Báo Công An Đà Nẵng

Nấm Trung Quốc “đội lốt” nấm lim xanh Quảng Nam

Thứ hai, 11/02/2019 15:35

Khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều người dân ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam như: Tiên Phước, Đông Giang, Tây Giang, Đại Lộc... coi việc khai thác, mua bán nấm lim xanh là một nghề, bởi nó không những giải quyết công ăn việc làm mà còn “hái ra tiền”. Với giá bán bình quân khoảng hơn 2 triệu đồng/kg, nhiều người rủ nhau vào rừng tìm nấm lim xanh. Tuy nhiên, do giá trị kinh tế cao nên nhiều người đã lấy nấm từ Trung Quốc về trà trộn để bán. Nhưng nấm của Trung Quốc thường nhập lậu và không rõ nguồn gốc nên rất nguy hiểm cho người dùng.

Anh Hoan (bên trái) hướng dẫn P.V phân biệt nấm lim xanh Quảng Nam. 

Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm nghề khai thác nấm lim xanh, anh Nguyễn Văn Hoan (chủ doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Văn Hoan tại xã Đại Đồng, H. Đại Lộc) cho hay, nấm lim xanh Quảng Nam có tai nấm nhỏ, màu sắc và hình thù xấu xí. Còn nấm của Trung Quốc tai nấm to hơn và màu sắc bắt mắt. Nếu người hiểu biết về nấm lim xanh Quảng Nam khi nhìn vào sẽ phân biệt được với hàng của Trung Quốc. Nấm lim xanh Quảng Nam chỉ mọc nhiều từ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch hằng năm. Vì thế, anh tranh thủ thời gian nấm mọc nhiều, gọi thêm người thân vào rừng hái về phơi khô và bảo quản để cung cấp cho thị trường quanh năm.

“Do tâm lý của người tiêu dùng thấy nấm to, có màu sắc đẹp thì tin đó là nấm tốt. Đây là điều rất đáng lo ngại, do vậy để giữ được thương hiệu của nấm lim xanh Quảng Nam, các ngành chức năng của tỉnh nên tuyên truyền rộng rãi hơn để mọi người biết về nấm lim xanh Quảng Nam”, anh Hoan nói.

Cũng theo anh Hoan, đặc thù của nấm lim xanh Quảng Nam là mọc trên thân và rễ cây gỗ lim. Loài nấm này có hàm lượng germanium rất cao, đây là nguyên tố hữu cơ ngăn ngừa và điều trị bệnh ung thư rất tốt. Tuy nhiên hiện nay, hầu hết nấm lim xanh Quảng Nam chỉ mới dừng lại ở việc bán nấm thô nên giá trị không cao. “Để giữ gìn nguồn gen này, Quảng Nam cần có biện pháp để giữ được những cánh rừng lim đang bị mất dần bởi nạn phá rừng. Đồng thời, tỉnh cũng nên dành kinh phí thỏa đáng đầu tư cho việc nghiên cứu, chế biến sâu để tạo ra các hợp chất hay thuốc chữa bệnh từ nấm lim xanh, có như thế mới khai thác những giá trị cao của nấm lim xanh. Đặc biệt, cần hướng dẫn người dân các huyện miền núi Quảng Nam biết cách trồng và khai thác loài nấm có giá trị này để phát triển kinh tế gia đình”, anh Hoan bày tỏ suy nghĩ.

Cùng quan điểm trên, anh Lương Tấn Oanh, một đại lý thu mua nấm lim xanh tại H. Tiên Phước (Quảng Nam) cho rằng, do nhiều người không biết rõ về nấm lim xanh nên các đối tượng mua bán hàng giả từ Trung Quốc về nói sao họ tin vậy. Mua phải nấm giả, vừa mất tiền lại nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế, các ngành chức năng của Quảng Nam nên vào cuộc, kiểm soát thị trường nấm cũng như xử lý mạnh tay với những đối tượng lợi dụng niềm tin của khách hàng để bán nấm giả.

Nấm lim xanh Trung Quốc có tai to, màu sắc rực rỡ so với nấm lim xanh Quảng Nam.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để khai thác có hiệu quả từ loài nấm này, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao cho Sở NN&PTNT phối hợp với Công ty TNHH nấm linh chi Quảng Nam và một đối tác từ Hàn Quốc triển khai dự án Phát triển chuỗi giá trị nấm lim xanh Quảng Nam. Dự án được tiến hành trong 2 năm 2019- 2020 tại các huyện miền núi của tỉnh. Hiện dự án đang hướng tới việc giúp người dân là đồng bào dân tộc thiểu số các huyện miền núi Quảng Nam biết cách trồng, chăm sóc, khai thác nấm lim xanh để tăng thu nhập; đồng thời tiến hành xây dựng vườn ươm, lưu giữ nguồn gen nấm lim xanh cũng như chế biến sâu một số sản phẩm có giá trị từ nấm lim xanh Quảng Nam.

“Tổng kinh phí thực hiện dự án là 5,4 tỷ đồng, được dự án Trường Sơn xanh của Liên hiệp quốc hỗ trợ. Trước mắt, sẽ có hơn 200 hộ đồng bào dân tộc tại các huyện miền núi của Quảng Nam sẽ được hưởng lợi từ dự án này”, ông Thái Viết Hiếu- Giám đốc sản xuất Dự án Phát triển chuỗi giá trị nấm lim xanh Quảng Nam, cho biết.

Hy vọng rằng, với sự ra đời của dự án kể trên, sắp tới tại Quảng Nam không chỉ giữ được nguồn gen và khai thác có hiệu quả nấm lim xanh mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế từ nấm lim xanh cho người dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số các huyện miền núi của tỉnh.

QUANG PHÚC