Nan giải bài toán môi trường đô thị (2)
* Kỳ cuối: Âu thuyền Thọ Quang-"điểm nóng" khó nguội
(Cadn.com.vn) - Ông Ngô Văn Cát-Phó ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, TP Đà Nẵng là người rất tận tâm với công việc và nhiệm vụ của mình. Trước vấn đề chúng tôi đặt ra về tình hình ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang trong thời gian qua và hiện nay, ông Cát không đi vào vấn đề ngay mà nói sang một chuyện khác, mang âm hưởng của người làm công tác quy hoạch và nghiên cứu lịch sử... Ông bảo, ở các nước tiên tiến, khi xây dựng một bến cảng, người ta nghiên cứu kỹ về vị trí địa lý và dòng chảy sông nước khu vực cần xây dựng. Người Pháp ngày xưa rất có lý, khi xây dựng hàng loạt bến cảng từ Sài Gòn, Hải Phòng và bến Sông Hàn xưa tại Đà Nẵng.
Bến Sông Hàn xây dựng năm 1901, sau hơn 100 năm, nó đã hoàn thành sứ mệnh của mình, bến cá Thuận Phước xưa cũng nằm trong bến cảng Sông Hàn. Từ năm 2007, Âu thuyền Thọ Quang được xây dựng và đi vào hoạt động, cảng cá cũng chuyển về và nằm chung với âu thuyền này. Nhưng về bản chất mà nói, từ xa xưa, Âu thuyền Thọ Quảng vẫn chỉ là một cái "âu", hay một đầm nước khuất gió chỉ có tác dụng cho tàu thuyền trú tránh gió bão mà thôi. Còn chức năng để làm một cảng cá, dịch vụ hậu cần nghề cá, giao lưu thương mại thì cần "phải xem lại".
Rác thải ứ đọng tại Âu thuyền-Cảng cá Thọ Quang. |
Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang có diện tích mặt nước 58 ha, diện tích trên bờ 24 ha, có thể khẳng định đây là trung tâm kinh tế nghề biển của toàn miền Trung. Hàng ngày có từ 50 đến 60 tàu thuyền cập bến để xuất bán hải sản đánh bắt ngoài biển, sửa chữa tàu thuyền, nhập nguyên vật liệu, nhiên liệu trước khi ra khơi... Hàng ngày có từ 3.000 đến 4.000 người tập trung về tham gia các hoạt động của âu thuyền và cảng cá. Vào những ngày mưa bão, âu thuyền có tới hàng trăm tàu thuyền, như cơn bão số 3 vừa qua, có tới 1.250 tàu thuyền từ nhiều tỉnh vào tránh trú bão, với cả hàng chục nghìn lao động. Với số lượng tàu thuyền và người lớn như vậy, âu thuyền, cảng cá phải "tiếp nhận" một số lượng rác khổng lồ thải ra.
Trong những ngày mưa bão, cây cối, súc vật chết, rác rưởi từ ngoài biển cũng dạt vào âu thuyền, rồi xung quanh có tới 20 doanh nghiệp chế biến thủy sản, nguồn nước thải mặc dù đã được đấu nối với Trạm xử lý nước thải Thọ Quang, nhưng về chất lượng nước thải thì vẫn còn phải "xem lại", tất cả dồn xuống âu thuyền. Âu thuyền như một cái túi khổng lồ chứa rác, chất thải, nước thải... Ông Cát buồn bã: "Với nhiệm vụ phụ trách về phòng chống bão lũ, vệ sinh môi trường... nói thật, tôi "oải" quá rồi, nhưng oải mà vẫn phải làm, làm bằng cái "tâm" của mình...". Âu thuyền là đề tài không cạn của báo chí, lâu lâu lại có bài báo, nào là "điểm nóng về ô nhiễm môi trường Thọ Quang...", nào là "Âu thuyền Thọ Quang kêu cứu..."...
