Nan giải việc xử lý các điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật
(Cadn.com.vn) - Nghệ An là địa phương có số điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) lớn nhất cả nước, với 913 điểm. Trong khi đó, việc xử lý ô nhiễm môi trường do tồn dư thuốc BVTV lại rất phức tạp, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, yêu cầu kỹ thuật cao và không thể một sớm một chiều xử lý dứt điểm được. Vì vậy, ngày ngày người dân quanh những điểm ô nhiễm tồn dư thuốc BVTV vẫn phải sống trong cảnh thấp thỏm lo âu...
Sống trong sợ hãi
Mới đây, gia đình chị Hà Thị Hồng (trú xóm 4, xã Hưng Khánh, H. Hưng Nguyên, Nghệ An) đào móng làm công trình phụ thì phát hiện một lượng lớn tồn dư thuốc BVTV được chôn dưới đất. Sau khi bất đắc dĩ “khai quật” được “kho thuốc” thì không chỉ gia đình chị Hồng mà nhiều gia đình ở xóm 4 luôn sống trong cảnh bất an nên phải “sơ tán” con nhỏ đi nơi khác để tránh hít phải mùi thuốc hôi nồng. Ông Hoàng Đức Thông, Chủ tịch UBND xã Hưng Khánh cho biết: Ngoài điểm mới phát hiện tại xóm 4, trên địa bàn xã còn có một số điểm bị ô nhiễm rất nghiêm trọng và ngày càng lan rộng nên người dân địa phương rất hoang mang lo lắng. Vừa qua cũng đã có đơn vị chức năng về kiểm tra để xử lý nhưng chưa thấy triển khai xử lý.
Kho thuốc BVTV trong vườn nhà chị Hồng (xóm 4, xã Hưng Khánh, H. Hưng Nguyên). |
Thời gian qua, trên địa bàn Nghệ An đã phát hiện rất nhiều điểm tồn dư thuốc BVTV nằm trong khu dân cư, thậm chí có hộ sống trên nền kho thuốc BVTV cũ, hoặc có gia đình đào giếng cạnh với điểm kho thuốc BVTV. Nhiều điểm tồn dư đã bị biến dạng do người dân cải tạo đất hoặc làm nhà chồng lên bên trên mà không hề hay biết. Có thể kể đến các huyện có nhiều điểm tồn dư thuốc BVTV như: Nam Đàn, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Diễn Châu...
Hoặc như tại xóm Mậu 2, xã Kim Liên (H. Nam Đàn) trước đây là trung tâm pha chế và phân phối thuốc trừ sâu trong những năm 1964- 1968 cho cả tỉnh. Đã nhiều năm qua, mức độ ô nhiễm không giảm đi mà có phần phát tán rộng hơn. Trước thực trạng này, Sở TN&MT Nghệ An đã thực hiện Đề án “Công trình xử lý mức độ ô nhiễm thuốc BVTV tại xóm Mậu 2” do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tiến hành thi công xử lý điểm ô nhiễm này. Tuy vậy, sau một thời gian, một số hạng mục công trình đã bị hư hỏng, trong đó hệ thống bể lọc bị vỡ nên thường xuyên bị ngấm nước.
Do không thành công trong lần đầu tiên tiến hành xử lý nên ngay khi dự án tiếp tục triển khai giai đoạn 2 người dân quanh vùng rất quan tâm. Bà Nguyễn Thị Phương, một hộ dân bị ảnh hưởng ô nhiễm từ kho thuốc BVTV này cho rằng: Do khu vực ảnh hưởng sát khu dân cư, việc di dời dân đi nơi khác là không thể, vậy nên giai đoạn 2 này người dân rất mong muốn các cơ quan chức năng tiến hành xử lý thật triệt để, không thể để ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của người dân.
3 năm xử lý được 10 điểm
Trao đổi về vấn đề tồn dư thuốc BVTV, ông Hồ Sỹ Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Nghệ An thẳng thắn: Rất khó xử lý triệt để các điểm tồn dư thuốc BVTV mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kinh phí. Bởi theo chủ trương chung của Chính phủ, mỗi điểm xử lý tồn dư thuốc BVTV, Nhà nước chỉ hỗ trợ 50%, còn lại là ngân sách của tỉnh tự bỏ ra. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí của tỉnh còn hạn hẹp nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, công nghệ xử lý thuốc BVTV chưa đảm bảo, mỗi một điểm tồn dư có một loại hóa chất khác nhau, mỗi vùng lại có điều kiện thổ nhưỡng khác biệt nên không thể áp dụng phương pháp xử lý chung được. Việc xử lý những điểm tồn dư thuốc BVTV như ở xã Hưng Khánh (H. Hưng Nguyên) chắc chắn không thể triển khai trong ngày một ngày hai được, vì còn liên quan đến nhiều vấn đề như: phải trình qua nhiều cấp ngành mà đặc biệt là nguồn kinh phí để xử lý quá lớn, yêu cầu kỹ thuật cao.
Cũng theo ông Dũng, Nghệ An là địa phương phát hiện ra nhiều điểm tồn dư thuốc BVTV nhất cả nước, những điểm phát hiện ra điểm tồn dư thuốc BVTV là những điểm trước đây có nông trường, lâm trường, HTX, bệnh viện... đóng tại đó. Theo thống kê của ngành chức năng, trong 3 năm qua Nghệ An xử lý được 10 điểm tồn dư thuốc BVTV. Theo lộ trình, từ nay cho đến năm 2020 tỉnh Nghệ An phải xử lý dứt điểm 189/913 điểm tồn dư thuốc BVTV.
Trước thực trạng trên, cuối năm 2013, UBND tỉnh đã có công văn gửi Bộ TN&MT về việc đề nghị tăng thêm kinh phí hỗ trợ, với mức trung bình 80%. Ưu tiên xử lý những điểm bị ô nhiễm nặng, điểm lộ thiên, riêng những điểm gần khu dân cư cần có giải pháp sớm, nhằm đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người dân.
Hiện nay, người dân Nghệ An đang rất lo lắng khi sống chung với những điểm ô nhiễm từ thuốc BVTV. Dù biết rằng đây là một bài toán khó, nhưng các cơ quan có thẩm quyền nên sớm đưa ra lời giải hoặc phương án để khắc phục, xử lý được những khó khăn trên. Đặc biệt là những điểm nằm sát nhà dân và khu dân cư.
Bài, ảnh: X.S