Nan giải bài toán trả tiền chuộc bắt cóc
(Cadn.com.vn) - Vụ giết các nhà báo Mỹ, nhân viên cứu trợ người Anh ở Syria, nhà leo núi người Pháp ở Algeria nêu bật tình trạng khó xử cho chính phủ các nước trong việc phải làm thế nào trước yêu cầu trả tiền chuộc của bọn bắt cóc. Tiền chuộc giúp cứu mạng sống của con tin, nhưng cũng khuyến khích các nhóm cực đoan thực hiện thêm nhiều vụ bắt cóc và có tiền mở rộng hoạt động?
Bị bắt ở Sahara
Tháng 5-2009, tại khu trại nằm sâu trong sa mạc Sahara, nhóm phiến quân Hồi giáo giết một con tin người Anh, Edwin Dyer. Dyer bị bắt cóc 4 tháng trước cùng với 3 du khách Châu Âu khác gồm Gabriella Barco Greiner, Werner Greiner đến từ Thụy Sĩ, và Marianne Petzold, người Đức. Chuyện gì xảy ra sau đó không ai rõ, song chuyên gia an ninh tin rằng, chính quyền Berlin đã trả một khoản tiền chuộc cho Petzold, mặc dù các quan chức Đức không bình luận về vụ việc.
Nhưng sau 3 tháng bị giam giữ, Marianne Petzold và Gabriella Greiner được thả. 2 tháng sau đó, chồng của Gabriella, Werner Greiner, cũng được thả. Không có bằng chứng cho thấy Đức trả tiền chuộc mà chính phủ Thụy Sĩ hành động thay mặt cho gia đình Greiner. Các quan chức Thụy Sĩ cho biết, Tổng thống Mali Amadou Toumani Toure giúp giải quyết vụ thả Werner Greiner và khẳng định Thụy Sĩ không đàm phán cũng không trả tiền chuộc cho ông ta.
Tuy nhiên, biên bản cuộc họp chính phủ đặc biệt tại Thụy Sĩ vài tháng sau đó cho thấy, nội các đồng ý thanh toán chi phí để cứu 2 công dân Thụy Sĩ. Theo biên bản cuộc họp, nội các cũng nhất trí trả tiền chuộc là "bảo vệ ngoại giao và lãnh sự". Một tuyên bố từ Hội đồng tài chính quốc hội Thụy Sĩ khẳng định, phái đoàn Tài chính Liên bang đã thông qua quỹ 3 triệu franc Thụy Sĩ (3,2 triệu USD) mà Hội đồng Liên bang trước đó đã yêu cầu liên quan đến trường hợp con tin Thụy Sĩ bị bắt giữ tại Mali".
Đây là lần thừa nhận chính thức đầu tiên và duy nhất của một chính phủ đối với các trường hợp như vậy bởi các nước thường che giấu "bí mật xung quanh các vụ việc tương tự".
![]() |
Werner Greiner (trái) và một trong những con tin khác. Ảnh: BBC |
Vi phạm nghị quyết LHQ
Trả tiền chuộc cho Al-Qaeda và các nhánh của nhóm này là vi phạm nghị quyết của HĐBA LHQ năm 1904, trong đó nói rằng, các quốc gia phải "đóng băng các khoản tiền và các tài sản tài chính khác hoặc các nguồn lực kinh tế của các cá nhân, các nhóm, các doanh nghiệp và các tổ chức". Nghị quyết xác định, điều này "cũng được áp dụng trong việc trả tiền chuộc".
Và một số chính phủ, trong đó có Mỹ và Anh, tuân thủ cứng nhắc và không nhượng bộ. Tháng trước, Thủ tướng Anh David Cameron nhấn mạnh nghị quyết này khi nói về một con tin người Anh bị IS bắt giữ ở Syria. "Tôi biết rằng điều này là không phải đối với các gia đình nạn nhân, nhưng... Các tổ chức khủng bố trên toàn thế giới kiếm hàng chục triệu USD từ tiền chuộc và chúng chi tiêu số tiền đó vào việc trang bị, để từ đó bắt cóc thêm nhiều người và âm mưu thực hiện các vụ khủng bố", ông nói.
Chính sách của London giúp xác định số phận của Edwin Dyer. Ban đầu, kẻ bắt cóc yêu cầu Anh phải trả 10 triệu USD để đổi lại tự do cho Dyer. Khi chính phủ nói không, AQIM giảm số tiền xuống còn 6 triệu USD, nhưng London vẫn không nhúc nhích. Nhóm này cũng yêu cầu thả Abu Qatada, giáo sĩ Hồi giáo cực đoan có liên kết với Al-Qaeda đang bị giam ở Anh. Một lần nữa, London lại từ chối. Một tháng sau khi Petzold và Gabriella Greiner được thả. Dyer bị bắn, sau đó bị chặt đầu.
Nhiều người lên án chính phủ Anh. "Dyer tội nghiệp. Ông đã mang sai quốc tịch. Nếu ông là người Đức, Pháp, hay bất cứ nước nào khác, ông đã sống", em trai Hans Dyer, cho biết.
Bí mật thanh toán
Petzold và Greiners không phải là các con tin duy nhất được trả tự do nhờ vào việc trả một khoản tiền chuộc khổng lồ. Từ năm 2003, ít nhất 68 người phương Tây bị bắt cóc ở sa mạc Sahara rộng lớn.
Các dữ liệu cho thấy, bọn bắt cóc thu được khoản tiền chuộc tổng cộng ít nhất là 30 triệu USD từ năm 2008, và số tiền chuộc trung bình cho một con tin phương Tây trong khu vực hiện nay là 2 triệu USD. Hầu hết các con tin là công dân của các nước được cho là đã trả tiền chuộc. Trong 6 năm qua, hàng chục công dân Pháp bị bắt cóc ở Bắc Phi và khu vực Sahel, nhiều nhất trong số các nước. Phần lớn được thả, mặc dù 2 người thiệt mạng, 1 người chết trong tù và 1 người vẫn bị giam giữ.
Chính phủ nhiều nước Châu Âu bác bỏ việc trả tiền chuộc, nhưng họ vẫn tìm cách thanh toán mà không cần giao tiền trực tiếp cho kẻ bắt cóc, Vicki Huddleston, cựu đại sứ Mỹ tại Mali, cho biết. "Chính phủ nói không trả tiền. Vì vậy, gia đình nạn nhân trả tiền? Hay tiền được lấy trong tài khoản viện trợ ở Mali để Mali trả tiền chuộc và sau đó được hoàn trả?", bà Huddleston cho biết.
An Bình
(Theo BBC)