Thế nhưng đã có ai chịu ngồi nghe đâu là nguyên nhân, đâu là bản chất thực sự của sự ô nhiễm này đâu! Ông Cát cho biết, trước năm 2015, công tác xử lý vệ sinh môi trường do trực tiếp Ban Quản lý Âu thuyền và cảng cá điều hành, thực hiện, mỗi năm Ban Quản lý chi gần một tỷ đồng cho việc trả lương, mua sắm trang thiết bị cho đội xử lý vệ sinh môi trường gồm 12 lao động. Năm 2013, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 03, về các quy định quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, trong đó có nêu rõ 13 điều về công tác đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường. Có thể nói, trong thời gian này, tình hình vệ sinh môi trường âu thuyền-cảng cá cũng dần được cải thiện.
Âu thuyền-Cảng cá Thọ Quang đã biến thành một "ao" tù đọng rác |
Từ tháng 1-2015, theo chỉ đạo của Sở TN-MT TP, công tác vệ sinh môi trường của âu thuyền-cảng cá Thọ Quang được chuyển giao hoàn toàn cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng, Ban Quản lý chỉ có nhiệm vụ giám sát, từ đây bắt đầu nổi lên một số vấn đề. Như trên đã nêu, về đặc thù của âu thuyền-cảng cá là nơi tập trung tàu thuyền, lượng người đông, hoạt động 24/24 giờ hàng ngày, công tác vệ sinh môi trường phải làm thường xuyên, nhưng công việc này chỉ được thực hiện vào những thời gian cao điểm âu thuyền-cảng cá hoạt động. Vậy là vệ sinh môi trường lại trở nên phức tạp, cỏ dại mọc tràn lan, rác thải ứ đọng, nước thải chảy lênh láng, bốc mùi hôi thối nồng nặc... Cùng với đó là ý thức người lao động từ các địa phương khác đến rất kém. Trong những năm qua, Ban quản lý đã triển khai nhiều hình thức, từ tuyên truyền, ký cam kết, nhắc nhở và cả xử phạt nhưng ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường ở một bộ phận người lao động tại đây không hề chuyển biến...
Quay trở lại câu chuyện của ông Cán mà phần đầu bài viết đã đề cập. Theo ông Cán, nhiều ngư dân cũng có ý kiến, vị trí của âu thuyền thực ra chỉ đúng với chức năng "trú bão". Xét về mặt vị trí, dòng chảy giao lưu giữa âu thuyền và cửa biển Vịnh Đà Nẵng quá yếu, âu thuyền chỉ như một cái ao tù đọng. Lượng rác thải lớn, không xử lý kịp thời lập tức chìm xuống đáy âu thuyền gây thối rữa, cộng với lượng nước thải từ các doanh nghiệp, các khu dân cư đổ xuống âu thuyền, ứ đọng, không thể thoát đi bất cứ nơi nào khác, biến âu thuyền thành một vũng nước hổ lốn, tù đọng, hôi thối. Như vậy cùng với vấn đề vệ sinh môi trường, vấn đề đảm bảo an toàn về tài sản và tính mạng con người cũng trở nên cấp thiết tại Âu thuyền-Cảng cá Thọ Quang.
Từ những thực trạng trên đây, đề nghị chính quyền và ngành chức năng TP Đà Nẵng cần có kế hoạch xem xét, quy hoạch mở rộng, nạo vét luồng lạch âu thuyền trong thời gian tới. Kết thúc câu chuyện, ông Cán tâm sự: "Ở nhiều nước trên thế giới, cảng cá còn là một điểm tham quan, du lịch, nó phản ánh bộ mặt kinh tế, văn hóa-xã hội của một địa phương. Đà Nẵng cũng không nằm ngoài mục đích như vậy. Một cảng cá chật hẹp, vệ sinh môi trường ô nhiễm là điều không thể chấp nhận, hơn nữa, xây dựng một âu thuyền-cảng cá văn minh, hiện đại là điểm tựa vững vàng, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển phát triển kinh tế và góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước trong tình hình hiện nay.
Hồng Thanh