Báo Công An Đà Nẵng

Nan giải “cuộc chiến” giữ rừng nơi đại ngàn Kbang (Bài 1: Thâm nhập “điểm nóng” Lơ Ku)

Thứ sáu, 21/06/2019 13:50

Lơ Ku được xem là một trong những địa bàn còn rừng nguyên sinh với nhiều cây đại thụ và được bảo vệ nghiêm ngặt. Để bảo vệ rừng Lơ Ku, không chỉ các lực lượng quản lý bảo vệ rừng mà cả chính quyền địa phương cũng có mặt tại đây, thậm chí có hẳn 2 chốt chặn ngay trên tuyến đường từ rừng ra ngoài. Oái oăm thay, rừng Lơ Ku vẫn bị “rút ruột” với mức độ khủng khiếp và nơi đây vẫn luôn là “điểm nóng” về tình trạng phá rừng.

Cây bằng lăng với đường kính khoảng 1m bị lâm tặc đốn hạ vẫn còn ngổn ngang tại hiện trường.

Từ chuyện cây bằng lăng “khủng”

Đầu tháng 6-2019, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng VPĐD tại Tây Nguyên nhận được nguồn tin của người dân ở xã Lơ Ku (H. Kbang, Gia Lai) về việc có 1 cây bằng lăng “khủng” với đường kính hơn 1m bị cưa hạ. Trong lúc các đối tượng đang vận chuyển đi thì bị lực lượng CAH Kbang và các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ. Tuy nhiên, lợi dụng đêm tối, các đối tượng đã tẩu thoát để lại hiện trường nhiều tấm gỗ kích thước lớn. Điều đáng nói, đây được xem là cây bằng lăng “khủng” còn sót lại nơi đây và gần với tuyến đường liên xã nhưng các đối tượng lâm tặc vẫn ngang nhiên khai thác trái phép.

Nhận được nguồn tin, P.V vượt hơn 200km từ TP Pleiku (Gia Lai) có mặt tại những cánh rừng trên địa bàn xã Lơ Ku. Ngay trên tuyến đường liên xã, một con đường rộng với vết bánh xe độ chế vẫn còn nguyên mở xuống khu vực hiện trường cây bằng lăng bị khai thác trái phép. Đi vào khoảng 70m là cả một khu vực đất bị cày xới vì lâm tặc mở đường và ngổn ngang bìa, cành ngọn của cây bằng lằng bị lâm tặc cưa xẻ. Những dăm bào còn lại hiện trường vẫn dậy mùi thơm của gỗ. Dù gốc cây bằng lăng này đã bị đốt cháy nhưng những bìa gỗ mà lâm tặc còn sót lại tại hiện trường bề ngang cũng đã gần 1m. Chỉ tính riêng phần ngọn mà lâm tặc vứt lại tại hiện trường cũng có khối lượng lớn khi đường kính cũng đã trên 80cm. Chứng tỏ cây bằng lăng này thuộc loại hàng “khủng” còn sót lại nơi đại ngàn này. Không những thế, để vận chuyển, các đối tượng lâm tặc còn ủi đất nhằm để chiếc xe độ có thể xuống tận nơi chở gỗ. Xung quanh là những chai nhựa đựng dầu máy cưa công suất lớn vứt lại ngổn ngang cùng những vật dụng khác. Điều đó, chứng tỏ các đối tượng lâm tặc cưa xẻ không chỉ trong thời gian ngắn mà xong.

Làm việc với P.V, ông Phạm Khắc Hoàn - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lơ Ku, cho hay: vụ việc cây bằng lăng bị cưa hạ xảy ra vào đêm 27-5-2019, nhân viên quản lý bảo vệ rừng của Cty phát hiện và sự việc đã được báo cho CAH Kbang cùng các cơ quan chức năng phối hợp bắt giữ. Tuy nhiên, chỉ thu giữ được tang vật, phương tiện còn đối tượng vi phạm thì không bắt giữ được. “Số liệu cụ thể như thế nào thì tôi không nắm được”, ông Hoàn thờ ơ.

Qua tìm hiểu của P.V, số lượng gỗ thu giữ từ việc khai thác trái phép cây bằng lăng này là 10 tấm với tổng khối lượng là hơn 4,9m3. Hiện vụ việc vẫn đang được CQĐT CAH Kbang xác minh làm rõ. Cũng qua chuyến tìm hiểu việc cây bằng lăng trên bị lâm tặc đốn hạ, một số người dân ở xã Lơ Ku đã cung cấp thêm cho P.V những nguồn tin đáng giá về tình trạng rừng bị tàn phá nơi đây. Thậm chí, trong câu chuyện của những người này luôn sợ sệt vì lâm tặc ở đây cực kỳ manh động. Sau nhiều lần động viên, người dân cũng cung cấp cho P.V những khu vực rừng bị tàn phá khác.

Một gốc dổi với đường kính hơn 1m bị lâm tặc cưa hạ tại lâm phần của Cty Lơ Ku.

Thâm nhập

Khi P.V đề nghị người dân dẫn đường thâm nhập thực tế, họ yêu cầu phải cải trang thành người đi lấy mật ong rừng nhằm tránh bị lâm tặc phát hiện. Song đến giờ cuối, những người này lo sợ nên P.V thâm nhập một mình.

Từ cuối làng Pngăl (thuộc địa giới hành chính xã Krong, H. Kbang), P.V men theo con đường núi in hằn vết kéo gỗ và xe lên của các đối tượng lâm tặc lên khu vực Tiểu khu 103 thuộc lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lơ Ku (viết tắt: Cty LN Lơ Ku). Chiếc xe máy gào rú vì đường dốc và đầy đá trơn trượt nên P.V phải bỏ lại xe máy bên đường rồi men theo đường vận chuyển gỗ của lâm tặc để luồn sâu vào rừng. Sau 30 phút vượt núi, P.V có mặt ở vùng núi có độ cao trên 900m và khung cảnh “đại công trường” khai thác gỗ hiện ra trước mắt. Ngay tại con đường dẫn vào rừng, 5 tấm gỗ dổi kích cỡ: ngang 50cm, dày 20cm, dài từ 1,5-2m bị lâm tặc bỏ lại vì chưa kịp kéo đi. Từ tìm hiểu của P.V, sau khi hạ cây, các đối tượng lâm tặc xẻ gỗ thành từng tấm với kích cỡ như trên rồi dùng sức người, bò hoặc máy tời độ chế để kéo ra điểm tập kết chờ vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ.

Tiếp tục đi sâu vào khoảnh rừng này, chỉ trong vòng bán kính chưa đầy 500m, nhẩm tính đã có 5-6 cây dổi bị đốn hạ. Đa phần những thân cây đã bị lâm tặc xẻ thành hộp, tấm vận chuyển đi, chỉ còn trơ gốc và phần ngọn. Một số khác vẫn còn vứt ngổn ngang tại hiện trường. Trong đó, một gốc dổi với đường kính hơn 1m đã bị cưa hạ, toàn bộ phần thân cây dài khoảng 4m đã bị lâm tặc xẻ thành từng tấm vận chuyển ra khỏi rừng. Tại những cây gỗ bị đốn hạ khác, từ gỗ tròn, hộp (quy cách 30cm x 30cm x 200cm) vẫn để ngổn ngang tại hiện trường.

Gỗ được lâm tặc tập kết trên đường chờ kéo ra ngoài.

Từ con đường mòn mà lâm tặc kéo gỗ để lại, P.V tiếp tục thâm nhập vào sâu bên trong. Theo lời người dân kể lại, chỉ mới 2-3 tháng trước, nơi đây là “đại công trường” của lâm tặc khi tiếng cưa máy vang khắp rừng. Ngay trên đường vào, P.V tiếp tục bắt gặp 11 tấm gỗ khác dày 20cm, dài khoảng 2m vứt ngổn ngang bên đường chờ vận chuyển đi, xung quanh đó là những dấu vết gỗ bị kéo đang còn mới. Lần theo những lối mòn chia thành nhiều nhánh trong rừng, P.V đã bắt gặp nhiều cây gỗ đốn hạ khác ngổn ngang khắp nơi, cũ có mới có. Trong số này, có gốc cây được đánh dấu thể hiện sự kiểm tra của Cty, còn lại đa phần không có dấu vết nào.

Quay trở xuống, từ làng Krối (xã Lơ Ku), P.V tiếp tục đi vào Tiểu khu 140 thuộc lâm phần Cty LN Lơ Ku quản lý. Nơi đây, hàng loạt cây rừng cũng bị đốn hạ, chỉ còn trơ những gốc cây. Thời gian khai thác ước vào thời điểm từ cuối năm 2018 và thời gian từ tháng 6-2019. Chỉ cần nhìn bằng mắt thường, nhẩm đếm đã có hàng chục khối gỗ bị thiệt hại. Từ chuyến thâm nhập thực tế, P.V đã ghi nhận nhiều khu vực rừng bị tàn phá và ngay thời điểm P.V có mặt tại đây, những cánh rừng vẫn vang lên tiếng máy cưa vọng lại. Nơi đó, những cánh rừng của đại ngàn Kbang vẫn ngã xuống trong sự loay hoay với “bài toán” giữ rừng của chủ rừng và các đơn vị chức năng.

(còn nữa)

Phóng sự điều tra: Minh Tân