển, vật nuôi có thể sẽ bị bỏ đói nên khi bán sẽ không được giá. Chính vì vậy, các thương lái thường thuê người dân bản địa chăm sóc trâu, bò. Các công việc như đòi trâu bò thuê, cắt cỏ thuê, chăm trâu, bò thuê cũng bắt đầu hình thành và đưa lại thu nhập cho người dân.

Theo ông Nguyễn Cảnh Lâm- Chủ tịch UBND xã Đại Sơn, xã hiện có khoảng 300 hộ buôn bán cố định ở chợ Ú, khoảng 150 hộ buôn bán thời vụ. Chợ Ú cũng tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trên địa bàn. Những người không có năng khiếu buôn trâu bò thì có thể đi dắt thuê trâu bò, mỗi lượt cũng từ 150- 250 nghìn đồng. Ngoài ra, những chuồng bò sẽ được người dân địa phương dựng lên cho các “đầu nậu” thuê để “gom” trâu bò cũng mang lại một khoản thu nhập. Sau khi thu mua đủ số lượng, các đầu nậu sẽ thuê xe để vận chuyển đi trong và ngoài nước. 

“Ở xã này, ngoài các hộ dân trực tiếp buôn bán trâu bò, dắt, chăm sóc, cho thuê chuồng trại còn có nhiều hộ mua trâu bò về vỗ béo rồi bán lại. Theo tính toán, nếu nuôi khoảng một tháng cũng mang lại lợi nhuận từ 2 - 5 triệu đồng/con. Trong nông nghiệp, người dân cũng bắt đầu thay đổi cơ cấu cây trồng, chuyển từ hoa màu sang trồng cỏ sữa, cỏ voi và ngô đểvỗ béo cho trâu bò”, ông Lâm chia sẻ.

Riêng anh Nguyễn Văn Thịnh, người giao dịch khách hàng từ Bắc vào Nam, thậm chí cả khách từ Trung Quốc, Thái Lan,... cho biết, anh nối nghiệp buôn bán trâu bò từ cha. Trung bình, gia đình anh mua khoảng 50 con bò về thuê người chăm sóc, sau đó bán lại cho các thương lái kiếm lời. “Mỗi tháng tôi thuê khoảng 6- 8 người làm nhiệm vụ vỗ béo cho trâu bò với số tiền 200 nghìn đồng/ngày”, anh Thịnh cho biết.

Với lịch sử hình thành và phát triển từ lâu đời, chợ Ú được xem là nét văn hóa đặc sắc của xứ Nghệ. Để có được một phiên chợ văn minh, đảm bảo ANTT, đảm bảo công tác vệ sinh sạch sẽ là cả một sự nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân nơi đây. Với những đặc trưng trên, chợ Ú xứng đáng là phiên chợ trâu, bò lớn nhất Việt Nam cần được phát huy và gìn giữ.

AN BÌNH