Báo Công An Đà Nẵng

Nằm viện một mình...

Thứ bảy, 27/02/2021 17:57

Cánh chim không mỏi (ảnh minh họa).

Nhắc đến bệnh viện là mũi tôi tự động nhíu lại vì ám ảnh. Vậy nhưng vẫn phải vào viện tìm may mắn cho mắt trái bị nhược, cho căn bệnh hay ngất bất thường nên xống áo vô bệnh viện Đông Y tỉnh Phú Yên.

Bác sĩ phụ trách buồng bệnh của tôi tên Khánh. Tôi ra vô bệnh viện nhiều, từ T.Ư đến địa phương nhưng đây là chiếc blouse mà tôi có cảm tình nhiều nhất.

Ấn tượng đầu tiên là bác sĩ rất thân thiện và vui tính. Điều đó tưởng đơn giản nhưng với những bệnh nhân buồn đời, tuyệt vọng- như tôi thì quan trọng lắm, nó xua tan cảm giác mệt mỏi, chán chường, nó thắp chút niềm vui khi cuộc đời ngắn ngủi mà thời gian giam mình trong bệnh viện nhiều quá. Mấy ngày sau, tôi ngấm ngầm ngưỡng mộ sự nhẹ nhàng, mềm mỏng của bác sĩ nữa. Chắc là vì thông cảm, vì hiểu được điều đó nên mọi lời nói của bác sĩ đều ngầm động viên khích lệ.

Mỗi buổi sáng, thấy bác sĩ vào chuẩn bị châm cứu là tôi nín thở nằm chờ. Mỗi lần rút cây kim ra, nếu trên mặt tôi ứ ra một chút máu thì bác sẽ lấy miếng bông đặt lên chắp hít. Lúc bác đang trong phòng "tác nghiệp", tôi dễ dàng than thở với bác mọi điều, từ chán nản, nhớ con, nhớ trường nhớ lớp, đến thuốc nước khó uống... Tôi chia sẻ mọi thứ cứ như bác sĩ là chỗ để "nương nhờ lúc thở than"...

Một hôm, sau giờ châm cứu, tôi lang thang dọc hành lang bệnh viện. Ngực bỗng nóng ran lên. Lại nữa rồi, tôi vội tìm chỗ dựa. Không kịp, tôi ngã trên đường đi. Tôi thấy mình được bế về phòng, đắp chăn, có bàn tay ôm chặt. Khi tôi tỉnh lại thì chị bệnh nhân cùng phòng bảo bác sĩ Khánh đã chỉ cách "sơ cứu". Cũng hôm đó, bác sĩ ghé phòng, dặn tôi, dặn mấy chị cùng phòng cách trợ giúp nếu tôi lại lên cơn mệt. Bác sĩ bảo là một dạng bệnh tâm lý, sau những chấn thương trầm trọng về thể xác và tinh thần... Có chị bảo, bệnh đó người ta kêu là bệnh thiếu hơi đàn ông, bác sĩ nghiêm túc nói, là một cách nói không tế nhị, đó là một bệnh lý về tinh thần, từ ngữ khoa học gọi là hysteria. Thực ra, tôi biết mình mắc bệnh lý này lâu rồi, ngày chính thức biết mình dính căn bệnh quái ác ấy, tôi sụp đổ luôn vì mặc cảm bị chọc ghẹo nhưng bác sĩ đã giúp tôi tự tin hơn. Tôi muốn khóc khi bác sĩ nói "Tôi nhìn nghiêng khi bạn tôi bị chột".

Một buổi tối, bác sĩ Khánh có ca trực đêm. Lúc đi ngang qua phòng bệnh, nhìn thấy tôi đang thu lu ngồi buồn, bác sĩ dừng lại nói "Thích đọc báo mới thì sang phòng lấy một ít về đọc nè ?", tôi cười nhẹ và nhanh chân đi mượn báo. Nhìn thấy quyển sách nhỏ bên cạnh xấp báo, tôi liều hỏi mượn, bác sĩ mỉm cười đồng ý.

Những hôm sau, châm cứu xong là tôi ra hành lang bên vườn cây ngồi đọc sách. Tôi háo hức đọc ngấu nghiến, xúc động và say mê trước hồi ký của một người con gái trong quyển sách. Cuộc đời mình cũng lắm éo le, lắm ngang trái. Là cô giáo dạy Văn, sao mình không thử viết nhỉ? Thế là tôi ra căng-tin mua bút, vở.

Buổi tối, ngồi nhìn những người bệnh trằn trọc trong đau nhức, giấc ngủ đứt quãng, tôi bỗng nhớ chị Loan. Chị là bệnh nhân cùng phòng mới xuất viện, những ngày chị còn ở chung, tôi vì đi đứng chậm chạp, chị đi lấy giùm nước nóng, cơm, còn giặt đồ của tôi nữa. Chị Loan xinh đẹp nhưng đành đoạn ly hôn vì gặp người chồng ưa gái gú lại thích vũ lực. Nhớ về bà mẹ đơn thân, tôi thấy thương, thấy xót, chắc là đồng bệnh tương lân. Tôi gọi điện hỏi thăm về căn bệnh thoát đĩa đệm. Chị bảo, cũng đỡ đỡ thôi. Tôi rủ chị vào nằm viện cho vui, chị cười hì hì:

- Khi nào bác sĩ Khánh bảo thì chị sẽ vào!...

Câu nói nửa đùa nửa thiệt của chị làm lóe lên trong tôi một ý tưởng, chuyện tình ngang trái giữa bác sĩ có vợ và một cô bệnh nhân xinh đẹp đã ly hôn. Tôi hăm hở ngồi thử sức với một truyện ngắn... Truyện ngắn đó được đăng báo, nhận báo biếu trong bệnh viện, tôi cười mà nước mắt chảy ròng rã.

***

Tôi bây giờ vẫn phải chịu di chứng của tai nạn, vẫn sống một mình với con trai nhưng không còn khóc nhiều nữa. Cảm ơn lần nằm viện một mình đó, cảm ơn bác sĩ Khánh đã kéo tôi qua hố sâu tuyệt vọng, đã giúp tôi bén duyên với văn chương.

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN