Báo Công An Đà Nẵng

Nan giải trong việc xử lý nạn "rút ruột lòng sông"

Thứ ba, 11/08/2015 09:46

(Cadn.com.vn) - Tối 9-8, sau nhiều giờ mật phục trên sông, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (viết tắt: cảnh sát môi trường) CATP Đà Nẵng đã bắt giữ, lập hồ sơ xử lý 3 chủ thuyền có hành vi khai thác cát trái phép tại khu vực sông Cái thuộc địa bàn P. Hòa Xuân (Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng). Theo một cán bộ Đội 3, Phòng Cảnh sát môi trường, để bắt quả tang những thuyền hút cát trên sông là công việc rất khó khăn, thậm chí nguy hiểm, nhưng khi lập hồ sơ xử lý thì gặp phải tình huống khó xử.

Các thuyền khai thác cát trái phép được tập kết tại sông Hàn để lập hồ sơ xử lý.

Cải trang "ông Lữ" để tiếp cận hiện trường

Theo CBCS Phòng Cảnh sát môi trường, để bắt quả tang các thuyền hút cát trong đêm là không đơn giản, bởi nếu TTKS bằng ca nô của lực lượng CSGT đường thủy thì chỉ cần nổ máy xuất phát là các đối tượng cảnh giới thông tin ngay các thuyền hút cát trái phép nhanh chóng tránh nấp. Chính vì vậy, lực lượng phải lập một tổ trinh sát trên bờ, số CBCS còn lại thuê thuyền của người dân, cải trang, tiếp cận, phối hợp bắt quả tang thì mới đủ điều kiện để xử lý. "Muốn bắt quả tang, chúng tôi phải để các thuyền hút một khối lượng cát nhất định để khi chủ tàu có ý định chạy trốn cũng không chạy nhanh được. Mặt khác, nếu họ chạy nhanh sẽ nguy hiểm cho bản thân họ cũng như tàu thuyền khác đang hoạt động trên sông", một cán bộ Đội 3 cho hay.

Trong đêm 9-8, thời điểm 2 tổ công tác của Phòng Cảnh sát môi trường tiếp cận đoạn sông Cái thuộc P. Hòa Xuân (Q. Cẩm Lệ) đã có nhiều thuyền cùng khai thác cát giữa lòng sông. Khi thấy động, một số đã nhanh chóng tản ra và tìm đường chạy trốn. 3 thuyền bị lực lượng công an bắt giữ là của bà Nguyễn Thị Hà (1990), bà Huỳnh Thị Sang (1972) và ông Lê Tú Mười (1979, cùng trú P. An Hải Bắc, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng). Khối lượng cát đã hút từ lòng sông trên 3 thuyền này là hơn 20m3. Theo các chủ tàu khai nhận, trước đây chuyên làm cho các thuyền chở cát từ Quảng Nam về Đà Nẵng bán, giờ đứng ra tự vay tiền mua lại tàu cũ và máy móc để hút cát bán cho những người có nhu cầu đổ nền công trình với giá 15.000 đồng/m3. Ngay trong đêm, 3 chiếc thuyền này đã được tập kết về khu vực gần cầu Rồng để lập hồ sơ xử lý.

Bà Huỳnh Thị Sang, một trong 3 chủ thuyền bị bắt khi đang hút cát trái phép kể, nhà bà thuộc diện hộ nghèo, bản thân bị bệnh tim, chồng không có công việc làm ổn định. Trước đây bà đi buôn cá ở chợ, tích cóp vay mượn được 95 triệu đồng mua lại chiếc thuyền cũ về gọi thêm một số lao động cùng đi hút cát. "Mua thuyền được 2 tháng, mới đi được mấy chuyến thì bị bắt như ri. Tui biết hút cát dưới lòng sông đi bán là vi phạm pháp luật, nhưng túng quá, không biết làm chi. Lần đầu bị bắt, cũng là lần cuối, tui quyết định bán thuyền trả nợ rồi kiếm việc chi khác làm thôi. Lén lút như ri cũng khổ", bà Sang kể.

Lực lượng Cảnh sát Môi trường làm việc với các chủ thuyền bị bắt quả tang khai thác cát trái phép đêm 9-8.

Cần tạo sinh kế phù hợp cho người vi phạm

Theo CBCS thuộc Đội 3, Phòng Cảnh sát môi trường, khác với nhiều tàu thuyền tập hợp thành các đội quân khai thác cát có tổ chức, nhiều chủ thuyền buộc phải chọn nghề này vì miếng cơm manh áo của gia đình. Trong số 3 chủ thuyền bị bắt vào tối 9-8, có người trong khi đi làm phải kèm theo 2 đứa con nhỏ nheo nhóc, cuộc sống hết sức khó khăn. "Đối với những người như thế, mỗi khi ký đề xuất xử phạt chúng tôi cũng suy nghĩ nhiều lắm. Biết họ khó khăn nhưng đã vi phạm thì không thể không xử lý. Việc hút cát giữa sông không những ảnh hưởng đến các hồ nuôi tôm của người dân, gây sạt lở bờ sông mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông đường thủy cũng như dòng chảy của sông. Vừa xử lý vừa tuyên truyền nhưng nếu không có bài toán chuyển đổi ngành nghề, tạo sinh kế cho họ thì rất khó giải quyết tận gốc", một cán bộ Đội 3 cho biết.

Trao đổi với chúng tôi về câu chuyện này, bà Trần Thị Thanh Tâm, Quyền Chủ tịch UBND Q. Sơn Trà cho biết, việc một số hộ dân trên địa bàn quận sử dụng thuyền khai thác cát trái phép trước đây bà cũng có nghe nhưng không phải lĩnh vực phụ trách nên chưa nắm cụ thể, còn việc 3 chủ thuyền bị bắt giữ, xử lý do mới xảy ra nên phường chưa báo cáo lên. Tuy nhiên, UBND quận sẽ chỉ đạo chính quyền cấp dưới rà soát lại các hộ thuộc diện này, nếu quả thực họ thuộc hộ nghèo, cần hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi ngành nghề thì cơ quan chức năng của quận sẵn sàng tạo điều kiện để họ được tiếp cận với các nguồn vốn của ngân hàng chính sách.

"Chúng tôi sẽ cho rà soát lại, nếu quả thực họ nghèo hoặc cận nghèo, có nhu cầu được chuyển đổi ngành nghề và tu chí làm ăn thì chắc chắn chính quyền địa phương sẽ sát cánh, tạo điều kiện. Nhưng nếu họ cố tính không chuyển đổi ngành nghề, tiếp tục tái phạm thì sẽ kiên quyết xử lý theo quy định", bà Tâm nói.

Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng TP Đà Nẵng trong quá trình TTKS đã bắt giữ, xử lý rất nhiều vụ khai thác cát trái phép phía thượng nguồn sông Hàn, đặc biệt là các khu vực giáp ranh giữa 2 quận Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ (Đà Nẵng) và TX Điện Bàn (Quảng Nam). Câu chuyện này đã xảy ra lâu nay, mong rằng chính quyền, ngành chức năng thành phố sớm có biện pháp xử lý dứt điểm để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, hạn chế ảnh hưởng đến luồng lạch và nguy cơ sạt lở, uy hiếp các khu vực ven sông.

Công Khanh