Báo Công An Đà Nẵng

Kỳ họp thứ 11, HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII:

“Năm văn hóa văn minh đô thị 2015 ” cần đi vào thực chất

Thứ ba, 09/12/2014 18:52

(Cadn.com.vn)- Tiếp tục kỳ họp thứ 11, HĐND TP. Đà Nẵng khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016, chiều ngày 9-12-2014, các đại biểu thảo luận tại các tổ. Ý kiến của các đại biểu tập trung vào 3 lĩnh vực chính là: Kinh tế-ngân sách, Văn hóa - xã hội và pháp chế.

Các đại biểu phát biểu thảo luận tại tổ.

Siết lại các danh hiệu cho thực chất hơn

ĐB Nguyễn Đăng Hải hoan nghênh việc TP chọn chủ đề năm 2015 là “Năm văn hóa văn minh đô thị”  nhưng ông cho rằng đây là phạm trù rộng, cần nghiên cứu kỹ và có các tiêu chí cụ thể để đi vào thực chất, tránh hình thức. Ông thống kê những năm trước đã từng xảy ra tình trạng “lạm phát” danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Năm 2010, cứ 10 gia đình thì có 9 gia đình đạt danh hiệu này, trong các năm tiếp theo, sau khi siết lại thì tỉ lệ này còn 74-75% là cũng còn cao, đề nghị trong năm 2015 cần siết lại các danh hiệu cho thực chất hơn.

Hiện nay, TP có nhiều “Tuyến đường văn hóa văn minh đô thị” nhưng không thực chất, vẫn còn nhiều cảnh nhếch nhác, thiếu văn hóa như: xả rác, tiểu tiện, đổ nước thải… ĐB Hải đề nghị chỉ nên chọn 1 tuyến đường Bạch Đằng để thử nghiệm nhưng phải tập trung nguồn lực để làm “ra tấm, ra món”, xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm để nâng cao ý thức cho người dân.

ĐB Lê Văn Quang đề nghị TP sớm có chủ trương di dời ga Đà Nẵng ra khỏi khu vực trung tâm thành phố vì hiện nay phạm vi nhà ga chật, kho chứa hàng hóa nhỏ, đường Trần Cao Vân là tuyến đường chính vào ga quá chật, chỉ cần 2 xe tải tránh nhau cũng gây tắc nghẽn giao thông.

ĐB Phan Thị Thúy Linh băn khoăn về việc khó thu hồi các dự án chậm triển khai do khi TP giao đất cho các dự án thì cam kết rất chung chung, khó khả thi, đề nghị phải rà soát lại các dự án đang ở tình trạng này và cho nhà đầu tư cam kết cụ thể về thời gian, tiến độ, nếu họ không thực hiện mới có cơ sở để thu hồi.

Đưa đề án “Sữa học đường” vào Nghị quyết!

ĐB Huỳnh Phước cho rằng chủ trương xã hội hóa giáo dục đã được triển khai nhiều năm nhưng hiện nay, ở bậc THPT, số lượng học sinh các trường ngoài công lập mới đạt 6,4% là quá thấp, cần có giải pháp tăng tỉ lệ này lên để giảm gánh nặng cho ngân sách. ĐB Phước đơn cử một trường ngoài công lập ở Q. Liên Chiểu, mặc dù thu học phí chỉ bằng trường công nhưng mỗi năm chỉ tuyển được vài chục học sinh, rất lãng phí.

ĐB Nguyễn Thị Kim Hồng và ĐB Huỳnh Bá Cử phản ánh việc đường đất đỏ chợ Bà Kỷ (P. Phước Mỹ (Q. Sơn Trà), đoạn nối từ đường Nguyễn Công Trứ đến đường Võ Văn Kiệt dài khoảng 200 mét nhưng từ ngày giải phóng đến nay bà con vẫn chịu cảnh đường đất lầy lội, ô nhiễm, rất bức xúc, đề nghị TP ghi vốn đầu tư cho công trình này vào năm 2015.

ĐB Nguyễn Thị Kim Hồng và ĐB Cao Thị Huyền Trân đề nghị đưa  đề án “Sữa học đường” vào nghị quyết HĐND TP để triển khai trong các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn TP nhằm nâng cao thể lực và tầm vóc cho trẻ.

ĐB Huỳnh Thị Tam Thanh lo lắng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là thực phẩm cung cấp cho các trường học, bếp ăn tập thể, nhà hàng cần tăng cường kiểm tra nguồn gốc, chất lượng thực phẩm để đảm bảo người dân được sử dụng thực phẩm sạch;  đề nghị công khai kết quả kiểm tra đối với các đơn vị vi phạm.

ĐB Thanh cũng cùng quan điểm với các ĐB Huỳnh Phước, Nguyễn Thị Kim Hồng đề nghị TP quan tâm, có chính sách ưu đãi để  xây dựng nhà trẻ công lập cho công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất vì hiện nay, tỉ lệ trường công lập mới đạt 19% trong khi các cơ sở nuôi trẻ ngoài công lập chủ yếu là tự phát, nhiều nhóm không đảm bảo các điều kiện về nuôi dạy trẻ.

ĐB Nguyễn Quốc Bình đề nghị HĐND nên có giải trình cho cử tri về việc khu vực xây dựng dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine (hiện đang bị dừng) là vùng tranh chấp địa giới giữa TP. Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra nhiều năm và thẩm quyền giải quyết vấn đề này thuộc Quốc hội, cấp TP không giải quyết được.

Nh.Hoàng
(lược ghi)